Tôi từng yêu một người suốt 9 năm, từ thời học cấp ba cho đến khi tốt nghiệp đại học và đi làm. Sau này, chính tôi là người chủ động chia tay người đó, vì nghĩ họ không thể lo cho mình một cuộc sống ổn định.
Đi làm 3, 4 năm, trong tay anh ấy vẫn chẳng có gì. Anh làm nhân viên văn phòng, lương gần 15 triệu đồng/tháng, vừa làm vừa học thêm ngoại ngữ để chuyển sang một ngành khác. Mỗi tháng, trừ tiền thuê nhà, tiền điện nước, chi tiêu các thứ, tiền gửi về cho bố mẹ ở quê, anh ấy chỉ dư đôi ba triệu, đùng cái có đám hiếu, đám hỷ hay ốm đau thì cũng hết sạch.
Gần 30 tuổi, anh chưa có nhà, chưa có xe, tiền tích lũy cũng chẳng có mấy đồng. Bố mẹ ở quê không có vốn liếng, tài sản cho con, thậm chí còn trông chờ con cái gửi tiền về hàng tháng để chi tiêu. Tôi thì làm nhân viên tư vấn, lương tháng chưa đến chục triệu. Thử hỏi, hai đứa cưới nhau về, đến bao giờ mới mua được nhà, sắm được xe, rồi còn sinh con, đẻ cái? Nhìn vào anh, tôi thấy một tương lai mờ mịt.
Con gái mơn mởn tuổi xuân, có quyền được lựa chọn. Đám bạn bè tôi, đứa nào cũng tập trung nâng cấp nhan sắc rồi chọn một người chồng có điều kiện để khỏi phải lo tiền mua nhà, sắm xe. Tôi cũng không ngoại lệ. Tôi nghĩ mình có quyền chọn một người đàn ông xuất sắc hơn anh. Và thế là, tôi bỏ anh đi theo người bạn trai hiện tại.
Anh ta không thực sự giỏi nhưng được bố mẹ lo cho rất nhiều, hiện tại đã có nhà chung cư riêng và 1 chiếc xe 4 chỗ. Tôi “đổ cái rụp”, sẵn sàng cắm cho bạn cái cũ một cặp sừng dài, cũng chẳng quan tâm anh ấy từng đau khổ níu kéo mình đến thế nào.
Tôi chỉ nghĩ, với người đàn ông mới đến, tôi sẽ có một đám cưới hoành tráng, bố mẹ ở quê cũng nở mày nở mặt khi con gái lấy chồng thành phố, sẵn nhà cửa, xe cộ. Cuộc sống hôn nhân sẽ dễ thở hơn bao nhiêu khi không vướng gánh lo tiền bạc.
Nhưng tôi đúng là con cừu non, “ăn” của người giàu đâu dễ thế. Yêu nhau một thời gian, bạn trai mới bắt đầu lộ rõ bản chất ích kỷ, nhỏ nhen, hay so đo, tính đếm và đặc biệt phũ mồm.
Mỗi lần cãi nhau, anh ta đều lôi vật chất ra để nói. Anh ta mắng tôi ham giàu, thực dụng, lúc nào cũng chỉ biết có tiền. Câu cửa miệng anh ta thường quát vào mặt tôi là: “Cô nhìn lại mình xem? Cô có cái gì? Khi đến với tôi, cô có cái gì”. Vì câu nói đó mà suốt thời gian dài tôi tự ti, mặc cảm tự thấy mình không có giá trị gì đặc biệt: không giàu, không giỏi, không quá xinh đẹp…
Anh ta “cắm sừng” và bị tôi phát hiện. Khi tôi chất vấn, anh ta thản nhiên nói: “Chẳng phải ngày xưa cô cũng cắm sừng người yêu cũ để đến với tôi sao? Gieo nhân nào, gặp quả nấy, trách ai bây giờ?”.
Sau câu nói ấy, tôi và anh ta chính thức chia tay. Tôi thực sự hối tiếc khi bỏ tâm tư vào người đàn ông đó suốt 1 năm ròng.
Nhưng điều khiến tôi hối hận hơn nữa là lối tư duy sai lệch. Tôi được ăn học đàng hoàng mà lại có tư tưởng dựa dẫm vào đàn ông, muốn tìm chồng giàu để hưởng thụ cuộc sống đủ đầy, sung sướng, để rồi làm ra một việc sai lầm là phản bội người gắn bó với mình suốt 9 năm.
Sau bài học này, tôi biết mình phải sống khác. Phải cố gắng làm việc, tự chủ tài chính rồi tự tin chọn một người đàn ông vì tình yêu chứ không phải vì vật chất.
Tôi và bạn trai yêu nhau 2 năm thì tính đến chuyện kết hôn. Vì cùng quê nên tôi khá rõ về hoàn cảnh gia đình anh ấy. Bố mẹ anh làm ăn buôn bán nhiều năm, kinh tế khá vững. Nhà anh có 2 mảnh đất, một mảnh bố mẹ đang ở, vừa cất quả nhà 3 tầng to, đẹp nhất xóm. Mảnh còn lại cách đó 1 cây số, rất rộng nhưng là đất vườn, không có sổ đỏ. Anh bảo, nếu muốn vẫn có thể xây một căn nhà cấp 4 khang trang ở đó.
Nhà anh có 2 anh em, anh là con cả. Cậu em thứ 2 kém anh 4 tuổi nhưng có chút vấn đề về tâm lý. Cậu ấy vẫn đi học bình thường, thành tích học tập ổn nhưng lại rất khép kín, ít khi giao tiếp với mọi người. Anh vẫn nói, nếu sau này chẳng may cậu em không lấy vợ, sinh con thì anh sẽ phải cùng bố mẹ chăm lo cho em ấy suốt đời. Những lúc đó tôi hay cười xòa: “Anh lo cho bố mẹ thì được chứ sao phải lo cho em trai. Hơn nữa, bố mẹ anh đầy tiền, kiểu gì chả tính đường dài cho em ấy rồi”. Anh im lặng.
Anh chưa bao giờ nói với tôi chuyện tài sản hay vốn liếng, chỉ bảo hai vợ chồng làm ở Hà Nội thì xác định tự mua nhà ở đây. Tôi chẳng bận tậm bởi nghĩ anh là con cả, cái nhà hiện tại bố mẹ đang ở trước sau gì chẳng thuộc về anh. Lúc đó thì tôi còn lo gì chuyện mua nhà, mua cửa nữa.
Cho đến khi chúng tôi xác định kết hôn, anh mới rủ tôi đi ăn để bàn chuyện tương lai. Anh bảo, hiện tại anh đang có 500 triệu đồng vốn riêng, dự định cưới xong, hai đứa chăm chỉ làm việc, tích cóp thêm vào rồi mua một căn chung cư trả góp. Cố gắng trả nợ được hòm hòm thì mới sinh con để con cái đỡ vất vả.
Tôi giật mình hỏi: “Vậy căn nhà ở quê thì sao? Bố mẹ không cho anh chút vốn nào mua nhà à?”. Anh bảo: “Căn nhà đó, anh đang tính bảo bố mẹ sang tên sổ đỏ cho thằng C. Dẫu gì nó cũng thiệt thòi hơn mình, chưa biết tương lai thế nào, có cái nhà tử tế để ở cũng đỡ lo hơn. Mảnh đất vườn kia, bố mẹ sẽ cho vợ chồng mình nhưng anh không muốn bán vội. Để đó, mai này mình về hưu còn có chỗ mà nuôi cá, trồng rau chứ. Tiền mặt thì bố mẹ không có bởi vừa làm nhà xong, cũng chỉ còn chút ít gọi là vốn làm ăn”.
Tôi không giữ được bình tĩnh, nhảy dựng lên chất vấn: “Anh tính toán kiểu gì mà dại thế? Em trai anh khờ khạo, biết có lấy được vợ hay không mà cho cái nhà 3 tầng? Anh là con trưởng, sau này còn phụng dưỡng bố mẹ, lại sắp cưới vợ, sinh con, chẳng phải xứng đáng để nhận cái nhà đó hơn sao? Anh có 500 triệu đồng trong tay mà dám nói chuyện mua nhà Hà Nội. Em lấy chồng rồi còn phải sinh con, nuôi dạy con cái, không có sức đâu mà gánh nợ mua nhà”.
Anh có vẻ rất ngạc nhiên trước phản ứng của tôi. Tối đó, chúng tôi tranh cãi rất nhiều. Anh thất vọng bảo, không ngờ tôi lại để ý đến chuyện tài sản của nhà anh đến thế.
Tôi phần bức xúc, phần tự xấu hổ bởi những câu nói không đúng bổn phận nên ngúng nguẩy đòi chia tay. Không ngờ, đêm đó anh nhắn tin nói đồng ý. Anh nói rằng, anh có thể nhường nhịn tôi mọi thứ nhưng một khi cả hai bất đồng quan điểm về chuyện tiền nong, tài sản thì anh không muốn níu giữ. Anh sợ khi kết hôn rồi, mọi chuyện sẽ càng phức tạp thêm.
Chẳng ai níu kéo ai, chúng tôi chia tay như thế. Mọi chuyện qua khá lâu rồi, tôi chưa lấy chồng và biết anh cũng chưa lấy vợ. Nhưng mỗi lần đi ngang qua nhà anh, nhìn vào căn nhà 3 tầng ấy, tôi lại thấy xấu hổ tột cùng. Tôi chưa về làm dâu đã nhòm ngó đến tài sản nhà họ, rồi vì chuyện này mà để mất người con trai giỏi giang, trách nhiệm, yêu thương gia đình. Có lẽ, tôi đã tự tay hất đổ phúc phần của mình rồi.
Tôi từng yêu một cô nàng làm tóc.
Khi ấy, tôi là sinh viên của một trường đại học có tiếng, còn em từ quê ra thành phố học nghề, tự mở một quán gội đầu, cắt tóc nho nhỏ trong con phố tôi thuê trọ.
Tôi – một chàng công tử nhà giàu, suốt bao năm được bố mẹ “nhốt trong tủ kính” không thể thoát khỏi sức hút của một cô gái từng trải và sâu sắc như em. Chỉ gặp em vài lần, tôi đã đổ gục. Còn em vì phải bươn chải kiếm sống từ sớm, chật vật với cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền nên rất ngưỡng mộ một chàng trai có học thức, vẻ ngoài trắng trẻo, thư sinh như tôi. Chúng tôi đến với nhau bằng tình yêu chân thật.
Em giỏi giang, đảm đang, nấu ăn cho tôi ngày 3 bữa. Tiền nong, tôi có đưa hay không em cũng chẳng phàn nàn. Em bảo, ít nhất em đang làm ra tiền, “Em nuôi anh bữa nào thì anh đỡ phải xin tiền bố mẹ bữa đó”. Điều duy nhất em yêu cầu ở tôi là chăm chỉ học hành, không ăn chơi sa đọa.
Chúng tôi yêu nhau 2 năm thì bố mẹ tôi biết chuyện và nổi cơn tam bành. Bố mẹ thắc mắc tại sao tôi có thể yêu một đứa con gái làm nghề cắt tóc, gội đầu, với họ, đó là công việc không chân chính. Bố mẹ muốn tôi học hành tử tế, sau này có công việc ổn định thì lấy một cô vợ con nhà gia giáo, tri thức, môn đăng hộ đối. Mặc cho tôi giải thích cô ấy tốt tính ra sao, đứng đắn, đàng hoàng thế nào, bố mẹ cũng không tin, một mực yêu cầu tôi chuyển nhà trọ, chấm dứt tình cảm, nếu không sẽ đến tận nơi gặp cô ấy làm cho ra nhẽ.
Không muốn em bị làm phiền, tôi miễn cưỡng đồng ý với yêu cầu ấy. Để chắc chắn hơn, bố mẹ mua cho tôi một căn chung cư cách tiệm gội đầu của em 10 cây số. Họ không biết, tôi vẫn lén lút qua lại với em.
Rồi một ngày, em mừng rỡ thông báo với tôi chuyện “hai vạch”. Đó là khi tôi sắp ra trường. Em bảo, không cần phải làm đám cưới luôn, chỉ cần hai đứa về xin phép bố mẹ hai bên cho chính thức qua lại. Mẹ con em sẵn sàng đợi đến khi tôi ổn định công việc mới tổ chức lễ cưới.
Có lẽ, tin nhắn hôm ấy tôi gửi cho em, đã xé toạc mọi mơ mộng của em về cuộc hôn nhân hạnh phúc. “Chúng mình có thể… bỏ qua đứa con này trước, rồi sau này có lại được không? Anh chưa sẵn sàng và bố mẹ anh nhiều năm nay vẫn luôn phản đối mối quan hệ của chúng ta”. Em nhắn lại: “Vì hai gia đình không môn đăng hộ đối à?”. Tôi vỏn vẹn đáp: “Ừ”.
Em không gửi thêm 1 tin nhắn nào khác. Tôi đến tận nơi gặp thì em nói, thực ra, đó chỉ là một trò đùa theo trào lưu trên mạng. Chẳng có em bé nào cả. Tôi bực dọc trách móc em, sao lại đem chuyện hệ trọng như vậy ra đùa. Em cười đáp: “Nếu không đùa, em cũng không biết anh hèn như thế”.
Em nói chia tay, dứt khoát đến mức đóng cửa tiệm, dọn đi chỗ khác, cắt đứt mọi liên lạc với tôi. Với một cô gái mạnh mẽ, dám nói, dám làm như em, ngay từ thời điểm đó, tôi đã biết mình mất em hoàn toàn.
Đến giờ, chúng tôi vẫn chưa một lần gặp lại nhau. Tôi chưa thể yêu thêm một ai vì hình bóng của em trong tôi quá lớn. Chỉ là, lúc này tôi đã tự quyết định được cuộc sống, hạnh phúc của mình, không còn bị cái gọi là “môn đăng hộ đối” của bố mẹ ngăn trở nữa.