Những năm gần đây với cá nhân tôi thật sự ngột ngạt. Năm 2017, tôi đã kết hôn. Dù mới 23 tuổi nhưng khi đó tôi thực sự sẵn sàng cho cuộc sống gia đình. Tôi và anh yêu nhau ngay sau khi ra trường và tôi thực sự tin tưởng anh sẽ là một người chồng tốt, một người đàn ông đủ vững vàng để gửi gắm cả cuộc đời.
Tôi chính thức làm mẹ ở tuổi 25. Đây không còn là độ tuổi bé bỏng nhưng cũng chưa thực sự là một người phụ nữ trưởng thành. Đám bạn bè tôi thậm chí vẫn còn người chưa có mảnh tình nào vắt vai hoặc đang mải chạy theo những hoài bão của tuổi trẻ.
Nhiều khi ở nhà trông con, lướt mạng xã hội thấy chúng bạn tung tăng bay nhảy, sống tự do tự tại mà tôi có đôi chút tiếc nuối tuổi thanh xuân. Tôi đã kết hôn và làm mẹ tương đối sớm nếu như đặt vào hệ quy chiếu của những người phụ nữ hiện đại. Thế nhưng ngoài việc cảm thấy bức bối vì mất tự do, mọi chuyện còn lại đều rất ổn.
Chồng tôi là người đàn ông chỉn chu. Anh vững vàng trong cuộc sống và rất ấm áp đối với những người yêu thương. Vì thế tôi không thể ngờ rằng một ngày nào đó tôi lại phải nhận từ anh một cú bạt tai, dù không quá đau nhưng nó khiến tôi thực sự sốc và cảm thấy bị tổn thương.
Sau khi sinh con, tôi đã quyết định ở nhà chăm sóc gia đình đến khi bé đủ tuổi gửi vào trường tư thục (khoảng 1 tuổi rưỡi). Tôi đã coi đây như khoảng thời gian để tích lũy thêm năng lượng cũng như kiến thức để có được những bước tiến tốt hơn trong công việc sau này. Thế rồi dịch bệnh ập đến khiến mọi thứ đảo lộn.
Con tôi đã đến tuổi đi học nhưng trường lớp đều đóng cửa. Hơn nữa chúng tôi cũng không thể yên tâm rời xa con trong tình cảnh đó. Công việc của tôi cũng gặp khó giống như nhiều ngành nghề khác. Vậy là gần 3 năm tôi cứ ru rú trong nhà. Hết đợt giãn cách này đến đợt giãn cách khác nối tiếp nhau khiến tôi như muốn phát điên.
Và rồi thời khắc tôi mong chờ cũng đã đến khi thành phố quyết định nới lỏng, chỉ áp dụng “chỉ thị 15” đúng vào ngày Rằm Trung thu. Tôi vô cùng hí hửng chờ đợi thời khắc được “lên đồ” cùng con trai chào đón Trung thu đầu tiên ở những nơi quen thuộc của Hà Nội như Hồ Gươm, Hàng Mã…
Thế nhưng niềm hy vọng của tôi đã tắt ngúm bởi sự cương quyết của chồng. Anh không cho phép tôi đi chơi Trung thu bởi đó là việc làm không thiết yếu trong thời điểm này. Với bao nhiêu dồn nén suốt 3 năm qua, tôi đã to tiếng thậm chí còn mỉa mai anh là người hèn nhát, bị con virus dọa không dám ra đường. Tôi vẫn quyết định bế con ra cửa nhưng anh đã kịp giằng lại và giáng cho tôi một cái tát.
Quá sốc và xấu hổ khi lần đầu tiên bị chồng cư xử thô lỗ như vậy, tôi giận dỗi bỏ về phòng. Với tâm lý hậm hực tôi lấy điện thoại cùng ý định chia sẻ câu chuyện bị chồng đánh lên mạng xã hội. Tôi muốn nhận được nhiều lời an ủi, cũng như tìm kiếm đồng minh.
Trên facebook, rất nhiều nguồn tin đăng tải về không khí náo nhiệt ngoài đường phố. Người dân đổ ra đường vui chơi sau hơn 2 tháng ở nhà vì giãn cách. Tôi càng thêm bực tức nhưng đến khi đọc những dòng bình luận, tôi cảm thấy mình thực sự may mắn bởi vì… đang ở nhà.
Cộng đồng mạng phản ứng vô cùng dữ dội trước thái độ chủ quan của những người đổ về Hồ Gươm cũng như phố Hàng Mã tối Trung thu. Họ cho rằng đây là những người thiếu ý thức và rất vô trách nhiệm với cộng đồng. Thậm chí nhiều bình luận lo sợ trong đám đông kia có một F0 thì thực sự rất khó lường.
“Không hiểu những người này có biết suy nghĩ hay không. Dịch bệnh chưa được khống chế và vaccine cũng không thể bảo vệ tuyệt đối. Người lớn được tiêm nhưng còn trẻ con thì chưa, bố mẹ cho con đi chơi có khác nào đẩy con trẻ vào nguy hiểm không?”, tôi đã thực sự bừng tỉnh khi đọc dòng bình luận này. Tôi đã quá ích kỷ và để cảm xúc lấn lướt. Tôi thấy rất xấu hổ khi hành xử với chồng và tôi thực sự biết ơn anh đã cương quyết không cho mẹ con tôi ra khỏi cửa. Chắc tôi là người phụ nữ duy nhất thấy hạnh phúc khi vừa nhận một cú bạt tai của chồng.
Thành phố nơi tôi đang sống đã bắt đầu nới lỏng giãn cách, tất cả đều đang chuẩn bị bước vào giai đoạn phục hồi cũng như khắc phục những hậu quả mà dịch bệnh đã gieo rắc suốt thời gian qua. Tôi cảm thấy thật may mắn khi vẫn bình yên và cả gia đình cũng đã an toàn trước “cơn bão lớn”.
Tất nhiên chúng tôi không tránh khỏi những tổn thất về kinh tế nhưng dù sao vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người phải chịu cảnh mất người thân vì dịch bệnh. Hằng ngày mỗi khi đọc báo, xem truyền hình tôi đều rất xúc động, thương cảm với những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
Đó là nguồn động lực thôi thúc tôi phải làm điều gì đó giúp đỡ những con người kém may mắn hơn. Dù ít dù nhiều, tôi muốn chia sẻ may mắn của mình để cuộc sống này thêm phần ý nghĩa và những mảnh đời nhỏ bé có thêm nghị lực để tiếp tục chống chọi với sóng gió cuộc đời.
Nghĩ là làm, tôi đã dùng facebook để chia sẻ ý định của mình và nhận được nhiều sự ủng hộ của bạn bè. Tôi quyết định kêu gọi sự đóng góp của mọi người rồi sau đó dùng số tiền đó để biến thành những việc làm thực sự ý nghĩa.
Thế nhưng không lâu sau khi bài đăng kêu gọi chuyển tiền của tôi được đăng tải, chồng tôi đã ngăn cản rất quyết liệt. Anh không đồng ý cho tôi làm từ thiện theo cách này. Thậm chí anh còn yêu cầu tôi lập tức gửi lại tất cả tiền mà mọi người ủng hộ.
Tôi đã không ngờ rằng chồng lại phản ứng gay gắt như vậy. Tôi đã nổi giận và tuyên bố đây là chuyện cá nhân và tôi làm vì tình yêu thương đồng bào, những người gặp khó khăn trong cuộc sống. Thậm chí tôi còn đáp trả chồng là người sống ích kỷ, không biết chia sẻ nên không hiểu được ý nghĩa của công việc thiện nguyện này.
Tôi vẫn kiên quyết giữ ý định của mình nhưng khi bắt đầu công việc, những tình huống trớ trêu mới xuất hiện. Mặc dù tôi chỉ nhận sự ủng hộ của vài chục người quen, từ bạn học cho đến đồng nghiệp nhưng thực sự khó khăn trong việc giải trình. Tôi mua đồ từ thiện đều có hóa đơn chứng từ rõ ràng nhưng không tránh khỏi những tiếng bàn tán, hoài nghi.
“Sao giá tiền thùng mỳ lại cao hơn cửa hàng tớ hay mua nhỉ?”, “Bạn mua số lượng nhiều thế này mà không được chiết khấu à?”… Đó chỉ là những câu hỏi rất bình thường nhưng tôi cảm thấy mình không nhận được sự tin tưởng từ mọi người. Lúc này tôi mới thấy những lời chồng khuyên can thực sự thấm thía.
“Anh không cấm em làm từ thiện nhưng cách em làm thì có vấn đề. Mình sẽ làm từ thiện theo khả năng của bản thân, có bao nhiêu từ thiện bấy nhiêu chứ không được dùng tiền của người khác. Có thể em giúp được người lạ nhưng lại bị người quen nghi ngờ”, tôi nhớ lại như in.
Tôi đã cố gắng hoàn thành trọn vẹn đợt từ thiện đó kèm theo những giải thích rõ ràng, thỏa đáng với tất cả những người đã quyên góp. Thế nhưng tôi đã rút ra được bài học rất quý giá và sẽ không hành động khi đang bị cảm xúc chi phối nữa.
Mặc dù tình hình dịch bệnh đã có những tín hiệu tích cực, thành phố nơi tôi sống đã nới lỏng giãn cách và từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Thế nhưng với lũ trẻ, bọn chúng vẫn chưa thấy khả năng được trở lại trường học.
Lần đầu tiên trong lịch sử các con phải khai giảng online và liên tiếp sau đó là những buổi học online. Gia đình tôi thực sự áp lực khi phải đồng hành cùng con. Bé nhà tôi học lớp 2 nên chưa thể tự giác trong việc học cũng như làm bài tập. Vì vậy cô giáo luôn yêu cầu phụ huynh phải sát sao trong việc kèm cặp, đôn đốc các con để theo kịp chương trình.
Tôi không phải người có tính kiên nhẫn. Ngày trước, thời còn là học sinh tôi cũng không phải con ngoan trò giỏi. Vì thế mỗi lần ngồi học cùng con tôi không có được sự tập trung. Thậm chí có những lúc bé nhà tôi còn nắm rõ những yêu cầu của cô giáo hơn cả tôi.
Không ít lần chồng tôi đã góp ý về việc tôi thường xuyên sử dụng điện thoại lướt mạng xã hội trong lúc đồng hành cùng con trong những tiết học online. Tôi đã cãi lại rằng việc dạy học là của cô giáo, mình không có chuyên môn để cứ để cho cô giáo dạy.
Tôi đã cố tình không hiểu ý của chồng rằng phải quan tâm, hỗ trợ con vì học sinh lớp 2 dù có tự giác đến đâu cũng không thể nắm hết được kiến thức được truyền tải qua màn hình máy tính, hơn nữa cô giáo còn phải quan tâm đến hàng chục bạn khác chứ không riêng gì cá nhân học sinh nào.
Tôi vẫn kệ những lời nói của chồng mà phó mặc việc học online của con cho cô giáo. Và đến một ngày cô giáo tạo điều kiện cho các con được giao lưu, kể những câu chuyện vui khi học ở nhà. Đến phần của con tôi, tôi đã thực sự xấu hổ nhưng tất cả đều là lỗi của mình.
Khi được cô giáo hỏi: “Ai là người đồng hành cùng con trong các buổi học?”, tôi đã có chút tự hào khi con trai dõng dạc trả lời cô giáo là mẹ. Thế nhưng cảm giác đó nhanh chóng tan biến khi cậu nhóc 8 tuổi của tôi đã thật thà kể lại toàn bộ sự việc.
“Mẹ con hay xem điện thoại khi con học. Mẹ con còn nhớ nhầm bài tập cô gửi nên con làm sai ạ”. Tôi biết lời nói đó không chỉ có cô giáo mà tất cả phụ huynh trong lớp cũng đều nghe thấy. Có lần tôi cũng đã bị nhắc nhở trong nhóm zalo lớp khi thường xuyên hỏi về bài tập cũng như kế hoạch giảng dạy mà các cô đã thông báo rất rõ.
Tôi cảm thấy mình hiện lên như một người mẹ lười biếng, vụng về. Mặc dù đã được cô giáo tìm lý do để giải thích với con nhưng tôi vẫn cảm thấy cần phải thay đổi. Đây là thời điểm rất khó khăn đối với cả cô và trò khi không được đến trường. Tôi thật ích kỷ khi luôn ỷ lại việc giáo dục con mình cho người khác.
Bạn đã bao giờ rơi vào những tình huống tréo nghoe như thế này trong cuộc sống, hãy gửi những chia sẻ của mình tới mail Bantrecuocsong@24h.com.vn