Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ
Phút thành thật: Bẽ bàng khi chồng không cho chung giường vì tiếp xúc gần với 2 trai lạ - 2

Suốt 2 năm qua, chúng ta đã bị Covid-19 quần cho tơi tả. Rất nhiều tổn thất về người và của mà không thể đong đếm hết được. Tuy nhiên, một thứ nữa mà con virus quái ác này mang đến chính là nỗi ám ảnh. Chắc chắn có không ít người đang tồn tại tâm lý lo sợ quá mức cho dù chúng ta đang cố gắng để trở lại cuộc sống bình thường mới.

Đáng buồn là chồng tôi lại là người như vậy. Tôi không thể ngờ một người đàn ông ngoài 40 tuổi, đã trải qua không ít thăng trầm trong cuộc sống lại có phản ứng khá yếu ớt trước dịch bệnh. Quãng thời gian qua trước đây, khi thành phố đang ở đỉnh dịch và người dân chưa được tiêm phủ vaccine, tôi hoàn toàn yên tâm với sự cẩn thận, với những biện pháp phòng dịch của anh. Thế nhưng anh vẫn giữ nguyên quan điểm cho dù thành phố đã có những chính sách nới lỏng hơn.

Phút thành thật: Bẽ bàng khi chồng không cho chung giường vì tiếp xúc gần với 2 trai lạ - 3

Gia đình chúng tôi chỉ là nhân viên bình thường với mức lương trung bình. Quãng thời gian gần 2 năm điêu đứng vừa qua thực sự khó khăn về kinh tế. Khoản tiền tích cóp vài chục triệu đã phải dùng đến để duy trì cuộc sống. Và khi cuộc sống dần trở lại, người dân được mở cửa buôn bán, tự do đi lại thì chồng tôi vẫn giữ nguyên tư tưởng cũ. Anh không tiếp xúc với bất kỳ ai với lý do “chính đáng” là F0 đang ngày càng tăng lên và không có triệu chứng.

Mỗi người mỗi quan điểm nên tôi phần nào tôn trọng cách sống đó của chồng. Thế nhưng tôi không đồng ý việc anh cấm cản tôi. Tôi quyết định kinh doanh nhỏ với mặt hàng là những nông sản vườn nhà được chuyển lên từ quê tôi cách chừng vài chục cây số. Vì là hàng sạch và giá rẻ nên công việc buôn bán rất thuận lợi. Dù lãi không nhiều nhưng cũng đủ tiền chợ và những sinh hoạt phí cơ bản cho cả gia đình.

Thế nhưng khó khăn của tôi lại đến từ chính tư tưởng có phần cực đoan của người chồng. Đỉnh điểm của sự việc là có lần tôi đặt mua 1 chiếc tủ khá lớn để đựng hàng bán. Chính vì thế tôi có nhờ 2 anh thợ vận chuyển vào nhà để lắp đặt. Công việc tương đối nặng nhọc nên 2 người này không thể đảm bảo việc đeo khẩu trang 100% thời gian làm việc. Tôi cũng thông cảm bởi rất ảnh hưởng đến hô hấp khiến công việc chân tay càng thêm nặng nhọc.

Phút thành thật: Bẽ bàng khi chồng không cho chung giường vì tiếp xúc gần với 2 trai lạ - 4

Không may khi chồng tôi đã nhìn thấy. Bất chấp 2 người thợ đang làm việc, anh đã lấy lọ cồn sát khuẩn xịt khắp phòng. Đây là hành động vô cùng bất lịch sự. Tôi đã rất xấu hổ và liên tục phải xin lỗi. Rất may họ tỏ ra thông cảm và vẫn vui vẻ làm việc. Thế nhưng, câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó.

Đêm hôm đó, chồng tôi nhất định không cho tôi ngủ chung giường. Anh bảo tôi đã tiếp xúc rất gần với những người có nguy cơ nhiễm bệnh. “Em có biết 2 người đó hằng ngày đi những đâu, vào bao nhiêu nhà, tiếp xúc với bao nhiêu người không. Người ta vào nhà mình rồi không đeo khẩu trang, khả năng rất cao có thể là F0. Em tiếp xúc gần như thế thì có thể là F1, chẳng may lây bệnh thì lại biến thành F0”, tôi nhớ như in những lời lẽ kỳ thị này.

Phút thành thật: Bẽ bàng khi chồng không cho chung giường vì tiếp xúc gần với 2 trai lạ - 5

Tôi thực sự sốc và quyết định không nín nhịn thêm nữa. Tôi lập tức lấy chăn gối đi xuống tầng 1 ngủ ở phòng khách. Tất nhiên kèm theo đó là lời đáp trả: “Anh sợ lây bệnh thì từ mai chúng ta sẽ sống tách biệt ra. Anh tự đi chợ, tự nấu cơm, tự giặt quần áo. Hằng ngay em buôn bán tiếp xúc với nhiều người lắm, không muốn liên lụy đến anh đâu”.

Tôi không hề muốn không khí gia đình căng thẳng, nhất là trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh như thế này. Thế nhưng tôi cũng phải để cho chồng tôi hiểu rằng cuộc sống không thể mãi trốn tránh. Chúng ta vẫn phải kiếm sống, vẫn phải đối mặt. Covid-19 thực sự đáng sợ nhưng còn đáng sợ hơn khi chúng ta có tư tưởng đầu hàng nó.

Phút thành thật: Bẽ bàng khi chồng không cho chung giường vì tiếp xúc gần với 2 trai lạ - 6

“Phận đàn bà 12 bến nước, biết bến nào trong?” Câu nói của người xưa để ví von thân phận người phụ nữ ở chế độ cũ nhưng vẫn còn nguyên giá trị ở hiện tại. Tôi càng ngẫm nghĩ càng cám cảnh cho thân phận mình. Vì nhiều lý do mà tôi lấy chồng muộn khi đã gần 40 tuổi. Ở độ tuổi đó, tôi hiểu rằng quá khó để tìm cho mình một người đàn ông lý tưởng. Tôi chỉ nghĩ rằng cần một chỗ dựa lúc tuổi già và quan trọng nhất là được niềm vui làm mẹ.

Chồng tôi đã có một đời vợ và một người con lớn. Anh cũng sống trong cảnh cô đơn và chúng tôi dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm. Thời gian ban đầu rất hạnh phúc. Anh là người gia trưởng nhưng cũng thích thể hiện. Chính vì thế, để chinh phục được tôi, anh đã mất không ít công sức để thiết kế những buổi hẹn hò lãng mạn, những món quà bất ngờ và cả sự chu đáo đối với gia đình nhà tôi.

Thế nhưng sau khi kết hôn, mọi chuyện dần thay đổi và tất nhiên theo chiều hướng xấu đi. Cuộc sống hôn nhân nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Anh chỉ hơn tôi chừng 5 tuổi nhưng ý thức hệ quá khác biệt, từ cách nuôi dạy con nhỏ đến cách sinh hoạt hằng ngày. Anh có tuổi nên ngại tiếp xúc, tình hình dịch bệnh lại càng khiến anh thu mình và gần như không va chạm với xã hội.

Phút thành thật: Bẽ bàng khi chồng không cho chung giường vì tiếp xúc gần với 2 trai lạ - 7

Anh là cán bộ nhà nước có thâm niên nên hằng tháng vẫn có thu nhập, dù không cao nhưng đủ để duy trì cuộc sống. Chính điểm tựa đó khiến anh càng bảo thủ với lối sống của mình. Thêm nữa, việc không có tài chính dư dả cũng khiến tính cách của chồng tôi ngày càng chi li, và có thể nói là keo kiệt.

Với tôi, điều này cũng không quá nghiêm trọng bởi tôi đã hiểu tính cách gia trưởng của anh. Thế nhưng việc anh viện cớ dịch bệnh để xem thường gia đình tôi là điều không thể chấp nhận. Sắp tới là dịp mừng thọ 70 tuổi của mẹ tôi. Với những người quê như chúng tôi, đây là sự kiện trọng đại và tất cả con cháu trong dòng tộc đều muốn quây quần để chúc thọ.

Vẫn biết tình hình dịch bệnh đang ngày càng phức tạp, tôi và các anh lớn trong nhà đã thống nhất không tổ chức rầm rộ. Chúng tôi chỉ muốn con cháu về quê thăm hỏi và cùng nhau ăn một bữa cơm. Thêm nữa, đây cũng là dịp cuối năm nên rất thích hợp cho không khí gặp mặt gia đình. Kế hoạch đã được lên, mọi công tác chuẩn bị đã được giao và mọi người đều rất hân hoan.

Phút thành thật: Bẽ bàng khi chồng không cho chung giường vì tiếp xúc gần với 2 trai lạ - 8

Thế nhưng khi tôi truyền đạt lại nội dung thì chồng tôi gạt phắt. Anh hờ hững: “Đang dịch bệnh căng thẳng như thế này lại còn bày vẽ. Tôi là không đi đâu hết. Về đấy chẳng may có F0 thì sao, rồi để người ta đến chăng dây phong tỏa cả nhà này thì biết giấu mặt vào đâu”.

Sự việc càng quá thể khi tôi nhắc đến chuyện tặng quà mừng thọ mẹ. “Em biết rồi, nhà mình cũng không dư dả. Lương nhà nước ba cọc ba đồng chỉ đủ sống, rồi còn nuôi con nhỏ. Em tự cân đối biếu mẹ năm trăm một triệu gọi là thôi. Dịch bệnh căng thẳng, kinh tế khó khăn mẹ cũng không trách đâu”, chồng tôi thoái thác.

Tôi nuốt từng câu từng chữ trong cay đắng và tủi nhục. Những lời lẽ đó cho thấy tất cả những gì anh làm cho gia đình tôi lúc trước chỉ là giả tạo, chỉ để lấy oai, để có thành tích khoe với mọi người trên bàn nhậu. Tôi hiểu rằng lý do không về quê vì dịch bệnh chỉ là cái cớ để thoái thác trách nhiệm. Tôi chấp nhận và quyết định hành động theo cách của mình.

Đến ngày mừng thọ mẹ, tôi cùng con nhỏ đã tự bắt xe về quê. Tại đây chúng tôi thực sự tận hưởng không khí đầm ấm của gia đình. Công việc xong xuôi, tôi đã xin phép mẹ được ở lại và có thể tôi sẽ ở qua Tết. Tôi có lý do chính đáng để làm như vậy. Tôi sẽ thông báo với chồng tôi, với bố mẹ chồng tôi là chưa thể về nhà bởi chồng tôi sợ nhiễm bệnh. Tôi muốn an toàn cho anh ấy nên sẽ ở lại nhà mẹ đẻ. Đã lâu lắm rồi tôi mới thảnh thơi bên mẹ như vậy sau cả tuổi thanh xuân lập nghiệp đất khách quê người rồi phụng dưỡng nhà chồng. Tôi tự nhủ phải tận hưởng từng giây phút bởi mẹ tôi đã bước sang tuổi xưa nay hiếm.

Phút thành thật: Bẽ bàng khi chồng không cho chung giường vì tiếp xúc gần với 2 trai lạ - 9

Tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát triệt để dù tất cả hệ thống đều vào cuộc rất nghiêm túc và nỗ lực hết mình. Bên cạnh những tổn hại về con người, kinh tế thì tinh thần cũng bị ảnh hưởng khủng khiếp, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Con trẻ đã không được đến trường nhiều tháng qua. Chúng phải làm bạn với màn hình máy tính, với những buổi học online thay vì được chạy nhảy, nô đùa cùng chúng bạn.

Người lớn chúng ta có thể vì quá mải lo cho cuộc sống mà quên đi những nhu cầu thiết yếu đó của trẻ con. Tôi với tư cách một người mẹ cũng đã có suy nghĩ sai lầm. Tôi muốn bảo vệ con tôi an toàn tuyệt đối trước sự đe dọa của con virus quái ác. Và cách làm tốt nhất chính là cách ly tuyệt đối với những tiếp xúc không cần thiết.

Phút thành thật: Bẽ bàng khi chồng không cho chung giường vì tiếp xúc gần với 2 trai lạ - 10

Con tôi chỉ ở trong nhà 100% thời gian. Sau những buổi học online thì tự chơi đồ chơi, tôi chấp nhận tăng thời gian xem tivi hoặc chơi điện tử trên điện thoại thông minh, miễn là con không đòi ra ngoài chơi. Tôi tự cho mình là đúng khi hằng ngày theo dõi số lượng ca nhiễm bệnh trong cộng đồng ngày một tăng cao. Thế nhưng tôi không biết rằng chính mình đang dần dần gieo vào con một mầm bệnh khác.

Sau vài tháng bị “nhốt” trong nhà, tôi thấy những biểu hiện rất khác của con. Con tôi không còn hoạt bát, leo trèo nghịch ngợm như trước và cũng rất ít nói. Có lần tôi quan sát trong tiết học online, khi được cô giáo gọi phát biểu, phải thật lâu sau con tôi mới bật ra được tiếng nói để trả lời. Tôi thấy con có phản ứng chậm hơn thường ngày và chậm hơn các bạn.

Phút thành thật: Bẽ bàng khi chồng không cho chung giường vì tiếp xúc gần với 2 trai lạ - 11

Tôi tìm hiểu qua nhiều nguồn thì hoảng hốt khi đó là dấu hiệu của một dạng tự kỷ. Tôi thực sự sốc và vô cùng lo lắng. Tôi lập tức nêu vấn đề của mình trong các hội nhóm trên mạng xã hội thì đã được chỉ ra sai lầm. Tôi đã quá giữ con và vô tình triệt tiêu đi bản năng của một đứa trẻ là chạy nhảy, nô đùa, hò hét. Tôi đã quá sợ con Covid-19 nên đã đẩy con mình đến một hiểm họa khác cũng nguy hiểm không kém.

Từ đó tôi lập tức phải thay đổi tư tưởng. Tôi tận dụng mọi thời gian để đưa con ra khoảng không gian đủ rộng để vui chơi. Tôi đưa con sang nhà những người bạn thân cũng có con nhỏ để tụi nhóc được nghịch ngợm, được trò chuyện cùng nhau. Tôi hiểu rằng Covid-19 cũng chỉ là một thử thách trong cuộc sống này. Chúng ta cần phải trang bị đủ kiến thức, đủ phương pháp bảo vệ để đối diện với nó thay vì co cụm và sợ hãi.

 

Bài viết: Huyền Anh

Thiết kế: Nãm Trung Nguyên

Nguồn ảnh: Internet

Sự kiện: Phút thành thật
Thứ Hai, ngày 20/12/2021 08:42 AM (GMT+7)
Theo Huyền Anh ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN