“Cây độc không trái, gái độc không con” là câu nói tôi nghe mòn tai suốt 8 năm qua. Đôi khi, đó là lời nói phát ra từ miệng lưỡi thiên hạ, có lúc, đó lại là lời nói cay độc từ chính người nhà.
Tôi lấy chồng năm 23 tuổi, còn chồng 27 tuổi. Chồng tôi là con trai cả nên ông bà mong cháu, mới cưới nhau về, ông bà đã đe trước là không được kế hoạch, phải “thả” luôn để có bầu. Vợ chồng tôi cũng nghe theo, nhiệt tình ăn uống, thuốc thang tẩm bổ và quan hệ vợ chồng để có em bé.
6 tháng sau ngày cưới, tôi vẫn không có động tĩnh gì. Dưới sự thúc giục của ông bà, vợ chồng nôn nóng đi khám thì được chẩn đoán vợ bị lạc nội mạc tử cung, còn chồng tinh trùng yếu, khó mang thai tự nhiên.
Sợ chồng mặc cảm, tôi chỉ nói vấn đề của mình còn giữ kín vấn đề của chồng. Cũng bởi thế mà suốt 8 năm hiếm muộn, tôi mang tiếng là người đàn bà “tịt ngòi”, “không biết đẻ”. Người ngoài nói ra nói vào thôi cũng đành nhưng ngay cả người nhà cũng có “lời ong tiếng ve”. Tôi biết, bố mẹ chồng từng khuyên chồng tôi “thay mái” để ông bà có cháu bồng, cháu bế.
Dĩ nhiên, chồng vẫn luôn đứng về phía tôi, bảo vệ tôi. Bao năm ròng rã, vợ chồng tôi chạy chữa khắp nơi, từ Nam ra Bắc, hết Tây y đến Đông y, kết quả vẫn không thể mang thai tự nhiên. Tôi khổ tâm vô cùng. Mỗi khi nghe bạn bè kể chuyện có bầu, tôi lại chạnh lòng, chạy ra một góc lén lau nước mắt. Tôi luôn nghĩ, tại sao người ta có con dễ thế mà đến lượt mình lại khó như mò trăng dưới nước.
Sau 8 năm chạy chữa thất bại, vợ chồng tôi quyết bán chiếc ô tô chồng đang chạy “kiếm cơm” để đi “cấy con”. Tôi tìm hiểu rất nhiều về phương pháp này, tốn kém, đau đớn, mất thời gian mà chưa chắc đã thành công. Nhưng tôi đâu còn gì để mất, chỉ cần có con, tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả.
Hành trình thụ tinh nhân tạo của tôi cũng chẳng dễ dàng. Tôi làm tất cả các bước, cẩn trọng từng tí một nhưng phải đến lần chuyển phôi thứ 3, tôi mới thành công. Tôi chuyển được 2 phôi vào cơ thể và sau 10 ngày, chỉ giữ lại được 1 phôi. Đó là một cô công chúa.
Lần đầu tiên nghe thấy nhịp tim con, tôi hạnh phúc vô cùng. Chồng tôi cũng rơi nước mắt ngay tại phòng khám. Không lời nào diễn tả được sự hung phấn của vợ chồng tôi khi sau 8 năm cưới nhau mới có một mụn con.
Thế nhưng, bố mẹ chồng tôi lại không vui như thế, mặc dù 8 năm qua, ông bà là người sốt sắng chuyện có cháu hơn cả. Khi biết tôi mang bầu con gái, bố chồng tôi dửng dưng nói: “Đã mất công, mất của cấy con sao không cấy lấy thằng con trai? Nhà người ta cấy một lúc được 2 thằng cu lận. Bận sau cố cấy lấy thằng cháu đích tôn cho ông”.
Tôi nghe mà tan nát cõi lòng, thấy thương mình, thương đứa con gái bé bỏng chưa thành hình đã bị phân biệt đối xử. Bố chồng tôi đâu biết rằng, ngoài kia biết bao bà mẹ vẫn đang ngày đêm chạy chữa, bỏ tiền, bỏ sức “cấy con” chỉ mong có một đứa con bất kể trai hay gái. Bố chồng tôi cũng không biết, với một bà mẹ hiếm muộn 8 năm như tôi, con dù mang giới tính nào cũng là kim cương vàng ngọc.
Cũng may, tôi có chồng bên cạnh động viên và an ủi nên sớm bỏ qua được những lời nói tiêu cực của ông bà. Giờ đây, công chúa nhỏ của tôi đã tròn 3 tháng tuổi, ngoan ngoãn và bụ bẫm. Đó là món quà quý giá nhất cuộc đời ban tặng cho người mẹ hiếm muộn như tôi.
Chị gái luôn nói với tôi rằng, mọi may mắn của chị dồn hết vào đường sinh nở khi sinh được 2 đứa con một trai, một gái xinh xắn, khoẻ mạnh. Tôi thì ngược lại, mọi bất hạnh cuộc đời đều xuất phát từ đường con cái.
Cuộc đời tôi vốn rất hanh thông, trời cho ngoại hình khả ái, trí óc thông minh, con đường học hành, sự nghiệp đều màu hồng.
25 tuổi, tôi lấy chồng. Hai vợ chồng vì muốn ổn định kinh tế và có thêm thời gian “vợ chồng son” nên quyết định kế hoạch 3 năm. Việc này trong mắt nhà chồng tôi là chuyện điên rồ. Mọi người quan niệm, lấy chồng là phải sinh con, làm gì có chuyện kết hôn rồi mà còn ham chơi, không muốn đẻ.
Dẫu vậy, 3 năm đó tôi vẫn vô tư giữa những lời gièm pha của nhà chồng. Hễ có ai hỏi: “Sao chưa đẻ đi?”, tôi lại hồn nhiên đáp: “Cháu còn muốn chơi đã, chơi chán rồi đẻ”. Có người ác miệng nói: “Để xem chơi chán rồi có đẻ được nữa không”.
Ai ngờ, câu nói đó lại vận vào người tôi. Sau thời gian kế hoạch, vợ chồng tôi “thả” mãi mà không dính bầu. Hai vợ chồng đi khám, kết quả hoàn toàn bình thường, chỉ là thuốc thang, tẩm bổ đủ kiểu vẫn không “đậu”.
Tôi thực sự khủng hoảng, lúc trước vô tư là thế mà bây giờ lo lắng vô cùng. Tôi sợ mình thực sự giống như mọi người từng nói là “không biết đẻ”. Nhà chồng thì được nước lấn tới, trách móc tôi năm xưa đú đởn, ham chơi, phòng tránh thai mãi nên bây giờ mới không đẻ được. Tôi đi đám cưới em họ, cô dâu đang mang bầu 5 tháng. Mẹ chồng tôi thấy thế mát mẻ: “Sướng nhất bà M. rước được cả trâu lẫn nghé về nhà. Chả như tôi, con dâu thích kế hoạch nên giờ tịt rồi”. Tôi chỉ biết ngậm ngùi lánh đi chỗ khác.
Vợ chồng tôi nói chuyện đi khám chữa với ông bà, ông không động viên, ngược lại còn nhiếc móc: “Anh chị kế hoạch cho lắm vào. Bằng tuổi, người ta con cái đầy nhà rồi, giờ mình mới đi chữa”.
Tôi biết, việc mình không thể mang thai tự nhiên chẳng liên quan gì đến chuyện kế hoạch trước đó nhưng lúc này không muốn tranh cãi hay giải thích. Vợ chồng tôi quyết định làm thụ tinh nhân tạo, một lần không được thì hai, ba lần, kể cả phải tiêu hết vốn liếng cũng cố kiếm mụn con. Lúc này, tôi không quan tâm đến điều tiếng thiên hạ, chỉ cần vợ chồng đồng lòng thì tin rằng, con yêu sẽ đến.
Thụ tinh trong ống nghiệm gần như là phương pháp cuối cùng các cặp vợ chồng hiếm muộn tìm đến để mong có một mụn con. Phương pháp này vừa tốn kém, vừa gây đau đớn lại phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp.
Tôi thì khác, dù còn trẻ, sức khoẻ ổn, tôi vẫn quyết định sinh con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Và vì lựa chọn ngược đời này mà tôi bị gièm pha rất nhiều.
Tôi lấy chồng năm 25 tuổi, hai vợ chồng kế hoạch 1 năm để tập trung kiếm tiền rồi mới sinh con, thế nhưng, khi chủ động “thả” thì mãi không dính bầu. Vợ chồng tôi đi khám, kết quả hoàn toàn bình thường. Từng có lúc, tôi mất phương hướng khi không biết phải khám chữa thế nào, ăn uống, tập luyện ra sao để có thể mang thai tự nhiên.
Thời gian đó kéo dài khoảng 1 năm. Khi thấy việc mang thai tự nhiên khó quá, tôi bàn với chồng chuyện đi thụ tinh nhân tạo, rất may là chồng tôi hiểu và đồng ý ngay lập tức. Vợ chồng tôi tuy còn trẻ, cũng chưa thể gọi là hiếm muộn nhưng đây là lúc sức khoẻ thể chất và tinh thần tốt nhất, sẵn sàng nhất cho việc “cấy con”. Hơn nữa, việc có con lúc này cũng phù hợp với kế hoạch chung của cả hai vợ chồng, biết đâu, nhờ thụ tinh nhân tạo, chúng tôi sẽ cùng lúc có được 2 em bé.
Nhưng những điều này, chúng tôi không thể giải thích được với tất cả mọi người nên không tránh được lời ra tiếng vào. Việc một người phụ nữ 27 tuổi, sức khoẻ hoàn toàn bình thường, mới hiếm muộn 2 năm lại bỏ ra hàng trăm triệu đồng để thụ tinh nhân tạo được xem là dở hơi, có tiền nên thích thể hiện… Tôi biết, sau lưng mình người ta nói rất nhiều điều khó nghe, họ bảo tôi “đẻ tự nhiên không muốn lại muốn đẻ trong ống nghiệm”… nhưng tôi mặc kệ. Tôi chỉ cần biết, điều gì tốt nhất cho mình và gia đình nhỏ của mình.
Tôi vẫn đang thực hiện từng bước một, chọc trứng, hút trứng, kích trứng… với niềm mong mỏi con sẽ đến bên mình. Thật may, trong hành trình gian nan này, tôi luôn có chồng và người thân ủng hộ.