Phụ nữ quanh quẩn góc bếp cho chồng xông pha: Được gì và mất gì?
Trong thời buổi hiện đại, mẫu phụ nữ không nghĩ đến bản thân mà chỉ phục vụ gia đình, chồng con liệu có còn phù hợp?
Việt Nam là đất nước có phong tục đậm chất Á đông. Chúng ta đã trải qua giai đoạn phong kiến với tư tưởng trọng nam khinh nữ. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã có những cải cách văn hóa song vị thế của người phụ nữ vẫn chưa thể sánh ngang giới mày râu.
Phụ nữ Việt Nam vẫn bị bó buộc với suy nghĩ phải hy sinh tuyệt đối cho gia đình
Sự chênh lệch quyền lực đó tồn tại rõ nhất trong cuộc sống gia đình. Phần đông đều mặc định đàn ông sẽ phải là trụ cột kinh tế, còn phụ nữ lo giữ gìn hạnh phúc, chăm lo chuyện hậu cần. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, đó là quy cách kinh điển của một gia đình Việt Nam.
Chính bởi quan điểm đó, người phụ nữ Việt Nam luôn bị bó buộc. Họ được giáo dục phải cung phụng nhà chồng mà xem nhẹ những lợi ích, cảm xúc của bản thân. Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội xuất hiện không ít câu chuyện người phụ nữ hy sinh tuyệt đối cho gia đình nhưng vẫn không có được hạnh phúc trọn vẹn.
“Khi người phụ nữ đã chấp nhận lùi về hậu phương tức là đặt trọn vẹn niềm tin vào chồng. Tuy nhiên, ván cược này thua thiệt luôn thuộc về đàn bà. Lúc công việc thuận buồm xuôi gió sẽ không sao, nếu chẳng may không suôn sẻ, người vợ sẽ bị nhìn với ánh mắt thiếu thiện cảm”, chị H.K đã mở đầu câu chuyện của mình như vậy.
Trong câu chuyện này, chị H.K đã chấp nhận hy sinh công việc văn phòng cho dù đã tốt nghiệp đại học và được không ít công ty lớn mời gọi. Thế nhưng chị đã đặt lợi ích của gia đình lên trên hết. Chị chấp nhận trở thành chỗ dựa để chồng yên tâm phát triển sự nghiệp.
Thế nhưng công việc xây dựng nay đây mai đó của người chồng có lúc gặp sóng gió. Khi mà tiềm lực tài chính của gia đình không còn vững chãi, việc chị H.K chỉ quanh quẩn ở nhà cơm nước giặt giũ tạo ra hình ảnh rất xấu trong mắt gia đình chồng. Vô hình trung chị trở thành người ăn bám, thành gánh nặng cho chồng.
Phụ nữ làm "nghề nội trợ" cần nhận được sự tôn trọng từ gia đình chồng
Không nhiều người hiểu được chị đã hy sinh thế nào. Công việc nội trợ hàng ngày không đơn giản. Chị phải dậy sớm đi chợ, tự tay chuẩn bị bữa sáng. Sau đó đưa 2 đứa nhỏ đến trường. Rồi sau đó là bữa trưa, bữa tối, dọn dẹp, lau chùi.
Cứ thế một ngày của chị H.K trôi đi trong sự tẻ nhạt. Chị không được bay nhảy như bao chị em khác, không được ăn diện những bộ cánh tươm tất để đến văn phòng, không được tiếp xúc với công nghệ mới, những trào lưu mới. Cứ thể tuổi xuân của chị chôn vùi ở góc bếp.
“Tôi đã không có khái niệm về thời gian, cuộc sống của tôi giống như một quả lắc, cứ đều đều đơn điệu như vậy. Tôi tủi thân và không biết đúng hay sai khi đánh đổi mọi thứ để hy sinh cho gia đình”, chị H.K tâm sự.
Tuy nhiên chị H.K cũng có được những cảm xúc mà không phải chị em văn phòng nào cũng có. Đó là khoảnh khắc được đưa con đến trường, được chứng kiến ánh mắt hạnh phúc của lũ trẻ khi được đón về sớm hơn chúng bạn.
Còn nữa, chị được chính tay chăm sóc con, được đồng hành cùng những bước phát triển của con. Đây là điều mà nhiều gia đình phó mặc hoàn toàn cho người giúp việc.
Câu chuyện của H.K đã chạm đúng vào tâm sự của rất nhiều chị em phụ nữ. "Mình thấy tiếc tuổi xuân quá. Giá như ngày đó đủ dũng cảm để không thỏa hiệp với chồng. Mình đã bỏ việc ngân hàng để ở nhà nội trợ. Giờ nhìn đứa bạn vào công ty cùng mình được đề bạt làm lãnh đạo mà có chút ghen tị. Nhưng thôi, nhiều khi cũng tự an ủi mình ở nhà không phải bon chen vật lộn với cuộc sống cũng là một thứ hạnh phúc", chị H.L tâm sự.
Chị L.B lại có suy nghĩ nhẹ nhàng hơn so với chị H.L: "Nói không tủi thân, không tiếc nuối khi từ bỏ sự nghiệp thì là dối lòng nhưng mình không hối hận với quyết định ở nhà chăm lo cho gia đình. Mình thấy hạnh phúc khi có nhiều thời gian bên con. Mình thấy các con hạnh phúc khi được ở cạnh mình. Thế là đủ rồi, hạnh phúc chỉ cần giản đơn như thế".
Những người phụ nữ kể trên chia sẻ, đồng cảm và thấy được hình ảnh của chính mình trong những câu chuyện của nhau. Thế nhưng bất kể lựa chọn nào cũng đều có được – mất, thiệt – hơn. Điều quan trọng nhất chính là cần biết cân bằng, suy nghĩ tích cực để hướng đến mục đích cuối cùng là hạnh phúc gia đình.
Nguồn: [Link nguồn]
Những người phụ nữ có nốt ruồi mọc ở giữa trán thì đa phần là người đại quý đại phú.