Phỏng vấn xin việc làm và 5 sai lầm nhất định phải tránh

Thành công trong buổi phỏng vấn xin việc làm là bước đệm quan trọng đưa bạn đến với công việc mơ ước của mình. Tuy nhiên, nhiều lúc bạn phải nhận kết quả thất bại. Rất có thể bạn đã vô tình mắc phải một trong những sai lầm dưới đây.

Có thể nói, ít có nhà tuyển dụng nào lại muốn tuyển một ứng viên “biết tuốt” (Ảnh minh họa)

Có thể nói, ít có nhà tuyển dụng nào lại muốn tuyển một ứng viên “biết tuốt” (Ảnh minh họa)

Tỏ ra mình là người biết tất cả

Có thể nói, ít có nhà tuyển dụng nào lại muốn tuyển một ứng viên “biết tuốt”. Một người biết tất cả đồng nghĩa với việc họ không có chuyên môn đặc biệt và không có thế mạnh gì nổi trội. Khi thể hiện rằng mình biết về rất nhiều lĩnh vực và sẵn sàng đảm nhận nhiều tác vụ không liên quan, cho thấy bạn chỉ đang cố tỏ ra hữu dụng và đa năng, và việc này dễ gây phản tác dụng.

Hãy tránh tỏ ra bạn là ngài “biết tuốt” mà thay vào đó, bạn nên làm rõ thế mạnh, chuyên môn sâu và những kỹ năng nổi trội của mình. Việc này sẽ có sức thuyết phục hơn rất nhiều trong mắt nhà tuyển dụng, dù là đang ứng tuyển vai trò phiên dịch tiếng Nhật, Marketing hay kế toán…

Nói xấu công ty cũ

Có một sự thật rằng, câu hỏi “Tại sao bạn rời vị trí ở công ty cũ?” nhiều khi chỉ là một “cái bẫy” để nhà tuyển dụng đánh giá thái độ và góc nhìn của bạn về công việc. Nếu bạn tỏ thái độ tiêu cực, hoặc nói xấu công ty cũ dù chỉ một chút, bạn đã rơi vào “cái bẫy” này khiến cho nhà tuyển dụng đánh giá thấp về bạn.

Ngay cả khi bạn đã có những trải nghiệm tồi tệ ở công ty cũ, đừng bao giờ kể “vanh vách” về điều đó trong buổi phỏng vấn xin việc làm, bởi nó sẽ khiến bạn gặp khó khăn khi xây dựng lòng tin và sự đồng cảm từ phía nhà tuyển dụng. Chính vì vậy, nếu được hỏi về công ty cũ, bạn hãy cố gắng giữ thái độ chuyên nghiệp và tích cực nhé!

Khoe khoang quá mức về các mối quan hệ cá nhân

Có không ít những ứng viên, nhất là người có kinh nghiệm cho rằng, mối quan hệ cá nhân cũng là một dạng “thành tích” cần phải khoe ra ở buổi phỏng vấn. Điều này không sai, nhưng nếu thiếu đi sự khéo léo tế nhị, bạn rất dễ mất điểm và làm mất thiện cảm của nhà tuyển dụng.

Thực tế thì việc bạn khoe rằng mình quen thân với ông A, bà B hay ai đó có chức vụ quan trọng không đem lại quá nhiều giá trị, nhưng lại dễ khiến bạn trở thành một kẻ ba hoa. Vì thế, bạn có thể thay đổi cách diễn đạt bằng cách tập trung vào những dự án thành công hoặc mối quan hệ tốt đẹp mà bạn đã gây dựng với tổ chức hay doanh nghiệp đối tác.

Thay vì nói, “Tôi rất thân với anh X, giám đốc công ty Y”, bạn chỉ cần nói “Tôi có mối quan hệ tốt với công ty Y và đã từng hợp tác với họ vài lần” - nghe khiêm nhường, tế nhị hơn đồng thời dễ tạo thiện cảm hơn.

Tỏ ra hiếu thắng và thích tranh luận

Nếu bạn nghĩ rằng, một trong những cách để tạo ấn tượng trong vòng phỏng vấn xin việc làm là tranh luận sôi nổi và chứng minh luận điểm của mình - bạn có lẽ nên cân nhắc lại.

Thực tế, việc tranh luận là cơ hội tốt để bạn thể hiện bản thân, nhưng không phải là trong phỏng vấn, ở trước mặt các thành viên của ban tuyển dụng. Thay vào đó, cái mà họ mong đợi là thái độ cầu thị, hợp tác và những ý kiến mang tính xây dựng nhiều hơn.

Nếu bạn quá hăng hái đưa ra một quan điểm nghề nghiệp nào đó mà không biết rằng nó không phù hợp với tổ chức mà bạn đang ứng tuyển, rất có thể buổi phỏng vấn của bạn sẽ thất bại vì lúc này, nhà tuyển dụng khó mà tìm được tiếng nói chung với bạn.

Quá tập trung vào bản thân

Nếu bạn là một ứng viên xuất sắc và có rất nhiều thành tích, điều đó thật tuyệt, nhưng không có nghĩa là bạn có cơ hội lớn nhất so với các ứng viên khác. Nhà tuyển dụng thường cảm thấy e ngại và cảnh giác với những ứng viên quá nổi bật và luôn coi mình là “trung tâm vũ trụ”.

Có lẽ tỷ lệ phù hợp của một buổi phỏng vấn nên là 40 - 60, bao gồm 40% thời lượng về bản thân ứng viên, và 60% còn lại về những giá trị mà bạn có thể đem lại cho công ty nếu như được trao cơ hội.

Cần nhớ, công ty cần người phù hợp, không cần người giỏi nhất. Rất nhiều buổi phỏng vấn diễn ra với tỷ lệ 80 - 20, trong đó ứng viên dành tới 80% để nói về năng lực và thành tích của bản thân, và kịch bản này thường không được nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Đôi khi một buổi phỏng vấn xin việc làm được chuẩn bị kỹ càng, có sự thể hiện rất tốt nhưng ứng viên đó vẫn không phải là người được chọn, chỉ vì mắc phải những lỗi sai khiến nhà tuyển dụng cảm thấy họ không phù hợp. Điều này khá đáng tiếc và có thể khiến bạn bỏ lỡ những cơ hội nghề nghiệp tốt.

Trước khi “tiếp thị” bản thân bạn với bất kỳ nhà tuyển dụng nào, bạn hãy suy nghĩ kỹ và điều chỉnh lại chiến lược của mình, tránh mắc phải những sai lầm thường gặp trên đây, cánh cửa việc làm sẽ rộng mở hơn với bạn.

Nguồn: [Link nguồn]

Nữ CEO xinh đẹp bật mí cách xin việc “bách phát bách trúng”

Cathy Thảo Trần chia sẻ, chúng ta nên dùng từ “tìm việc” thay vì “xin việc” bởi bản chất của việc này là mỗi người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Anh (thoidaiplus.giadinh.net.vn) ([Tên nguồn])
Công sở và những áp lực Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN