Phong trào thời trang tái chế đang "viral" tại trường học bất ngờ nhận về tranh cãi
"Thời trang tái chế" bỗng trở thành chủ đề được quan tâm trên các diễn đàn dành cho người trẻ bởi những thiết kế cầu kì, ấn tượng. Tuy nhiên, các cuộc thi cũng nhận về không ít ý kiến trái chiều cho rằng những tác phẩm dự thi đang bị biến tướng, mất dần tính tái chế, bảo vệ môi trường.
Thời gian gần đây, các cuộc thi thiết kế thời trang tái chế đang nhận được sự quan tâm từ Gen Z, trở thành đề tài hot trên các diễn đàn mạng xã hội. Những thiết kế ấn tượng từ các vật liệu tái chế như túi ni lông, giấy báo nhận về sự trầm trồ của cư dân mạng bởi độ cầu kì trong thiết kế, sự tỉ mỉ trong quá trình hoàn thiện. Tại fanpage Trường Người Ta, các bạn trẻ thi nhau chia sẻ những tác phẩm thiết kế được đầu tư ấn tượng, thể hiện óc sáng tạo và sự khéo léo.
Hoành tráng, ấn tượng là vậy, thế nhưng những cuộc thi thời trang tái chế cũng nhận về không ít ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng các tác phẩm dự thi đang sử dụng các nguyên vật liệu không phù hợp, đặc biệt là một số tác phẩm còn sử dụng khối lượng lớn túi ni lông chưa qua sử dụng để thiết kế.
“Thay vì tìm những nguyên liệu tái chế sẵn có thì các bạn lại đi mua những nguyên liệu mới, đẹp, thậm chí là đắt tiền. Mang tiếng là cuộc thi thời trang vì môi trường nhưng lại tạo ra rác thải, thải ra môi trường thêm rác”, TikToker Hoàng Hiệp (@hoanghiepnoi, 196K người theo dõi) chia sẻ.
“Đặt vào một cuộc thi, người tham dự khắc sẽ có sự cạnh tranh, mong muốn sao cho tác phẩm của mình phải thật hoành tráng, công phu. Việc các bạn ưu tiên tính thẩm mỹ mà sử dụng các túi ni lông mới, nhiều màu sắc nhằm tăng khả năng đoạt giải là chuyện dễ hiểu”, Thảo Ly (sinh viên năm 2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận định.
Chia sẻ trong group Trường Người Ta, bạn Võ Minh Tiến cho rằng cần có hình thức và cách thức tốt hơn để tố chức những cuộc thi nhằm bảo vệ môi trường. “Vì tính chất cuộc thi nên chỉ ở một vài khoảnh khắc các bạn sử dụng, sau đó có thể giữ làm kỉ niệm, hoặc tệ hơn, là tiếp tục thải nilon ra môi trường. Vậy thì cuộc thi đó ngoài mục đích tuyên truyền, thì thực tế nó có giúp ích cho môi trường thật không?”, bạn Minh Tiến phản biện.
Bài đăng nhận về 2,7 nghìn lượt tương tác cùng nhiều thảo luận.
Trên nền tảng mạng xã hội TikTok, các video “lên án” những cuộc thi tái chế “biến tướng” cũng nhận được sự quan tâm lớn. TikToker Hoàng Hiệp cho rằng: “Hãy thực hiện những hoạt động phong trào bảo vệ môi trường một cách thiết thực và ý nghĩa mà không đi xa khỏi bản chất ban đầu của nó”.
Chia sẻ của nam TikToker nhận về hơn 25K lượt tương tác cùng nhiều ý kiến đồng tình.
Cũng có ý kiến cho rằng các nhà trường cần kiểm soát chặt chẽ hơn trong quy định về vật dụng để đảm bảo tinh thần “tái chế”, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. “Thiết nghĩ các trường học có nên nêu rõ quy định về các vật liệu để làm nên trang phục hay không? Chẳng hạn, không được sử dụng nilon mới, sử dụng từ chai nhựa hay hộp sữa rửa sạch…”, “Các bạn có thể tận dụng vải vụn, tái chế từ quần áo cũ sẽ đảm bảo đúng tiêu chí bảo vệ môi trường hơn”.
Ảnh minh họa tổng hợp từ page/group Trường Người Ta & TikTok nhân vật
Nguồn: [Link nguồn]
Một nam sinh viên Trung Quốc đã kiếm và để dành được một khoản tiền khổng lồ sau 4 năm đại học mà đa số mọi người đi làm nhiều năm cũng không có: 3,5 tỷ đồng. Anh chủ...