Phổ cập đại học và vấn nạn thất nghiệp
Người ta vẫn tin rằng, đại học là con đường ngắn nhất để đi tới thành công nhưng tôi thì không.
Tôi đã có ý định viết một cái gì đó về điều này nhưng chưa có dịp để bày tỏ quan điểm. Hôm nay đọc được những dòng chia sẻ của cô bạn cấp 3 về việc đang làm hồ sơ để đi làm công nhân dưới Hải Dương, tôi đã quyết định hạ bút.
Những dòng tâm sự trên Facebook của bạn chất chứa một nỗi niềm tuyệt vọng về việc làm sau khi tốt nghiệp đại học. Tôi xin phép được trích một đoạn trong những dòng tâm sự của bạn: “…Lục lại tài liệu để làm hồ sơ đi công nhân. Nhìn tấm bằng đại học đỏ chót nằm dửng dưng ở đó mà tôi không cầm được nước mắt. Chẳng phải tôi sợ những ngày sắp đến. Chẳng phải tôi sợ khổ. Làm công nhân thì đã sao, người khác làm được thì tôi cũng phải làm được. Miễn sao đồng tiền tôi kiếm ra là công sức, là mồ hôi, là nước mắt của tôi. Tôi khóc. Vì tấm bằng đó là công sức, là mồ hôi của bố mẹ, là đồng tiền bố mẹ vất vả làm lụng chắt chiu từng ngày, là số tiền 50 triệu bố mẹ cầm cố để vay mượn ngân hàng cho tôi ăn học…”
Đọc xong những chia sẻ của bạn, lòng tôi cũng dưng dưng một nỗi niềm và thấy trách nhiệm của mình. Đây không còn là chuyện hiếm mà là tình trạng chung của sinh viên sau khi ra trường. Với nhiều người, cầm trên tay tấm bằng đại học của một trường danh giá với bằng loại ưu tưởng rằng sẽ có được một vị trí phù hợp ở một cơ quan, doanh nghiệp nào đó. Nhưng, sau bao năm vật lộn xin việc lại quay trở về bám víu vào mấy sào ruộng khô.
Tôi có một người anh họ, tốt nghiệp Khoa Tài chính Ngân hàng của Đại học Tài chính năm 2009. Gần như từ đó đến nay, năm nào có đợt tuyển công chức ở địa phương anh đều cố gắng làm hồ sơ và thi tuyển. Nhưng may mắn vẫn chưa mỉm cười với anh.
Không ít sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp không có việc làm (Ảnh minh họa)
Hiện nay, người ta đang hoài nghi về giá trị của tấm bằng đại học và nhiều người đặt ra câu hỏi rằng: Có nhất thiết phải học đại học không? Học đại học để làm gì? Nhưng câu trả lời vẫn nằm đó mà không ai dám chấp nhận nó. Người ta vẫn tin rằng, đại học là con đường ngắn nhất để đi tới thành công. Nhưng tôi nghĩ, đó là quan điểm đã cũ và lỗi thời. Thành công của ngày hôm nay, ít nhiều có sự cam thiệt của đồng tiền.
Đó không phải chỉ là chính kiến của tôi mà chắc chắn nhiều người có cùng quan điểm đó. Tình trạng thất nghiệp của sinh viên đại học một phần là do công tác tuyển công nhân viên chức của các cơ quan, các ngành. Để chứng minh điều này, tôi xin trích đoạn sau tâm sự của cô bạn cấp 3 của mình: “….. Hai năm, chẳng quá dài mà cũng chẳng ngắn. Đủ để hiểu không có tiền, không có quyền, không sinh ra trong gia đình có ông nọ, bà kia thì đừng mơ có một công việc ổn định, đúng chuyên ngành. Hai năm, cũng đủ để chấp nhận, đủ để dập tắt mọi ước mơ, hy vọng”.
Xin được đề cập đến tình trạng thất nghiệp của sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp. Theo số liệu tôi thu thập được, khoảng 3 năm trở lại đây có gần 400.000 sinh viên hệ cao đẳng, 500.000 sinh viên hệ đại học và tính đến năm 2012, trong 984.000 người thất nghiệp hoặc chờ xin việc thì có 55.400 người có trình độ cao đẳng và 111.100 người có trình độ đại học trở lên. Như vậy, trình trạng thất nghiệp đối với sinh viên đại học ngày một tăng thêm và hiện nay, chưa có một giải pháp nào thiết thực để khắc phục tình trạng này.
Tôi đã tìm hiểu và chứng kiến nhiều bạn bè của mình, sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều năm không xin được việc đã xin đi làm công nhân tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Hải Dương, Bình Dương, Sài Gòn… mà chuyên môn chẳng liên quan đến tấm bằng đại học.
Tôi xin được nhắc lại câu hoài nghi: Có nên hay không việc phổ cập đại học?
Hiện nay các trường đại học lớn - nhỏ, trường đại học danh tiếng hay mới mở vẫn ồ ạt tuyển sinh năm học mới. Các tân sinh viên đang chuẩn bị bước chân vào cổng trường Đại học và ngoài kia, bên ngoài cánh cổng, sinh viên tốt nghiệp vẫn đang treo lơ lửng trước nạn thất nghiệp. Nhưng, không vì thế mà chúng ta từ bỏ ước mơ của mình. Chúng ta cùng hy vọng với một cơ chế mới của Nhà nước, cùng tin rằng: Một ngày không xa, giá trị của tấm bằng đại học lại có giá như xưa.