Phí cả cuộc đời vì người dưng
Đôi lúc tôi hỏi, mình có điên khùng không khi phí cả cuộc đời vì người dưng?
Tôi lấy anh do mai mối. Má tôi nói: “Thằng Tâm mặt mày sáng sủa, con nhà gia giáo. Con lấy nó thì ba má có trăm tuổi già cũng yên tâm”. Má nói vậy vì tôi là con út, đã 25 tuổi mà vẫn một mình. Cái tuổi ấy ở thành thị có thể không sao, nhưng ở quê thì đã vào loại “ế”. Thật lòng, gặp anh lần đầu tôi cũng có cảm tình. Một người đàn ông cao ráo, mạnh mẽ, cho tôi cảm giác tin cậy. Thế là tôi lấy chồng.
Cuộc sống của chúng tôi không thơ mộng như những gì tôi đã đọc được trong sách báo. Tôi đi dạy ở trường cấp II Hựu Thành, anh có chiếc ghe chài để chở hàng thuê lên Sài Gòn. Nhà còn có mấy công ruộng nhưng cho người khác mướn, mỗi năm họ đong cho mấy chục giạ lúa. Kinh tế gia đình tạm ổn.
Rồi hai đứa con lần lượt ra đời. Tôi vừa đi dạy, vừa nuôi con một mình vì anh cứ rong ruổi theo ghe đi ngày này qua ngày khác. Bình thường thì không sao, nhưng những lúc con ốm đau mà nhà không có chồng bên cạnh; nửa đêm nửa hôm phải ẵm con đi bệnh viện, tôi tủi thân khóc hết nước mắt. “Hay là anh bán ghe, lên bờ kiếm chuyện khác làm chớ ở nhà một mình em lo không nổi”- có lần tôi nói với anh như vậy. Anh gạt đi: “Có chuyện vậy thôi mà cũng không làm được là sao chớ? Tôi đi làm chớ có đi chơi đâu mà cự nự?”.
Đúng là anh đi làm chớ không đi chơi vì bao nhiêu tiền bạc anh đem về hết cho vợ. Anh không rượu chè, trai gái, cờ bạc. Thú vui duy nhất của anh là đá gà. Thế nhưng, mỗi lần anh đã ôm con gà đi thì không còn biết nhà cửa, vợ con. Có khi anh đi ba, bốn ngày mới về. Bao nhiêu tiền bạc trong túi thua độ hết.
Cho đến một hôm, má tôi bảo: “Má nghe người ta nói thằng Tâm dạo này đá gà ăn tiền dữ lắm, con liệu mà khuyên nhủ nó”. Tôi lắc đầu: “Con nói ảnh đâu có chịu nghe? Hôm trước còn đánh con”. Tôi nói xong mới biết mình lỡ lời vì trước nay, tôi vẫn giấu má những lần bị đánh. Nghe vậy, má tôi giật mình: “Sao mà đánh? Vợ con có gì sai thì rầy dạy chớ mắc gì đàn ông mà đánh đàn bà?”.
Tôi đành phải kể cho má nghe cái tính gia trưởng của anh. Nếu anh bảo không mà tôi dám nói có thì chắc chắn là ăn bạt tai. Có lần tôi cãi anh mướn thợ về xây chuồng nuôi heo, anh đã đánh tôi đến thâm tím mặt mày, phải nghỉ dạy gần 2 tuần lễ. Có lần, tôi cằn nhằn anh thua độ đá gà, thế là anh xông vào đấm đá túi bụi và bảo: “Tiền tôi làm ra thì tôi xài, em không có quyền nói”.
Má tôi nghe kể nóng ruột con nên vội vàng lên nhà ba mẹ chồng tôi để “mắng vốn”. Má tôi nói: “Con tui mang nặng đẻ đau mà tôi chưa đánh nó một roi nào, giờ nó về phục vụ nhà anh chị sui, không thương nó thì thôi, sao lại còn đánh chửi? Nếu anh chị sui và thằng Tâm thấy con tui hư hèn thì thôi, cứ trả về cho tui dạy lại”. Nhà chồng tôi vốn nể má tôi nên vừa nghe vậy đã nhận lỗi. Lần đó anh phải xin lỗi má tôi và hứa không bao giờ đánh vợ nữa.
Được một thời gian thì tai họa ập đến. Trong một lần chở hàng lên thành phố, ghe của anh đụng chìm ghe người ta làm chết người. Toàn bộ những gì dành dụm được không đủ bồi thường. Cuối cùng anh đành phải bán chiếc ghe. Lên bờ anh như người mất hồn. Suốt ngày nhậu nhẹt, lúc nào tỉnh thì lại ra bờ sông ngồi khóc. Tôi nghĩ chắc chỉ một thời gian rồi anh sẽ bình tâm lại, lo làm ăn nuôi con.
Thế nhưng tôi đã đợi chờ trong vô vọng. Sau khi “tỉnh hồn” lại thì anh quay ra mê mấy con gà. Suốt ngày anh ôm gà đi hết đầu trên tới xóm dưới. Có khi đi tận Châu Đốc, Long Xuyên… Tôi lại một mình nuôi con. Bao nhiêu lần tôi đã muốn ly dị nhưng rồi lại sợ má buồn, lại thương con nên đành cắn răng chịu đựng cảnh có chồng mà cũng như không.
Cho đến một ngày, anh trở về và nhẹ nhàng bảo tôi: “Anh có chuyện này muốn bàn với em…”. Dường như đó là tiếng “anh” đầu tiên trong đời tôi nghe anh nói. Anh bảo, bây giờ anh đã tán gia bại sản, không còn phương tiện để làm ăn, sinh sống. Mới đây, anh gặp một người quen có đứa em định cư bên Mỹ. Anh muốn kết hôn giả với người ấy để ra nước ngoài làm lụng kiếm tiền nuôi vợ con. “Anh biết em vất vả nhiều rồi, bây giờ anh muốn lo cho em những ngày còn lại”. Tôi nghe anh nói mà nửa tin, nửa ngờ. Chuyện trai gái thì tôi có thể tin anh vì trước nay anh chưa hề gây ra tai tiếng gì, nhưng chuyện chí thú làm ăn để nuôi vợ con thì tôi còn phải nghi ngờ…
Thế nhưng anh đã quyết thì tôi làm sao mà cản được? Điều duy nhất khiến tôi phân vân là anh đòi mang thằng Quân, đứa con trai đầu lòng của tôi theo. Lý do anh đưa ra là: “Anh muốn thằng Quân được học hành đàng hoàng. Qua bên đó, dù gì thì cũng sẽ tốt hơn ở bên này”. Đây là lý do duy nhất khiến tôi bằng lòng. Anh còn nói, qua bên đó một thời gian sẽ ly hôn rồi quay về bảo lãnh tôi sang. Khi ấy tôi nghĩ, anh có bảo lãnh hay không thì tôi cũng không quan tâm, tôi chỉ muốn anh lo cho con thật chu đáo để sau này nó có thể làm nở mày, nở mặt gia đình.
Có lẽ chính vì những giọt nước mắt ấy mà đến giờ tôi vẫn ở lại nhà anh dù tôi không xem anh là chồng (Ảnh minh họa)
Vậy là chúng tôi tiến hành thủ tục ly hôn để anh kết hôn giả với cô Việt kiều. Thủ tục trót lọt. Không đầy một năm sau thì anh lên máy bay ra nước ngoài. Trước khi vào phòng cách ly, anh đã ôm tôi mà khóc: “Em ở lại giữ gìn sức khỏe. Anh sẽ ráng làm để gởi tiền về cho em trả nợ rồi lo bảo lãnh em và con út qua”.
Đến lúc anh đi rồi, tôi mới cảm nhận hết sự vắng vẻ của một ngôi nhà không có đàn ông. Xưa nay, dù gì thì anh cũng chỉ đi năm mười bữa, nửa tháng rồi về; còn lần này thì không biết đến bao lâu… Tôi chưa hiểu hết cuộc sống không có đàn ông trong nhà thì sẽ như thế nào…
Qua bên đó, anh may mắn có được việc làm ngay. Thời gian đầu, anh gọi điện, gởi tiền về đều đặn. Thằng Quân vốn học giỏi từ bên này nên qua đó cũng hòa nhập nhanh. Mỗi lần gọi điện về, nó đều khen cha nó hết lời: “Mẹ yên tâm, con quản lý chặt lắm, không sợ cha lộn xộn đâu. Mà cha bây giờ thay đổi nhiều rồi, chịu khó làm thêm dữ lắm, cứ nhắc mẹ và út hoài”.
Được chừng 3 năm thì có người ở Trà Ôn định cư bên Mỹ về thăm nhà. Anh ta cũng ở gần chỗ của chồng con tôi bên Mỹ. Tình cờ gặp tôi, anh ta bảo: “Cô nói ông xã kiếm cách cho qua bển sớm đi chớ đàn ông mà xa vợ như vậy khó lường lắm”. Tôi hỏi thêm thì anh ta không nói gì. Nhưng từ hôm đó, tôi cứ thấy lo lo trong lòng.
Khi thằng Quân gọi điện về, tôi hỏi: “Cha con ly dị dì Thắm chưa?”. Nó bảo không biết. Tôi đem chuyện này hỏi anh thì được trả lời: “Anh lu bu quá nên chưa làm thủ tục. Chuyện đó dễ thôi mà. Chừng nào làm mà chẳng được”. Tôi hỏi: “Vậy chừng nào anh mới bảo lãnh em và con út qua được?”. Nghe tôi hỏi vậy, anh ngập ngừng hồi lâu rồi bảo: “Hồi ở bên nhà cứ tưởng bên này sướng nên anh nói vậy, chớ bây giờ thì biết rồi. Có lẽ tốt nhất là anh ráng làm kiếm thật nhiều tiền rồi quay về Việt Nam sống với em”.
Tôi không tin lời anh nhưng tôi đâu còn cách nào khác hơn là chờ đợi. Cho đến một ngày, chính thằng Quân vừa khóc, vừa nói khi gọi điện cho tôi: “Thôi, mẹ đừng mong cha nữa. Cha ở với dì Thắm luôn rồi…. Cha mới chửi con một trận rồi xách xe lên nhà dì Thắm rồi… Con giấu mẹ chứ chuyện này lâu rồi, ngay từ hồi mới qua…”.
Tôi không thể nói được cảm xúc của mình lúc đó. Vậy là tôi vừa mất tiền, vừa mất chồng; còn cô gái kia thì được cả hai.
Khi bình tâm lại, tôi gọi cho anh. Lúc đầu anh còn chối và đổ lỗi cho hoàn cảnh: “Em hãy hiểu cho anh. Có thằng đàn ông nào xa vợ mà nhịn được đâu?”. Tôi mếu máo: “Nếu em cũng nghĩ như anh, cũng quan hệ bậy bạ như vậy thì anh có chịu không?”. Tôi vừa dứt lời, anh đã quát: “Chỉ có hạng đàn bà làm đĩ mới nghĩ như vậy. Em đừng có so đo với tôi. Em là cô giáo mà ăn nói mất dạy quá. Nếu mà còn như vậy, tôi sẽ bỏ luôn”.
Tôi không nói nữa và từ hôm đó, không nghe bất cứ cuộc gọi nào từ nước ngoài về. Tôi giận cả con tôi vì nó đã giấu mẹ suốt bao nhiêu năm qua. Coi như trong ván bài này tôi đã thua trắng tay rồi. Lỗi là do tôi không biết bài bạc mà lại chen chân vô chốn ấy. Có ai lại mang mỡ để ngay miệng mèo như tôi cơ chứ?
“Con hãy thương ba má mà đừng bỏ nó. Đàn ông mà, thiếu hơi đàn bà nó chịu không nổi nên mới hư hỏng như vậy. Nhưng ba má biết, nó vẫn thương vợ con”- má chồng tôi khóc ngất khi tôi xin phép về lại nhà ba má ruột của tôi. Rồi các anh chị chồng tôi cũng xúm lại năn nỉ…
Tôi biết, bao nhiêu năm qua, một tay tôi đã chăm sóc ba má chồng vì anh chị em chồng đều ở xa; không có tôi, họ sẽ rất vất vả. Nhưng tôi không thể chôn vùi cuộc đời mình ở đó. Cha mẹ ruột của họ thì họ cứ lo đi; tôi đâu mang công, mắc nợ họ mà phải chịu thiệt thòi?
Tôi vẫn giữ nguyên ý định chuyển về nhà má tôi nhưng vì đang giữa năm học nên chưa thể sắp xếp việc học hành cho bé út. Cho đến một hôm, anh bỗng lù lù xuất hiện trước cửa nhà. Anh về mà không hề báo cho ai biết. Tôi sửng sốt nhưng cố làm ra vẻ bình thường: “Anh về có một mình à? Thằng Quân đâu?”. “Nó mắc học không về được. Em khỏe không?”.
Nghe anh về, khách khứa đến thăm rất đông. Mãi đến chiều tối chúng tôi mới có dịp ngồi riêng với nhau. Anh bảo: “Nghe chị hai nói em định về trong nhà bà ngoại nên anh về ngay. Em hãy nghĩ lại. Em đi rồi, ai sẽ chăm sóc ba má? Các anh chị đều có công ăn chuyện làm, anh thì ở xa…”.
Thì ra là anh lo tôi đi không ai lo cho ba má anh chứ nào phải anh thương tôi nên muốn níu kéo. Bất giác tôi thấy giận sôi lên: “Anh bảo cô Thắm về đây mà chăm sóc. Tôi đã quyết rồi. Mai tôi đi”.
Anh đã nói rất nhiều, viện đủ lý lẽ để biện minh cho việc làm của mình. Nhưng chỉ có một điều anh không thể giải thích là vì sao đến giờ vẫn chưa ly hôn với cô vợ hờ. “Anh thề là anh chỉ thương em. Anh biết trên đời này không có người phụ nữ nào tốt với anh như em”- anh thiếu điều quỳ xuống van xin tôi.
Đêm đó, cả nhà anh xúm lại năn nỉ, khóc lóc. Nhìn cảnh ấy, tôi cũng không cầm được nước mắt. Nhất là khi nhìn những giọt nước mắt của mẹ anh. Tôi biết bà rất đau khổ khi con mình gây ra lỗi lầm như thế.
Có lẽ chính vì những giọt nước mắt ấy mà đến giờ tôi vẫn ở lại nhà anh dù tôi không xem anh là chồng.
Và dù bây giờ anh lại trở qua bên kia với người đàn bà ấy.
Và dù bây giờ, có người muốn tôi đi thêm bước nữa…
Đôi lúc tôi hỏi, mình có điên khùng không khi phí cả cuộc đời vì người dưng?