Phát hoảng với trào lưu làm clip chửi bậy để nổi tiếng

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Người này chửi qua, người kia chửi lại, khiến mạng xã hội chẳng khác nào một cái chợ!

Cách đây không lâu, dân mạng được chứng kiến một clip ghi lại cảnh hai nhóm nữ sinh “xử lý” nhau do mâu thuẫn cá nhân trên mạng xã hội. Theo như thông tin mà PV có được, khởi nguồn của câu chuyện bắt đầu cũng từ việc chửi nhau trên Facebook. Vì chuyện này mà hai nhóm nữ sinh đã hẹn nhau ra ngoài để giải quyết ân oán. Không chỉ đánh đập nhau dã man, những nữ sinh này còn buông lời nhục mạ và quay clip tung lên mạng.

Nhiều người chứng kiến màn đánh nhau của các nữ sinh nhưng không ai dám can ngăn bởi sợ vạ lây. Một số cư dân mạng cho rằng đây là clip được quay tại Hải Phòng.

Thành viên Vinhkiss cho rằng: “Cũng có thể hai nhóm nữ sinh này muốn được nổi tiếng trên mạng xã hội nhưng vì đi quá cái thế giới ảo ấy mà đưa nhau ra ngoài đời thực để “xử đẹp”. Nghe họ chửi nhau mà tôi thấy rùng mình. Không thể nghĩ rằng, những đứa trẻ đang khoác trên mình chiếc áo trắng học trò bây giờ học điều bậy bạ lại nhanh đến vậy. Nhiều người còn tự quay clip chửi bậy rồi lại tự chống chế rằng chửi thói đời”.

Trước hiện tượng giới trẻ đua nhau chửi để được nổi danh, chửi thề thành câu cửa miệng, trao đổi với PV, TS. tâm lý Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng: “Chúng ta có thể nhận thấy rằng, văn hóa ứng xử của giới trẻ đang xuống cấp một cách trầm trọng. Đó là hành vi lệch chuẩn, đáng báo động. Những bạn trẻ mà quậy phá, nói bậy, chửi thề trên mạng xã hội thường là học sinh cá biệt. Họ nghĩ đó cũng là cách để mình có thể nổi tiếng và đây là suy nghĩ sai lầm. Nhiều người đã phải nhận bài học đắt giá vì không có tài năng nhưng muốn nổi tiếng trên thế giới ảo bằng chiêu trò”.

Cũng theo vị chuyên gia này, chắc hẳn những người trẻ này đã quên mất kinh nghiệm quý báu mà ông cha ta đã đúc rút “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Lời ăn tiếng nói là thể hiện văn hóa giao tiếp ứng xử của con người. Vì thế, với những người trẻ đang có suy nghĩ lệch chuẩn, gia đình, nhà trường, xã hội cần phải có những tác động trực tiếp đến họ, để họ nhận ra rằng, giao tiếp ứng xử góp phần hình thành nếp sống văn hóa của xã hội. Cách ăn nói thể hiện trình độ, danh dự của mỗi con người”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hằng ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN