Ông lão nhặt rác kể chuyện vớt xác trên sông Hồng
Suốt những năm "cắm cọc" dựng lều ở sông Hồng, ông Thành đã vớt không biết bao nhiêu cái xác.
Nhiều năm ròng “cướp miếng ăn” của Hà Bá
Ông Thành, bà Thủy không người thân, không con cái, sống lay lắt trên một túp lều nhỏ bé bên sông. Bằng tình thương, họ tựa vào nhau suốt 47 năm qua, vượt qua quãng đường đời đầy “sỏi”. Câu chuyện về người đàn ông chuyên nhặt rác và vớt xác dưới chân cầu Long Biên và người vợ tần tảo "nhặt" được cách đây hơn 40 năm khiến bao người khâm phục.
Ông Thành, bà Thủy, cặp vợ chồng "nhặt" được nhau ở bãi rác
Người ta biết đến ông Thành với biệt danh, người đàn ông “cướp miếng ăn” của Hà Bá. Kể từ khi về bãi giữa sông Hồng “cắm cọc” dựng lều, ông đã vớt biết bao cái xác, trong đó có cả những người “đoản mệnh”, chẳng may trượt chân mà ngã và cả những người quẫn trí, gieo mình xuống dòng sông tự tử.
Khi được hỏi về điều này, ông Thành tâm sự: “Sống trên khúc sông này, thỉnh thoảng lại thấy một xác người trôi qua, cứ để trôi vậy thì tội quá, tôi bơi ra vớt vào, rồi báo chính quyền cho họ xử lý”.
Ông đã cứu rỗi biết bao linh hồn theo cách nghĩ rất nhẹ nhàng như thế. “Hành nghề” vớt xác bao nhiêu năm nay nhưng ông chưa lấy của ai một hào nào. Ông bảo, ông làm vậy là để làm phúc cho đời.
“Họ chết đã tội, cứ để trôi nổi dưới nước thế còn tội hơn. Người chết chưa chắc đã biết gì nhưng người sống nhìn thấy vậy không thể làm ngơ được”, ông Thành nhấp ngụm trà nóng rồi chép miệng.
Ngồi lặng bên ấm trà, phong thái an nhàn, ông kể lại những lần vớt xác dưới sông. Ông cũng không nhớ nổi mình đã vớt bao nhiêu cái xác, làm phúc cho bao nhiêu gia đình, chỉ biết, sau mỗi lần biết người xấu số đã được nằm yên dưới mộ, ông cảm thấy lòng nhẹ hơn.
Nhiều năm nay, ông Thành được mệnh danh là "người đàn ông cướp miếng ăn của Hà Bá"
Ấy thế nhưng cũng vì ông làm việc thiện mà bà không biết bao nhiêu lần “hú vía”. Bà không sợ thấy người chết đuối, chỉ sợ chồng lao xuống sông thì “lành ít dữ nhiều”.
“Mỗi lần ông ấy nhảy xuống sông, tôi sợ lắm. Sông rộng mênh mông, nước lại chảy xiết, lỡ có mệnh hệ gì thì biết kêu ai. Nhưng ông ấy bảo ấy là làm phúc cho người nên tôi không dám cản”, bà Thủy trầm ngâm.
Ông lão 80 tuổi mê thơ
Ông Thành chưa từng được đến trường, vốn chữ nghĩa ông có bây giờ đều do tự “học mót” mà có. Nhưng ông rất mê thơ.
Trên chiếc bè nổi dập dềnh sóng nước, ông Thành khoe những bài thơ mình làm ra. Ông bảo, ông chẳng biết gì về luật thơ, cũng chẳng hiểu thế nào là vần điệu, chỉ nghĩ sao làm vậy. Ấy thế mà thơ của ông cũng trên 6, dưới 8, nghe xuôi tai và sâu sắc đến đáng nể.
Thơ tình, thơ đời, thơ kiểu chiêm nghiệm… ông làm đủ cả. Ông Thành làm thơ về đời mình, cái quãng đời gian khó, đói khát, khổ đau ấy; ông làm cả thơ tặng vợ, nói về những ngày đầu gặp nhau. “Khi xưa tôi mới gặp bà/ Tuổi thời còn trẻ, tóc vẫn cứ là còn xanh”, ông ngâm nga câu thơ lục bát rồi cười khà khà.
Dù không được học hành tử tế, nhưng ông Thành vẫn có thể sáng tác ra những vần thơ ý nghĩa và sâu sắc
Ông kể: “Ngày xưa, lúc bác Giáp mất, tôi cũng lặn lội vào trong thành phố để tiễn bác nhưng đông quá nên không được vào. Thương xót quá, tôi làm một bài thơ tặng bác, rồi có một anh nhà báo khen hay và xin lại bài thơ đó”.
Ông ham làm thơ, khi có giấy ông viết ra giấy, lúc không có ông cứ tự nhẩm đi nhẩm lại cho bằng thuộc mới thôi. Ông “khoe”, cách đây 1 năm, có một đám học sinh cấp 3 về đây, đưa ra một tập giấy rồi nhờ ông làm thơ tình.
“Chúng nó bảo: “Ông làm cho cháu vài bài thơ về tình yêu học trò trong sáng”. Tôi còn đùa: “Thế chúng bay có yêu trong sáng thật không? Nói dối một câu là ông không làm”. Cả lũ cười phá lên, thi nhau gật đầu. Thế là, tôi vật lộn với đống giấy, một lát sau cũng ra vài bài thơ”, ông Thành kể.
Bên ô cửa nhỏ xíu hướng ra sông Hồng, ông Thành lặng lẽ ngâm thơ. Giọng ông trầm bổng, đọc ra những vần thơ lúc cay đắng, chua chát, hờn dỗi phận đời, phận người, lúc lại ngập tràn lạc quan, niềm tin vào tương lai, cuộc sống.
“Ông ấy thì mê thơ lắm. Lắm lúc tôi bảo, cơm còn chưa đủ ăn, thơ thẩn nỗi gì. Nói vui thế thôi chứ may ông ấy còn có cái thú vui ấy, nhìn ông ung dung, an nhàn cũng bớt mấy phần lo lắng”, bà Thủy cười.
Nặng lòng với quê hương, bản xứ
Nhắc về quê hương, ông Thành, bà Thủy không giấu được những tiếng thở dài. Ánh mắt hấp háy, tươi vui bỗng trở nên xa xăm và vô định như cái quê hương ông bà từng rời đi cách đây 60 năm.
“Quê hương ai chẳng muốn về, vì nghèo quá, nên không về được thôi”, ông Thành bộc bạch. “Bây giờ chắc thay đổi nhiều lắm rồi, cả người cả cảnh, nhưng nếu có điều kiện tôi vẫn tìm về được. Giờ chỉ cần có trong tay 1, 2 triệu thôi, tôi lặn lội tìm về ngay”.
Với bà Thủy, ông Thành chính là tổ ấm, quê hương
Ông nói to nhưng giọng lạc đi. Ông kể, những đêm không ngủ được ông vẫn hình dung về quê hương, tưởng tượng xem nó thay đổi ra sao. “60 năm rồi, giờ được một lần cầm nắm đất quê hương thì có chết cũng cam lòng”, lời lẽ rút ruột, rút gan của ông Thành khiến ai nấy nghe đều cảm động.
Còn bà Thủy, khi nhắc về quê hương, bà cúi đầu che mặt. “Tôi mồ côi từ nhỏ, không có anh em họ hàng thân thích, trước giờ chỉ coi cái bè này là quê hương, ông ấy là tổ ấm. Cứ ngày đủ ba bữa cơm, đêm đến không phải lo nhà dột nát, bão bùng là phúc lắm rồi”, nói rồi, bà Thủy quay mặt đi như đang muốn che giấu nỗi khổ đau chất chứa trong cả một quãng đời.
Giữa trời đất mênh mông, ông bà mỗi người một chiếc điếu cày rít giòn giã. Làn thuốc phả ra mênh mông, mơ hồ như con đường tìm về mảnh đất quê hương của cặp vợ chồng nhặt rác.