Nữ thủ khoa trường Y và câu chuyện học tập thời chuyển đổi số
Đặc thù ngành Y là học lâm sàng và tham gia trực tại bệnh viện để có thể hỗ trợ các nhân viên y tế, nâng cao tay nghề. Thế nhưng, trước sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sinh viên trường Y cũng phải học trực tuyến như bao trường khác. Vậy làm sao để học tập hiệu quả khi không thể học tại giường bệnh và tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân? Cùng gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ của nữ thủ khoa đầu ra trường ĐH Y Hà Nội năm 2021 – Nguyễn Thị Hồng.
Xuất phát điểm từ một trường cấp ba vùng sâu của tỉnh Quảng Ninh, nhưng với những nỗ lực, cố gắng theo đuổi ước mơ của mình, Nguyễn Thị Hồng đã trở thành học sinh đầu tiên của trường THPT Mông Dương thi đỗ trường ĐH Y Hà Nội.
Trong suốt 6 năm học tập tại trường, cô đã đạt được những thành tích nổi bật như: 6 năm liền đạt học bổng khuyến khích học tập của trường, trong đó có 2 năm đạt danh hiệu thủ khoa khối; đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố; được khen thưởng của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; cùng nhiều học bổng khác như Mitsubishi, Dạ Hương,… Vừa qua, Hồng đã xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra của trường ĐH Y Hà Nội năm 2021.
Là thế hệ sinh viên được trải nghiệm việc học tập trực tuyến, bạn có thể chia sẻ quá trình làm quen của mình với phương pháp học tập này được không?
Nguyễn Thị Hồng: Bạn biết đấy, đặc thù ngành y là học lâm sàng và tham gia trực tại bệnh viện để có thể hỗ trợ các nhân viên y tế và nâng cao tay nghề. Tuy nhiên, từ kỳ học thứ 2 của năm Y5, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tôi bắt đầu làm quen với việc học lâm sàng và lý thuyết online.
Việc học lý thuyết online ở trường tôi đã được triển khai từ lâu, song song cùng với việc học tại giảng đường. Trường ĐH Y Hà Nội có một hệ thống bài giảng điện tử đồ sộ và vô cùng chất lượng, nơi các sinh viên của trường có thể thoải mái tìm kiếm các bài giảng ở mọi chuyên ngành.
Từ năm thứ nhất, tôi đã quen với việc kết hợp học tại giảng đường và học các bài giảng online tại trang http://baigiang.hmu.edu.vn/ của trường. Việc này cũng giúp tôi tìm hiểu bài giảng trước khi đến trường, tôi có thể nắm được các ý chính của bài, và khi đến trường tôi sẽ tập trung hơn vào những phần còn chưa hiểu và nhờ thầy cô giải đáp các thắc mắc.
Ngoài ra trường ĐH Y Hà Nội còn có các buổi team - based learning thay vì các bài giảng truyền thống. Trong các buổi học đó, sinh viên sẽ là trung tâm, tự làm việc nhóm, trao đổi với nhau, thuyết trình để hiểu hơn về bài học, còn thầy cô chỉ là người hướng dẫn và gợi mở vấn đề. Tôi thấy đây là một hình thức giảng dạy rất mới mẻ và thực sự hiệu quả với chúng tôi trong thời đại 4.0 này.
Ngành Y là một ngành khá đặc thù, liệu phương pháp học tập trực tuyến có mang lại thay đổi đặc biệt nào đối với chương trình học của bạn hay không?
Nguyễn Thị Hồng: Thay đổi lớn nhất trong đợt dịch COVID-19 là tôi đã chuyển sang học lâm sàng online thay vì học tại giường bệnh, nơi tôi có thể tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Đây thực sự là một khó khăn và thách thức với thầy và trò trường Y, cũng như các trường đại học khác.
Tuy nhiên, nhà trường và thầy cô đã tạo mọi điều kiện để việc học lâm sàng online trở nên không quá khác biệt so với việc học tại bệnh viện. Tôi có thể lấy ví dụ: Khi học tại bệnh viện, chính chúng tôi là người sẽ hỏi bệnh và thăm khám bệnh nhân để làm bệnh án, chúng tôi sẽ tự mình lập luận và đưa ra chẩn đoán, còn thầy cô sẽ là người lắng nghe, góp ý và cập nhật thêm kiến thức.
Bạn đã làm gì để vượt qua những khó khăn trong quá trình học online?
Nguyễn Thị Hồng: Khi học online, chúng tôi không được tiếp xúc với bệnh nhân, không được thăm khám mà thay vào đó, trước khi buổi học diễn ra, thầy cô sẽ gửi những thông tin về bệnh sử của bệnh nhân để chúng tôi có sự chuẩn bị. Nếu bạn tích cực chuẩn bị trước bài giảng thì việc học online sẽ không quá khó khăn.
Tôi thường sẽ đọc thông tin về bệnh nhân, tự đặt ra các câu hỏi: Bệnh nhân này cần thăm khám những vấn đề gì, chẩn đoán sơ bộ là gì, cần làm thêm những xét nghiệm nào để chẩn đoán. Ngoài ra, tôi cũng tự tìm đọc tài liệu liên quan đến nội dung bài giảng, chuẩn bị các câu hỏi trước cho thầy cô để việc học online được hiệu quả nhất.
Mặc dù trường tôi có một hệ thống bài giảng, nơi thầy cô sẽ thực hành thăm khám bệnh nhân ở từng chuyên khoa. Tuy nhiên, chỉ quan sát thôi thì không đủ, tôi thường thực hành thăm khám chính bạn ở cùng phòng trọ với tôi, hoặc nếu ở cùng gia đình thì bạn có thể thăm khám cho chính những người thân trong gia đình. Thầy giáo tôi từng nói: Bạn phải thành thục việc thăm khám rất nhiều người bình thường, thì bạn mới có thể phát hiện được một thay đổi nhỏ ở bệnh nhân.
Suy nghĩ của bạn về việc học tập trực tuyến nói riêng và học tập trong thời chuyển đổi số nói chung?
Nguyễn Thị Hồng: Mặc dù việc học online cũng có một số khó khăn, bản thân tôi thấy việc học tập trong thời đại chuyển đổi số và học online mang lại nhiều lợi thế cho việc học tập. Chúng tôi không còn thụ động vào những kiến thức mà thầy cô mang lại, mà thay vào đó là tích cực chủ động tìm kiếm kiến thức trên Internet.
Việc kết hợp đọc sách với các phương tiện khác trên Internet như hình ảnh, âm thanh thực sự mang lại hiệu quả đối với tôi. Hơn nữa khi học online tôi thấy nhiều bạn trở nên hăng hái hơn, không còn ngần ngại đặt câu hỏi cho thầy cô. Học online còn khắc phục được một số vấn đề của học trực tiếp tại giảng đường như: Giảng đường quá đông sinh viên thì sẽ khó khăn trong việc giao lưu giữa thầy và trò, đặc biệt là các bạn ngồi cuối.
Bản thân tôi thấy trong thời đại 4.0 hiện nay, xu hướng chuyển đổi số là cần thiết, nhưng không nên thay thế hoàn toàn các buổi học trực tiếp. Chúng ta có thể kết hợp song song phương pháp giảng truyền thống với học online.
Với các học phần lý thuyết, việc học online có thể thuận tiện hơn, giúp tiền kiệm thời gian, chi phí cho cả thầy và trò. Còn các học phần thực hành, cá nhân tôi nghĩ vẫn nên học tại các phòng thí nghiệm, buồng bệnh, nơi sinh viên có thể áp dụng kiến thức vào thực tế, phù hợp với công việc sau này của họ.
Dù là học tại giảng đường hay học online thì kiến thức vẫn là do chính bạn nắm bắt lấy, vì thế hãy biết tận dụng những lợi thế của học online và khắc phục những khó khăn.
Cảm ơn bạn!
Nguồn: [Link nguồn]
Lê Thanh Xuân, sinh năm 1999, là sinh viên vừa tốt nghiệp thủ khoa chương trình cử nhân kinh doanh liên kết đào tạo giữa trường...