Nữ thạc sỹ mê xử lý ô nhiễm môi trường

Thạc sĩ Hoàng Thị Lan Anh (SN 1987, giảng viên Khoa Môi trường, Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên) tạo ra chế phẩm sinh học Bio-TMT giúp xử lý nước thải, mùi hôi chuồng trại, được nông dân ở nhiều tỉnh thành sử dụng.

Nếm thử thuốc để bà con tin

Khi còn học phổ thông gia đình nuôi nhiều gia súc, gia cầm nên hơn ai hết, Lan Anh hiểu nỗi băn khoăn của các chủ trang trại về vấn đề mùi hôi từ chất thải của vật nuôi. Nếu đầu tư công nghệ để xử lý, giá thành sẽ rất cao nên đa số người chăn nuôi chấp nhận “sống chung với mùi hôi”.

Năm 2010 tốt nghiệp ra trường Lan Anh được giữ lại Khoa Môi trường làm việc và đây đã trở thành cơ hội để gắn bó với công việc nghiên cứu và tạo ra những chế phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường.

Nữ thạc sỹ mê xử lý ô nhiễm môi trường - 1

 Thạc sĩ Hoàng Thị Lan Anh (phải) cùng bà con nông dân trộn thuốc tăng sức đề kháng cho vật nuôi.

“Từ một chủng vi sinh vật gốc và gỉ mật đường, mình nghiên cứu chế phẩm Bio-TMT, có thể xử lý tốt mùi hôi chuồng trại, ủ rác, xử lý nước thải. Hơn thế, từ chế phẩm gốc, có thể tạo ra được nhiều dạng khác nhau, trong đó là thuốc để vật nuôi uống tăng sức đề kháng, chống được nhiều bệnh tật, giảm tồn dư kháng sinh trong cơ thể gia súc, gia cầm. Do đó, sau giết thịt, sẽ tạo ra sản phẩm an toàn hơn”, Lan Anh nói.

Sau khi nghiên cứu thành công chế phẩm Bio-TMT, năm 2011, nữ giảng viên trẻ chuyển giao công nghệ đến với đông đảo bà con ở địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các vùng lân cận khác như huyện Phú Lương (Thái Nguyên) và huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang).

Cô cũng xây dựng thành công “Mô hình công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gia cầm bằng đệm sinh học trên địa bàn xã Lương Phú, huyện Phú Bình” với triển khai mô hình “Ủ phân compost xử lý chất thải chăn nuôi bò sữa quy mô hộ gia đình tại chuồng nuôi trong khu dân cư; xử lý chất thải chăn nuôi bò sữa ứng phó với biến đổi khí hậu tại 8 thôn thuộc xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Phúc)...

Lan Anh cho biết, để có được thành công như hôm nay là cả một quá trình dài nghiên cứu vất vả. Cô đã phải sống chung với rác thải, nước thải, các trang trại chăn nuôi của bà con nông dân. Khi hướng dẫn, giới thiệu tới bà con, nhiều người còn có thái độ dè chừng. Thời gian đầu, để bà con hiểu công dụng của chế phẩm Bio-TMT, cô trực tiếp xuống các trang trại hướng dẫn, tặng thuốc cho các trang trại dùng thử. 

“Dù chế phẩm Bio-TMT thử nghiệm và áp dụng thành công ở gia đình mình, nhưng khi xuống các hộ gia đình chăn nuôi để cấp phát chế phẩm, nhiều người không dám sử dụng thuốc vì sợ vật nuôi gặp nguy hiểm. Biết được độ an toàn tuyệt đối của thuốc, nhiều buổi tập huấn, xuống trại chăn nuôi, mình đã tự nếm thử thuốc để bà con nông dân tin tưởng, đón nhận”, Lan Anh kể.

Xử lý nước thải

Không chỉ chế tạo thành công chế phẩm Bio-TMT, mới đây, Lan Anh đề nghị “Tiến sỹ rác” Lê Ngọc Ninh (đang công tác tại Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT, hướng dẫn nghiên cứu chế tạo thành công keo đông tụ Kabenlis-3 để xử lý nước thải đầm hồ, nước thải các mỏ than, mỏ quặng. Đây là một sản phẩm được kỳ vọng lớn, giúp các khu công nghiệp, nhà máy giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước. Một số khu công nghiệp doanh nghiệp khai khoáng đã liên hệ nhờ chuyển giao sản phẩm.

“Tiến sỹ rác” Lê Ngọc Ninh cho biết: “Lan Anh là thạc sỹ có nhiều công trình nghiên cứu, ứng dụng đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường giúp đỡ bà con nông dân chăn nuôi”. 

Nhiều người trồng chè ở Thái Nguyên đã sử dụng thuốc trừ sâu sinh học do Lan Anh tạo ra. Nông dân tại nhiều tỉnh (Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Nghệ An, Bắc Ninh...) đã liên hệ để được hướng dẫn cải tạo nguồn nước, không khí ô nhiễm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Lộc ([Tên nguồn])
Thiếu nữ và cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN