Nữ sinh rửa bát thuê và ứng xử khó đỡ của bạn trai
Bắt gặp bạn gái làm nghề rửa bát, người yêu Kh. mất hút, anh không còn liên lạc với cô nữa.
Rửa bát vốn là công việc quen thuộc của chị em phụ nữ, nhưng việc rửa bát thuê, với số lượng bát đĩa lên tới hàng chục mâm quả thật không hề đơn giản.
Bị bạn trai chia tay
Nghề rửa bát thuê không chỉ dành cho những người phụ nữ có tuổi, mà ngay cả những bạn sinh viên cũng lựa chọn rửa bát thuê nhằm trang trải cuộc sống hàng ngày.
Cô nữ sinh Lý Thị Kh. (Lạng Sơn) sinh viên năm hai của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội cũng có những nỗi niềm riêng khi phải đi làm thêm bằng việc rửa bát thuê. Kh. cho hay: “Tôi sinh ra trong một gia đình bất hạnh, bố mẹ mất sớm từ nhỏ, tôi sống với ông bà. Ông bà cũng vất vả nuôi tôi ăn học nhưng giờ ông bà có tuổi rồi nên cứ nghĩ đến họ tôi thấy không thể chỉ đi học mà không làm gì. Tôi giấu ông bà đi rửa bát thuê một buổi trong ngày lo tiền học”.
Mới đầu, người ta không nhận Kh. vì trông cô gầy gò, sợ không đủ sức. Nhưng Kh. nhất quyết xin được làm, khi nghe cô kể về hoàn cảnh, chủ quán đã động lòng đồng ý. Thời gian đầu, do chưa quen việc, lại có những hôm học đột xuất, nên Kh. thường xuyên đi làm muộn, hoặc nghỉ giữa chừng, điều này, khiến chủ quán khó chịu, thậm chí đòi cho nghỉ việc.
“Thời gian đầu, tôi chưa quen, nên gần như kiệt sức. Có hôm, lả đi vì mệt, nhưng vì đã nhận làm, mình không thể nghỉ giữa chừng được. Khi nhìn chồng bát hàng trăm cái, cùng mâm, đĩa, thìa... vứt liểng xiểng, tôi nản lắm, đứng một lúc lấy lại được tinh thần thì lại làm việc hăng say. Làm xong, ăn cơm cũng thấy ngon miệng. Giờ quen việc rồi, tôi còn nhận chạy bàn, ship cơm đi cho người ta... Nói chung, nếu năng động cũng kiếm đủ tiền trang trải học phí, nhà trọ, thậm chí còn có chút tiền tiết kiệm”, Kh. kể lại.
Dù thế, Kh. vẫn giấu kín việc cô đi làm rửa bát thuê, vì theo quan niệm của bạn bè, những người xung quanh cô, công việc chân tay này có phần “xấu hổ”, nói ra sợ bị bạn bè dị nghị, chê cười. Nhưng rồi, trong một lần đang rửa bát tại quán, tình cờ bạn trai của cô, cùng một số người bạn vào quán ăn cơm, khi quay ra, thấy cô đang rửa bát ở đó. Sau khi gọi Kh. ra ngoài nói chuyện, cả hai có lời qua, tiếng lại. Sau hôm đó, người yêu Kh. mất hút, anh không còn liên lạc với cô nữa. Kh. tự hiểu, lý do mình bị “đá” nên cũng không chủ động liên lạc nữa.
Nói về thu nhập, bà T. và chị H. vốn đã quen với việc rửa bát, họ lại làm cả ngày nên ngoài tiền ăn uống, mỗi tháng vẫn dành được hơn 3 triệu đồng gửi về quê. Còn Kh., vốn là cô sinh viên, cô chỉ xem đây là công việc thời vụ để có thêm thu nhập. Dù thế, vì mưu sinh, họ vẫn chấp nhận vượt qua mọi khó khăn, bám trụ để giữ được công việc của mình.
Còng lưng sau mỗi ca rửa bát
Trò chuyện với phóng viên, bà Nguyễn Thị T. (56 tuổi, Nam Định, từng có 5 năm rửa bát thuê) cho hay: “Trước đây tôi làm giúp việc, trông người già, nhưng vì công việc quá vất vả lại gò bó thời gian nên tôi xin rửa bát thuê tại một quán cơm bình dân ở gần chợ Nghĩa Tân. Mới đầu, tôi nghĩ, rửa bát vốn là công việc quen thuộc của phụ nữ nên không mấy ngần ngại, nhưng khi bắt tay vào làm, tôi mới vỡ lẽ, rửa bát thuê không hề đơn giản”.
Bà T. kể: “Chủ quán trả tôi mỗi tháng 3 triệu đồng, bao ăn uống cả ngày, nhưng bữa nào cũng phải rửa hết số bát mà họ dùng trong ngày. Quán cơm tôi làm, bán cả sáng, trưa và tối, nhìn qua tưởng nhàn, nhưng bận bịu cả ngày. Gần như, tôi không được nghỉ tay, khi lúc nào cũng chỉ ngồi còng lưng, lau chùi từng cái bát một”.
Vì công việc suốt ngày phải bưng bê, cúi khom người... nên bà T. bị mắc chứng đau lưng, vẹo cột sống. “Có hôm, tôi đau mỏi tới mức chảy cả nước mắt. Nhưng nghĩ tới hai đứa con, đang học đại học, tôi đành tự nhủ, gắng gượng”, bà T. nói.
Cũng theo bà T. mới đầu khi vào nghề, bà từng làm vỡ không dưới 50 cái bát. Cũng bởi sau khi rửa xong, bà phải bê lại bàn lau khô từng chiếc một, nhưng trong quá trình di chuyển bát, không tránh khỏi sơ suất.
“Mỗi lần như thế mình phải bỏ tiền ra đền bù. Chưa kể, mình rửa không sạch, khách ăn có mùi dầu hoặc mùi lạ khách than phiền, khi đó, chủ quán sẽ vin cớ để trừ lương”, bà T. ngậm ngùi chia sẻ.
Đồng cảnh ngộ với bà T., chị Phạm H. (37 tuổi, Hà Nam) cũng không giấu nổi sự xót xa. Chị H. chia sẻ: “Làm nghề này cực lắm, gặp được chủ tốt, thương mình còn đỡ, chứ tôi làm ở đây 2 năm, cũng là người quen thân với họ nhưng vẫn bị mắng chửi thường xuyên. Chỉ cần mình làm không đúng ý, chậm chạp là họ la ầm lên. Sở dĩ, tôi vẫn chịu đựng vì họ trả lương cao hơn những nơi khác”.
Ngoài áp lực về công việc, tinh thần, chị H. còn gặp không ít khó khăn, khi mùa đông, do dầm nước nhiều nên tay bị cước, đau nhức và sưng phồng lên. Chị kể: “Những khi bị cước, tay sưng, người đau nhức, nhưng tôi không dám xin chủ quán nghỉ. Chỉ hôm nào sốt cao, không thể gắng gượng nổi, tôi mới xin nghỉ một hai ngày. Cũng vì chỗ tôi làm, chỉ có mình tôi, nếu nghỉ lâu, họ sẽ thuê người khác”.
Chị H. cho hay nghề rửa bát thuê tuy không phải di chuyển, chỉ ngồi một chỗ nhưng không phải ai cũng làm được: “Nghề này đòi hỏi người làm cần phải chăm chỉ, bởi công việc nhàm chán vì lặp đi lặp lại ngày nào cũng như ngày nào, không những vậy bát đũa phải biết sắp xếp đúng ý chủ nếu không sẽ bị nói”.
Đây được coi là cô dâu thảm thương nhất năm khi phải đối diện với đống bát đũa ngổn ngang.
Bạn có những băn khoăn muốn chia sẻ, những tâm tư muốn được giãi bày, những khúc mắc muốn nhờ tư vấn? Hãy gửi ngay những tâm sự của bạn tới mail bantrecuocsong@24h.com.vn để các chuyên gia tâm lý, tình yêu gỡ rối giùm bạn |