Nữ sinh người Dao được đặc cách vào đại học

Cô học trò người dân tộc Dao đại diện cho trường THPT dân tộc Nội trú vùng Tây Bắc đã xuất sắc được tuyển thẳng vào trường Đại học sư phạm Hà Nội.

Đó là Nguyễn Ngọc Ánh - học sinh lớp 12A trường THPT Nội trú tỉnh Yên Bái. Vừa qua, em là đại diện duy nhất của tỉnh Yên Bái được về dự lễ vinh danh trao giải học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử năm học 2014 – 2015, tại Văn miếu Quốc Tử Giám.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở huyện Yên Bình, vùng núi cạnh dòng sông Chảy nơi có nhà máy thủy điện Thác Bà, cô bé người dân tộc Dao đã quen với môi trường sống lao động vất vả trên hồ. Bố mẹ đều làm ruộng, những lúc nông nhàn thì đánh bắt cá hồ. Hiểu được sự vất vả của bố mẹ, từ bậc trung học, cô bé đã quyết tâm học giỏi để thoát nghèo.

Phải học nội trú xa nhà từ sớm, ngay từ cấp 2, cô bé dân tộc Dao đã tự giác ý thức được việc học. Em luôn đứng đầu lớp với thành tích học tập 7 năm liên tiếp đạt loại giỏi.

Nữ sinh người Dao được đặc cách vào đại học - 1

Ở lớp Ánh là tấm gương học sinh giỏi.

Năm lớp 10, Ánh được chuyển đến trường nội trú ở thị xã Yên Bái, cách nhà 60 km để học. Theo em, khó khăn nhất đối với học sinh dân tộc ít người đó là việc sử dụng thành thạo tiếng Kinh để tiếp thu những kiến thức mà giáo viên truyền đạt. Bố mẹ chỉ nói được tiếng Dao, nên mọi việc học hành Ánh đều phải tự mình cố gắng.

Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2014, nữ sinh này còn được vinh danh trên bảng vàng truyền thống của nhà trường với giải ba môn Lịch sử. Sau nhiều năm liên tiếp tham gia giải đấu quốc gia, trường trung học phổ thông Tây Bắc có một học sinh dân tộc Dao đạt giải này.

Với vinh dự này, cô nữ sinh người dân tộc Dao đã được đặc cách vào thẳng Khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, Ánh vẫn muốn thử sức thi Đại học, cô bạn quyết định thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân để thực hiện ước mơ trở thành một nữ cảnh sát.

Nữ sinh người Dao được đặc cách vào đại học - 2

Nguyễn Ngọc Ánh trong lễ vinh danh học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Khi được hỏi lý do yêu thích Lịch sử, Ánh chia sẻ: “Em muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của đất nước. Mặc dù niềm yêu thích môn Lịch sử đến khá muộn, cuối lớp 11 nhưng em đã tự tìm cho mình cách học hiệu quả. Ở lớp, em chú ý tiếp thu các kiến thức cô giáo dạy, về nhà tìm kiếm tài liệu để làm đề cương, trả lời cho các câu hỏi. Với em, quan trọng nhất là cách cô giáo dạy không khô cứng theo kiểu đọc - chép mà cô dạy phương pháp, cách tư duy, đặt ra các câu hỏi để học sinh tự trả lời".

Cô Nguyễn Thị Thanh Hòa (39 tuổi) là giáo viên duy nhất giảng dạy môn Lịch sử cả ba khối của trường THPT dân tộc Nội trú tỉnh Yên Bái cho biết: “Ánh là một học sinh có tố chất thông minh, từ nhỏ đã có năng khiếu học Toán. Lớp 11, Ánh đã quyết định chuyển sang khối C để thi vào Học viện Cảnh sát. Sau khi biết học sinh yêu thích môn sử, tôi đã cho em ôn luyện và tham dự các kỳ thi của tỉnh. Học sử không phải là học vẹt, ngoài dạy kiến thức lịch sử tôi còn dạy em cách trình bày bài viết khoa học. Những ngày ôn luyện thi, cô thường ngồi trực tiếp sửa bài cho trò".

Nữ sinh người Dao được đặc cách vào đại học - 3

Ngọc Ánh và cô giáo Hòa người truyền cảm hứng môn Lịch sử cho em.

Thầy Hoàng Văn Chính - Hiệu trưởng trường THPT Nội trú tỉnh Yên Bái cho biết: "Tôi rất vinh dự khi được đại diện nhà trường xuống Hà Nội nhận phần thưởng học sinh giỏi quốc gia cùng với em Ánh. Đặc biệt trường tôi là trường xếp thứ 2 trong hệ thống các trường dân tộc nội trú toàn quốc về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Em Ánh là niềm tự hào của tất cả thầy cô, học sinh trường Nội trú tỉnh Yên Bái”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Nguyễn (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN