Nữ sinh FTU đạt học bổng 5/5 kỳ học tự chủ tài chính thi hàng loạt chứng chỉ
Nguyễn Thanh Vân, sinh viên năm 3 chương trình tiên tiến và chất lượng cao Quản trị Kinh doanh, trường Đại học Ngoại thương, đạt học bổng khuyến khích học tập suốt 5/5 kỳ với GPA đáng ngưỡng mộ 3.81/4. Nữ sinh tự định hướng bản thân: dùng tiền học bổng và tiền làm thêm để đầu tư học thành thạo ba ngoại ngữ Anh, Trung, Đức; chứng chỉ Tài chính; đàn violon,… mà không cần xin tiền bố mẹ.
Nguyễn Thanh Vân
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có lối suy nghĩ khá truyền thống rằng chỉ cần học trên trường thôi là đủ, nhưng Thanh Vân đã sớm tự lập và định hướng bản thân từ những va vấp thực tế trong cuộc sống.
Khi có ý định chuyển tiếp sang một trường ở Thụy Sĩ, Thanh Vân nghĩ rằng là một sinh viên quốc tế mà ngoài tiếng Anh không biết thêm thứ tiếng nào khác trong khi ở đó người ta nói rất nhiều thứ tiếng như là Anh, Đức, Pháp, Ý,… thì sẽ rất khó để giao tiếp hay đi làm thêm để giúp bố mẹ giảm chi phí sinh hoạt. Vì vậy, cô quyết định học thêm tiếng Đức.
Thanh Vân kể: “Tiếng Đức là ngôn ngữ khó nhất mình từng học. Mình phải học 5 buổi/tuần để liên tục tiếp xúc với tiếng Đức. Mỗi buổi sáng tỉnh dậy mình vừa chuẩn bị cơm trưa vừa cầm vở ôn từ mới sau đó là cả buổi sáng học ở trung tâm, tan học là chạy ngay đến trường để học tiếp, rồi đi làm thêm, đi dạy thêm, tối muộn về nhà lại tiếp tục tranh thủ ôn 70 từ mới. Đợt ấy mình cứ tưởng như quay lại thời gian ôn thi đại học vì chỉ ngủ được 4-5 tiếng mỗi ngày. Cuối cùng sau bao nỗ lực mình đã thi đỗ chứng chỉ B1 của viện Goethe chỉ sau 5 tháng, đều đặn giành học bổng 2 kỳ học và còn ẵm thêm giải Á Quân của một cuộc thi cho sinh viên”.
Khi đang là sinh viên năm hai, Thanh Vân còn xuất sắc giành được học bổng 90% ngành Khoa học Máy tính của trường đại học VinUni. Mặc dù rất yêu thích trường và mong muốn có thể mang những kinh nghiệm hoạt động ngoại khóa của mình để trở thành thế hệ sinh viên đầu tiên của VinUni xây dựng các câu lạc bộ nhưng với tài chính lúc đó của một cô gái tự lập như Vân lại không đủ để chi trả cho 10% còn lại. Vì vậy, cô nàng đành tiếc nuối từ chối cơ hội vào trường và thay vào đó là dùng số tiền tiết kiệm của mình để thi chứng chỉ CFA (Chartered Financial Analyst - một chứng chỉ dành riêng cho các nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp trong các lĩnh vực: chứng khoán, đầu tư, quản lý rủi ro, ngân hàng và tài chính).
Bên cạnh đầu tư cho các chứng chỉ học tập, Thanh Vân còn tự sắm cho mình một chiếc đàn violon với mong muốn thử thách một loại nhạc cụ mang phong cách cổ điển. Toàn bộ tiền đàn, phụ kiện, học phí,... đều được cô dùng tiền học bổng và tiền làm thêm của mình chi trả.
Được biết Thanh Vân luôn đạt được học bổng khuyến khích học tập của đại học Ngoại thương suốt 5/5 kỳ với GPA đáng ngưỡng mộ 3.81/4. Cô cũng bắt đầu đi làm thêm từ kỳ nghỉ hè trước khi lên đại học và trải qua nhiều công việc, vị trí khác nhau như quản lý lớp học cho một trung tâm tiếng anh, gia sư, trợ lý cho các công ty startup (khởi nghiệp). Chính các công việc đó đã giúp nữ sinh này va vấp, học hỏi được nhiều hơn.
Thanh Vân chia sẻ: “Nhiều bố mẹ thường nghĩ, chỉ cần tấm bằng đại học thôi là đủ, nhưng ở trong một môi trường mà ai cũng giỏi, mình luôn cố gắng tự tìm cách định hướng bản thân. Mình cảm thấy rất hạnh phúc vì có thể tự chủ tài chính và chi trả cho sở thích của mình.
Ngoài ra, mình cũng mong muốn kiếm được thật nhiều tiền để có thể đóng góp cho xã hội bằng cách này hay cách khác. Trong 2 năm gần đây mỗi tháng mình đều trích ra 5% lương để ủng hộ cho bệnh viện hoặc các trạm cứu hộ động vật, hay gần đây nhất là cho Mặt trận Tổ quốc và Quỹ Vaccine. Mỗi khi được tăng lương mình cảm thấy vui lắm vì có thể cho đi nhiều hơn nữa”.
Nói về định hướng công việc tương lai của mình, nữ sinh năm ba cho rằng nhờ học thêm các chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tài chính, mà cô cảm thấy có thêm nhiều lợi thế trong việc định hướng và lựa chọn hướng đi sau này.
Bản thân cô nàng thích môi trường có tính cạnh tranh và mong muốn có thể sử dụng kỹ năng quản trị học được ở Ngoại thương kết hợp với các kiến thức tài chính học thêm qua chứng chỉ để có thể linh động thử sức, làm việc và hỗ trợ ở các vị trí khác nhau. Vân cũng hy vọng mình có thể áp dụng được kiến thức của cả hai lĩnh vực này trong công việc tương lai.
“Mình nghĩ bản thân không phải là đứa trẻ duy nhất cảm thấy lạc lõng và mất phương hướng trong khi tìm đường vào thế giới của người trưởng thành, nhưng mình đã vô cùng may mắn khi gặp được những người thầy cô, bạn bè và đồng nghiệp luôn truyền cảm hứng và dạy cho mình những bài học quý giá để mình có thể bước ra ngoài kia dám vấp ngã và tự tin đứng dậy” – Thanh Vân chia sẻ.
Trong 1 năm trời, công sức cô bỏ ra để giật học bổng không đong đếm được.
Nguồn: [Link nguồn]