Nữ sinh đỗ 4 đại học hàng đầu Trung Quốc
Sau một năm chuẩn bị hồ sơ, Nguyễn Ngọc Đan Khanh, 18 tuổi, đỗ Đại học Bắc Kinh với học bổng chính phủ toàn phần, cùng ba trường danh tiếng khác.
Nữ sinh của lớp chuyên Văn, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, được miễn học phí, ký túc xá và nhận trợ cấp sinh hoạt hàng tháng khoảng 9 triệu đồng để theo học tại Viện Báo chí và Truyền thông của trường.
Theo bảng xếp hạng đại học thế giới QS 2025, Đại học Bắc Kinh đứng đầu ở Trung Quốc, xếp thứ 14 thế giới. Ngoài ra, Đan Khanh còn đỗ Đại học Thanh Hoa, Chiết Giang và Phúc Đán. Đây đều là những ngôi trường tên tuổi, trong top 10 Trung Quốc, top 50 thế giới.
"Em sung sướng vì giành học bổng và đỗ trường mơ ước", Đan Khanh nói.
Nguyễn Ngọc Đan Khanh trong ảnh chụp kỷ yếu ở trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Khanh cho biết thích đọc sách và tìm hiểu về văn học từ nhỏ. Ngày cấp hai, em đã đọc nhiều sách về văn học trung đại của Việt Nam và Trung Quốc, nhận ra nhiều điểm tương đồng trong ngôn ngữ, như hiện tượng mượn âm để tạo thành từ Hán-Việt.
Dần dần, em yêu thích tiếng Trung và đi học thêm. Đầu năm lớp 12, Khanh quyết định chọn du học Trung Quốc, ngành báo chí và truyền thông, vì cho rằng ngôn ngữ trong lĩnh vực này ở tầm cao, sắc bén.
Dù quyết định khá gấp rút nhưng Khanh vẫn chăm chút, tỉ mỉ cho từng phần của bộ hồ sơ, gồm thành tích học tập, chứng chỉ IELTS, HSK (chứng chỉ năng lực tiếng Trung gồm sáu bậc), hoạt động ngoại khóa và bản kế hoạch học tập.
Khanh duy trì điểm học tập trung bình trên 9, giành giải nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi Văn của thành phố Hà Nội. Trước đó, hồi lớp 11, nữ sinh đã đạt giải nhì quốc gia ở môn này. Ngoài ra, Khanh nỗ lực ôn thi và đạt chứng chỉ HSK 6 (cấp cao nhất), IELTS 7.5.
Khanh nhìn nhận quá trình học và thi HSK khá gian nan do em không có môi trường sử dụng và luyện tập thường xuyên. Khanh gặp khó nhất ở phần viết bởi chữ tiếng Trung gồm nhiều nét. Nữ sinh cũng thường học mẹo, dựa theo hiện tượng đồng âm Hán-Việt của từ để đoán nghĩa.
"Đây là cách học khá mạo hiểm, nhưng do thời gian gấp rút nên em đặt mục tiêu học được càng nhiều từ càng tốt", Khanh kể. Bên cạnh đó, nữ sinh dành phần lớn thời gian trong ngày tự học tiếng Trung bằng cách xem phim, nghe podcast và đọc sách liên quan tới các vấn đề thời sự.
So với HSK, việc học và thi chứng chỉ IELTS dễ dàng hơn vì Khanh đã có nền tảng tiếng Anh vững từ nhỏ. Nữ sinh không đi luyện bên ngoài mà hoàn toàn tự học. Theo Khanh, em may mắn vì được bạn bè hỗ trợ nhiều, đặc biệt ở kỹ năng Writting (Viết) và Speaking (Nói).
Khanh nhận định bản kế hoạch học tập là điểm nổi bật trong hồ sơ của mình. Nữ sinh chia sẻ về quá trình theo đuổi đam mê văn học, coi đây là động lực để nỗ lực phát triển bản thân mỗi ngày. Gửi cho 4 trường nên Khanh chọn những nội dung khác nhau, gắn với những đặc trưng của từng trường và thành phố.
Ví dụ, với bản kế hoạch học tập đầu tiên gửi Đại học Bắc Kinh, nữ sinh lên ý tưởng và hoàn thành trong gần một tháng. Khanh cho hay ấn tượng với địa danh giàu truyền thống, văn hóa lịch sử và mong được học cách truyền thông để bảo tồn và phát triển.
Với các trường còn lại, em hoàn thành bài viết trong 5 tới 7 ngày bởi đã quen cách xây dựng dàn ý.
Về hoạt động ngoại khóa, Khanh là trưởng ban chuyên môn của một dự án văn học, đồng thời là thành viên ban nội dung của câu lạc bộ đọc sách trong trường. Tới năm lớp 12, để xây dựng hồ sơ du học, em đã tham gia thêm các khóa học online và hoạt động ngoại khóa của trường ở Trung Quốc như Đại học Nam Kinh, Đại học Công nghệ Hoa Nam.
Khanh ứng tuyển học bổng Hiệp định giữa hai chính phủ nên Đại học Bắc Kinh không yêu cầu phỏng vấn. Khanh cho biết điều này không ảnh hướng quá nhiều bởi em đã cố gắng bao quát hết những điều muốn truyền tải tới trường trong bản kế hoạch học tập.
Nguyễn Ngọc Đan Khanh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Khanh cho rằng khó khăn nhất khi chuẩn bị hồ sơ là áp lực về thời gian, khi phải cân bằng với việc học đội tuyển Văn trên trường.
"Thời gian đầu chuẩn bị hồ sơ, do ôm đồm quá nhiều việc, em chỉ ngủ được 3 đến 4 tiếng một ngày", Khanh nói.
Sau đó, nữ sinh sắp xếp lại thời gian biểu, tập trung vào những mục tiêu ngắn hạn trong từng giai đoạn để đảm bảo sức khỏe. Khanh hoàn thành kế hoạch đúng dự kiến - thi đạt chứng chỉ HSK, IELTS trong hai tháng rồi dồn sức vào bài luận.
"Ưng viên cần lên kế hoạch du học sớm. Việc đạt chứng chỉ ngoại ngữ sớm cũng là một lợi thế để các bạn đầu tư nhiều thời gian hơn vào phần viết luận", Khanh đúc rút.
Cô Lý Quận, giáo viên dạy tiếng Trung của Khanh, nhận xét em có khả năng tư duy và lý luận tốt, tiến bộ nhanh khi đã tiến từ HSK 5 lên HSK 6 chỉ trong một tháng. Thông thường, giai đoạn này thường mất ba tháng.
"Việc chăm chỉ đọc sách và cập nhật các vấn đề thời sự hàng ngày đã đem lại cho Khanh khả năng tư duy rất rõ ràng và độc lập", cô đánh giá.
Tại viện Báo chí và Truyền thông của Đại học Bắc Kinh, sinh viên được chọn chuyên ngành chính ở năm hai. Khanh cho hay dự kiến chọn chuyên ngành Báo chí và sẽ tham gia đa dạng các hoạt động ngoại khóa liên quan tới lĩnh vực này.
Ngoài ra, nữ sinh 18 tuổi dự tính học thêm tiếng Ả rập để mở rộng cơ hội nghề nghiệp. Em mơ ước trở thành phóng viên thường trú hoặc làm việc tại bộ phận truyền thông của các tập đoàn đa quốc gia."Em cảm thấy việc học thêm ngoại ngữ mới trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay sẽ là lợi thế rất lớn", nữ sinh nói.
Từ Quy Nhơn, Trịnh Hoàng Diệu Ngân ra Hà Nội để theo học ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh. Sau 3 năm, Ngân giành học bổng toàn phần chương trình thạc sĩ tại ngôi trường danh giá bậc nhất nước Pháp, dù chưa tốt nghiệp đại học.
Nguồn: [Link nguồn]