Nữ sinh bỏ Đại học Thanh Hoa để học Sư phạm trong nước

Sự kiện: Giới trẻ 2024
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Hà Nội - Từng mơ ước đến Thanh Hoa nhưng sau khi giành được học bổng, Việt Hà nhận ra đam mê lớn với nghề giáo nên quyết định bỏ để học sư phạm.

Phạm Việt Hà, 18 tuổi, hiện là sinh viên năm thứ nhất ngành Sư phạm tiếng Hàn Quốc, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trước khi quyết định học tại đây, nữ sinh từng mất nửa năm cân nhắc.

Cuối năm ngoái, cựu học sinh chuyên tiếng Trung, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, giành học bổng của Thành phố Bắc Kinh để theo học tại Viện Kinh tế, Tài chính và Quản lý của Đại học Thanh Hoa. Đây là ngôi trường hàng đầu Trung Quốc và top 20 thế giới, theo xếp hạng đại học QS 2025.

Ngoài ra, Hà còn nhận được học bổng Đại học Quốc gia Australia (ANU), VinUni và Swinburne, đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội, Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân...

Phạm Việt Hà. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phạm Việt Hà. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo Hà, bên cạnh thành tích học tập và điểm số, bí quyết chinh phục hội đồng tuyển sinh của các trường thể hiện màu sắc cá nhân trong hồ sơ ứng tuyển.

Ví dụ, khi ứng tuyển Thanh Hoa, nữ sinh kể về chuyến du lịch Trung Quốc năm 11 tuổi.

"Em được hướng dẫn viên động viên nếu sau này thi đỗ Đại học Thanh Hoa hay Bắc Kinh, hãy liên lạc với ông", Hà nhớ lại. "Em đã rất tò mò nên tìm hiểu về Thanh Hoa. Từ đó, em có niềm cảm hứng học tiếng Trung".

Dần dần, tiếng Trung trở thành niềm đam mê của Hà. Em từng lọt top 6 cuộc thi tranh biện tiếng Hoa năm 2022 do Đại học Ngoại thương tổ chức. Năm lớp 11, Hà có chứng chỉ Hán ngữ HSK 6 (cấp cao nhất).

Ngoài video, Thanh Hoa còn yêu cầu viết kế hoạch học tập trong 4 năm. Nữ sinh nhận định kế hoạch càng cụ thể càng cho thấy ý định học tập nghiêm túc và định hướng rõ ràng. Hà nói dành thời gian học và tham gia hoạt động của trường, giao lưu với bạn bè quốc tế và học thêm kỹ năng mềm trong hai năm đầu. Hai năm còn lại, em sẽ thi các chứng chỉ chuyên môn, đi thực tập và hoàn thành khóa luận tốt nghiệp.

Ngoài ra, do có dự định du học sớm nên từ lớp 10, Hà ý thức duy trì thành tích học tập tốt. Nữ sinh thi IELTS đạt 8.0, SAT 1530/1600 (bài thi chuẩn hóa quốc tế) và điểm trung bình học tập ở trường từ 9,5 trở lên.

Hà cũng tham gia các cuộc thi về kinh doanh, tiếng Trung; làm trưởng ban sự kiện của câu lạc bộ tiếng Hàn; phiên dịch tại các triển lãm du học.

Phạm Việt Hà biểu diễn trong lễ tốt nghiệp hệ trung cấp 9 năm piano của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, hồi tháng 6. Video: Nhân vật cung cấp

Theo Hà, hồ sơ của em còn nổi bật ở sự cam kết gắn bó lâu dài với nghệ thuật, dù điều này có vẻ không liên quan đến các ngành học kinh doanh, logistics hay công nghệ thông tin mà em ứng tuyển.

Hà theo hệ trung cấp piano (9 năm) tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từ khi đang học lớp 4 một trường dân lập.

Đầu kỳ học, Hà thường ghi chú thời gian học và thi ở từng trường để có kế hoạch cụ thể. Chẳng hạn, hàng ngày, em học từ 8 đến 10h ở trường, chiều 13-14h học piano tại Nhạc viện. Để hiệu quả, nữ sinh cố gắng nghe hiểu bài ở trên lớp; giờ ra chơi và nghỉ trưa tranh thủ hoàn thành bài tập. Buổi tối, em chủ yếu tập đàn... Vào mùa thi, Hà cũng có lúc căng thẳng vì phải chạy đi chạy lại giữa hai trường, song cố gắng để cân bằng, đặt ra các mục tiêu ưu tiên để xử lý. Hồi tháng 6 vừa qua, nữ sinh tốt nghiệp loại giỏi ở Nhạc viện.

"Em đã không bỏ cuộc. Các thầy cô khi xét hồ sơ, phỏng vấn đã nhìn thấy sự kiên trì cùng khả năng quản lý thời gian của em", Hà nói.

Hà cho biết mỗi khi vào vòng phỏng vấn, em luôn chuẩn bị kỹ lưỡng và thể hiện thái độ trân trọng, biết ơn cơ hội mà nhà trường dành cho mình.

Việt Hà trong lần làm phiên dịch cho Ngày hội thông tin của Đại học Quốc gia Australia năm 2023 tại Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Việt Hà trong lần làm phiên dịch cho Ngày hội thông tin của Đại học Quốc gia Australia năm 2023 tại Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đỗ nhiều trường, Hà cũng chỉ được chọn một "bến đỗ". Gia đình định hướng em theo lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Tuy nhiên, Hà nhận thấy mình không phù hợp.

Nghĩ về những năm tháng phổ thông, được các thầy cô ở trường chuyên ngữ truyền cảm hứng, nữ sinh nhận ra đam mê lớn với nghề giáo. Em cũng từng phiên dịch ở nhiều sự kiện giáo dục và làm gia sư nên có trải nghiệm thực tế.

"Em quyết định gác lại hết để theo đuổi ngành sư phạm. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để em phát triển và theo đuổi công việc dạy học trong tương lai", Hà nói.

TS Nguyễn Phú Chiến, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Ngoại ngữ, bất ngờ trước lựa chọn của học trò. Ông là người viết thư giới thiệu Hà với Đại học Thanh Hoa, thể hiện niềm tự hào về học sinh của mình cả về tri thức, văn hóa, hoạt động ngoại khóa và khả năng tự học, tự nghiên cứu.

Theo thầy Chiến, Hà có nhiều thuận lợi để theo học tại Viện Kinh tế, Tài chính và Quản lý của Đại học Thanh Hoa vì học Toán rất tốt.

"Với nhiều người, đến Thanh Hoa là giấc mơ, với Việt Hà ban đầu cũng vậy nhưng có lẽ giấc mơ làm cô giáo gần gũi hơn với bạn ấy. Trường Đại học Ngoại ngữ sẽ giúp em viết tiếp ước mơ của mình", ông nói. "Tôi mong gặp lại Hà sau 4 năm nữa với tư cách là một đồng nghiệp".

Hà nói không hối tiếc với lựa chọn ở lại. Thay vì học tiếng Anh hay tiếng Trung - vốn là thế mạnh, em đăng ký ngành Sư phạm tiếng Hàn Quốc để học thêm một ngôn ngữ khác và khám phá văn hóa. Sau tốt nghiệp, nữ sinh dự định học lên thạc sĩ và tìm học bổng du học.

"Em may mắn khi gia đình tôn trọng sự lựa chọn và luôn ủng hộ dù quyết định ra sao", Hà nói.

Sau một năm chuẩn bị hồ sơ, Nguyễn Ngọc Đan Khanh, 18 tuổi, đỗ Đại học Bắc Kinh với học bổng chính phủ toàn phần, cùng ba trường danh tiếng khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Minh ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN