Nữ sinh Bách khoa ba lần đạt giải Olympic Cơ học
Muốn tìm tòi, đào sâu các môn khó của ngành Cơ khí, Thanh Nguyên đăng ký thi Olympic Cơ học và ba lần liên tiếp đạt giải.
Thành tích này cùng bài báo khoa học đăng trên Tạp chí Cơ khí giúp Nguyễn Thị Thanh Nguyên, sinh viên năm cuối ngành Cơ khí, trường Đại học Bách khoa TP HCM, nhận giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ năm 2024.
Là nữ sinh hiếm hoi học Cơ khí, Nguyên từng tự hỏi về khả năng và cơ hội của em với ngành học được mặc định phù hợp với nam giới.
"Giải thưởng không chỉ là sự công nhận những nỗ lực mà còn là nguồn động lực rất lớn giúp em phấn đấu tiến về mục tiêu đã đề ra", Nguyên chia sẻ.
Nguyễn Thị Thanh Nguyên, sinh viên năm cuối trường Đại học Bách khoa TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyên kể thời phổ thông rất tò mò về máy móc, thường tự tháo rồi lắp ráp đồ chơi, vật dụng trong nhà "để xem bên trong có gì". Em cũng thích thú nhìn các bác thợ sửa chữa máy móc, trong cửa hàng ngổn ngang vật dụng, mặt đất đen nhẻm vì dầu nhớt.
"Cảm giác một mình, tập trung toàn bộ tâm trí trong không gian riêng của mình rồi tìm ra nguyên lý hoạt động của một đồ vật đối với em rất thú vị", Nguyên cho hay.
Lựa chọn của Nguyên không được mẹ ủng hộ vì sợ con gái làm việc với máy móc nặng nề, cực nhọc. Nhưng chị gái ủng hộ em. Bằng trải nghiệm của mình và bạn bè, chị phân tích cho Nguyên thấy chỉ khi học ngành yêu thích mới đam mê tìm hiểu sâu. Nếu bỏ nhiều thời gian theo đuổi thứ mình không thích thì sau này sẽ khó bắt đầu lại. Những chia sẻ từ chị giúp Nguyên vững tin vào lựa chọn của mình.
Bố mẹ chỉ buôn bán nhỏ, nên mục tiêu của Nguyên không chỉ học để hiểu mà còn đạt học bổng để giảm gánh nặng học phí. Năm đầu, chưa thật sự bắt nhịp được với cách học mới, em vuột mất khoản này ở kỳ II.
Sang năm thứ hai, Nguyên thay đổi cách học, không để nước đến chân mới nhảy. Học xong bài nào, em làm ngay bài tập hôm đó, lưu ý những môn có nhiều công thức tính toán. Quy tắc này giúp nữ sinh duy trì thói quen học tập, dễ dàng gợi nhớ lại kiến thức khi chuẩn bị thi cuối kỳ. Nhờ đó, Nguyên đạt mục tiêu giành học bổng.
Nhà ở quận 5, hàng ngày đến trường tại Thủ Đức bằng xe bus phải mất hơn ba tiếng nên Nguyên chọn ở ký túc xá để tiết kiệm thời gian và chi phí. Mỗi tháng, em gói ghém chi phí sinh hoạt không vượt quá hai triệu đồng.
"Nhiều người sẽ thấy cuộc sống của em tẻ nhạt vì gần như không đi chơi, ăn vặt hay uống trà sữa. Khi nào căng thẳng, em đạp xe vòng quanh ký túc xá rồi về học tiếp. Em hài lòng với thói quen như vậy", Nguyên chia sẻ.
Đi theo định hướng thiết kế máy, Nguyên càng học càng thấy hứng thú với các bài tập khó. Chẳng hạn, cùng một yêu cầu và nguyên liệu đầu vào, mỗi kỹ sư có thể đưa ra những phương án chế tạo khác nhau sao cho tiết kiệm và hiệu quả nhất.
Nguyên cho hay xuyên suốt quá trình học tập, em chỉ tập trung vào câu hỏi "mình đã hiểu bài hay chưa, có thể áp dụng vào thực tế không".
Theo Nguyên, Cơ khí được đánh giá là ngành khó vì kiến thức nhiều nhưng khô khan, nặng công thức, tính toán. Chỉ cần hổng một "mắt xích", sinh viên cũng dễ lung lay, mất gốc. Vì thế, dù có môn đã đủ điểm qua, nhưng nếu thấy chưa nắm chắc kiến thức, em vẫn "đào xới" lại cho đến khi hiểu rõ bản chất mới thôi.
Nguyên lý máy là một trong số những môn như vậy. Học môn này từ năm thứ hai, em vẫn nghiên cứu, lật đi lật lại kiến thức đến tận năm cuối.
Đây cũng là lý do khiến Nguyên đăng ký thi Olympic Cơ học năm 2024 ở môn Nguyên lý máy và giành giải ba. Trước đó, nữ sinh có hai năm liền thi ở môn Chi tiết máy, đạt giải nhì và ba.
Thói quen đào sâu kiến thức cũng là cơ duyên để Nguyên có bài báo khoa học đầu tiên đăng trên Tạp chí Cơ khí hồi tháng 6/2023 với vai trò là tác giả chính. Khi giải bài toán tổng quát chọn bu-lông phù hợp giữa hộp giảm tốc và khung máy, Nguyên tìm hiểu kỹ hơn về cơ sở lý thuyết tính toán của bu-lông, vốn là chương khó nhất trong môn Chi tiết máy. Nhờ đó, nữ sinh hiểu sâu hơn về cách tính bu-lông trong các bài toán thực tế. Nguyên và nhóm bạn đã tạo ra một chương trình tính toán chọn bu-lông phù hợp chỉ bằng cách nhập thông số cụ thể, tiết kiệm thời gian trong việc tra bảng và kiểm tra lại độ bền của nó trong các máy móc thực tế.
Nguyên ví dụ khi thiết kế máy móc, kỹ sư phải tính toán các chi tiết và chọn bu-lông có thông số phù hợp. Công đoạn này phải tính tay, mất ít nhất 4-5 tiếng với máy móc đơn giản. Nhờ chương trình tính toán mà nhóm lập ra, công đoạn này chỉ mất khoảng một tiếng.
Nữ sinh sau đó dùng chương trình này vào đồ án và luận văn tốt nghiệp, được hội đồng chấm 9,64/10 điểm.
Nguyên (thứ hai từ trái qua) giành giải ba cuộc thi Olympic Cơ học năm 2024, hồi tháng 6. Ảnh: Nhân vật cung cấp
GS.TS Nguyễn Hữu Lộc, nguyên Trưởng khoa Cơ khí, nói ấn tượng với Nguyên ngay từ năm nhất. Bởi trong gần 400 tân sinh viên của khoa năm đó chỉ có 5 nữ sinh. Nguyên sau đó đến gặp riêng thầy để chia sẻ định hướng chọn ngành và mong muốn học hỏi, nghiên cứu.
Thầy Lộc cho hay trong ba lần tham gia Olympic Cơ học, Nguyên luôn là nữ sinh duy nhất đạt giải hoặc có giải thưởng cao nhất.
"Nguyên có năng lực tiếp thu tốt, rất chăm chỉ, chịu khó tìm tòi. Học với thầy cô nào em cũng hỏi cho đến khi hiểu rõ", GS Lộc nói.
Theo Nguyên, mỗi môn học hoặc ngành nghề đều có cái khó riêng, không lĩnh vực nào toàn "màu hồng". Điều người học cần quan tâm là bản thân có lĩnh hội được kiến thức chưa và khả năng áp dụng chúng vào thực tế tới đâu. Những gì thuộc về kỹ năng lâu dài thì phải chăm chỉ luyện tập hàng ngày.
"Điều quan trọng của việc học là hiểu bản chất và áp dụng được. Đây là điều tiên quyết trước khi nghĩ đến làm được điều gì cao xa", Nguyên chia sẻ.
Hoàn thành chương trình học với điểm trung bình 8,7/10, Nguyên đang thực hiện một số đề tài với thầy và học thêm Tiếng Anh trong khi chờ nhận bằng tốt nghiệp. Nữ sinh định đi làm một thời gian để tích lũy kinh nghiệm thực tế trước khi học lên cao hoặc du học.
Nguồn: [Link nguồn]
Phạm Thị Huê, 22 tuổi, nữ sinh duy nhất của lớp Cơ khí động lực năm thứ 4, Đại học Bách khoa Hà Nội, giành giải nhất Olympic Cơ học toàn quốc.