Nữ sinh Việt 4 lần nhận bằng khen tổng thống Mỹ
Lê Ngọc Tường Vân kể: Tính ra đã được 4, 5 năm đi dạy và hiện vẫn đang dạy, tuy có phần ít hơn. Có giai đoạn em dạy tới 20 người, từ TOEFL cho tới toán, hóa học. Ai thuê môn gì thì dạy môn ấy.
Du học Mỹ khi vừa học xong lớp 6, bằng sự nỗ lực của chính bản thân, Lê Ngọc Tường Vân đã dành được 7 học bổng của các trường ĐH danh tiếng hàng đầu nước Mỹ như Harvard, Yale,…
Chỉ tự học, nhưng thành tích của Vân ở kì thi SAT là 2310/2400 điểm; còn ở kỳ thi TOEFL em đạt 118/120 điểm.
Không chỉ học giỏi, cô nữ sinh viên năm nhất trường ĐH Harvard chuyên ngành kinh tế và thống kê, còn thường xuyên tham gia và tổ chức nhiều hoạt động xã hội.
Cùng chúng tôi trò chuyện với cô nữ sinh tài năng này:
Để có được những thành công như hôm nay, Vân đã vượt qua những khó khăn khi du học như thế nào?
Lúc đầu, em còn bỡ ngỡ bởi chưa biết nhiều về tiếng Anh. Thời gian đầu, tối nào em cũng lấy các bài tập ra về nhà của trường để làm. Khi làm thì phải dịch ra tiếng Anh, làm nhiều thì lượng từ lặp lại nhiều lần dần giúp em nhớ được.
Ngoài ra, trước khi vào các buổi học, em thường đọc sách trước để có thể tìm hiểu thêm những từ mới chưa biết, vì vậy ở các tiết học mới khi nghe thầy cô giảng, mặc dù có từ mới mình vẫn có thể tiếp thu được.
Đặc biệt, em cũng dành rất nhiều thời gian để xem tivi, các bộ phim hoạt hình có tiếng Anh để luyện khả năng nghe. Em đã viết ra 4, 5 quyển vở về từ vựng tiếng Anh, chia 2 cột 1 bên là tiếng anh 1 bên là tiếng việt, đơn giản thế thôi và ngày nào cũng học thuộc.
Nhưng khó khăn nhất với em không phải là tiếng Anh mà là cuộc sống tự lập khi không có ba mẹ ở bên. Việc tự bản thân phải tìm hiểu những thông tin thay vì trước đây dựa dẫm vào ba mẹ vốn hay lo cho mình tất cả. Thay vì lắng nghe dạy dỗ thì phải tự tìm những bài học cho riêng mình. Những ngày tháng đầu qua Mỹ, em đã nhớ gia đình và khóc rất nhiều.
Ngoài tiếng Anh ra, em đã chuẩn bị cho mình những điều gì nữa?
Có một điều là em không có điều kiện như các bạn được đi học ở các trung tâm luyện thi SAT, em chỉ lên mạng tìm các bài thi trước đây và tập làm các dạng bài tập trên đó. Đồng thời, em cũng mượn sách từ thư viện để tự học chuẩn bị cho kỳ thi SAT. Em làm đi làm lại nhiều bài tập, chứ không hề tham gia một khóa ôn luyện nào.
Được biết, không chỉ Harvard, Vân từng nhận được 6 học bổng khác của các trường ĐH danh tiếng của Mỹ như Yale, Stanford,… Vậy em có thể chia sẻ kinh nghiệm để có thể đạt được điều này?
Em nghĩ những kết quả mình đạt được ở những hoạt động ngoại khóa là một điều quan trọng khi nộp đơn vào các trường ĐH. Lúc đầu, em tham gia ngoại khóa không nghĩ rằng là để làm “đẹp” hồ sơ, mà nó giống như một niềm đam mê.
Mình làm và cảm giác rất hứng thú. Và vì đam mê nên mình theo đuổi những hoạt động đó trong khoảng thời gian khá dài. Vì vậy, khi đọc đơn, họ thấy mình không chỉ tham gia ngoại khóa để làm đẹp hồ sơ, mà có sự yêu thích thực sự.
Không chỉ kết quả học, mà mình còn có những cống hiến cho xã hội thì những nhà xét tuyển cảm thấy mình đáng giá với những học bổng, họ sẽ tự chọn mình thôi.
Càng ngày, điểm thi đối với các trường ĐH ở Mỹ càng ít quan trọng. Bởi, điểm số thì ai học “lò” thì cũng có thể thi được. Điều quan trọng nhất là họ muốn biết mình là một người như thế nào, mình có tố chất gì, có tài năng và đam mê điều gì, và đã chứng tỏ đam mê đó thông qua việc thực hiện như thế nào. Và mình có thể bộc lộ những điều này qua những bài luận khi mà mình nộp đơn vào trường.
Vậy bài luận của Vân từng đề cập tới vấn đề gì?
Em đã viết nhiều bài khác nhau cho từng trường mình nộp, nhưng hai chủ đề chính là một lá thư cảm ơn ba mẹ và một bài về người anh trai của em. Đó là những cảm nhận của em thay đổi như thế nào trước và sau khi đi du học.
Trước đây, từng nghe nhiều chuyện về việc gia đình là một thành phần quan trọng trong cuộc sống nhưng thực sự em chưa cảm nhận được hết điều này. Nhưng khi đi du học rồi mới cảm thấy không có nơi nào thoải mái và hạnh phúc như khi được sống với ba mẹ.
Qua Mỹ, em đã phải làm rất nhiều việc, mới thấy được công ơn, sự hy sinh của ba mẹ. Cảm thấy trân trọng hơn những gì mình đang có.
Vân có thể giới thiệu về những hoạt động ngoại khóa của mình được không?
Em tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa như tổ chức các sự kiện tình nguyện,… để cho các bạn du học sinh ở nước ngoài có thể giao lưu, làm quen, trao đổi những kinh nghiệm du học với các bạn học sinh ở Việt Nam.
Ví dụ, chương trình IM venture là một chuyến đi cho các bạn khám phá thêm về đất nước của chính mình, tìm về cội nguồn của đất nước. Em cũng tổ chức các chương trình để giúp các bạn trẻ ở Việt Nam (bao gồm Hà Nội, Huế và TP HCM) tìm đến các hoạt động ngoại khóa. Tất cả các dự án dù được làm khi em ở Mỹ nhưng nhờ một số người đại diện em đã có thể triển khai tới các bạn trẻ ở Việt Nam.
Ngoài thời gian học và hoạt động ngoại khóa, Vân dành thời gian để làm gì?
Em có đi dạy thêm để kiếm thêm thu nhập. Tính ra đã được 4, 5 năm và hiện vẫn đang đi dạy tuy có phần ít hơn. Có giai đoạn em dạy tới 20 người, từ TOEFL cho tới toán, hóa học, ai thuê môn gì thì dạy môn ấy. Mỗi tuần, đi dạy cũng mất từ 40-50 giờ đồng hồ.
Tuy nhiên, em cũng không đặt nặng vấn đề thù lao mà chỉ muốn giúp đỡ, hướng dẫn cho họ. Số tiền nhận được cũng đủ giúp em trang trải tiền thuê phòng chung cư.
Vân có thể chia sẻ về những dự định trong tương lai của mình?
Em có một mong muốn làm một điều gì đó để có thể cống hiến cho đất nước mình. Có thể sau này, em sẽ làm cho một công ty nước ngoài có chi nhánh ở Việt Nam, hoặc làm một công ty nào đó mà có thể được đi công tác ở Việt Nam thường xuyên.
Lần này về Việt Nam, cũng có có kinh nghiệm du học nên em rất muốn nhân dịp này có thể cống hiến, chia sẻ cho các bạn trẻ thêm thông tin về du học thông qua việc tổ chức chương trình IM venture.
Cảm ơn Tường Vân!
Xem thêm các bài viết liên quan:
Nữ sinh mặt mộc gây sốt có điểm tổng kết 9,0
Chàng trai đa tài nhận học bổng gần 4 tỷ đồng