Nữ CEO xinh đẹp bật mí cách xin việc “bách phát bách trúng”

Cathy Thảo Trần chia sẻ, chúng ta nên dùng từ “tìm việc” thay vì “xin việc” bởi bản chất của việc này là mỗi người đi tìm công việc và môi trường phù hợp với sở trường, sở thích của mình.

Sau khi ra trường, hầu như tất cả mọi người đều tạo cho mình một bản CV đầy đủ thông tin nhất để tìm kiếm cho mình một công việc mong muốn. Sau đó là sẽ có những phần thi trắc nghiệm, phỏng vấn... và đây cũng là bước quan trọng nhất để nhà tuyển dụng chọn lọc ứng viên, cân đo đong đếm xem ai sẽ là người phù hợp nhất cho vị trí họ cần. 

Vậy phải làm sao để tạo được CV ấn tượng, độc đáo mà vẫn đầy đủ thông tin của bạn?  Khi đối mặt với nhà tuyển dụng, phong thái của bạn ra sao, ăn mặc như thế nào để "lọt mắt" người đối diện? Và nhà tuyển dung thường có những yêu cầu/mong muốn gì về ứng viên của mình ngoài những kiến thức, kỹ năng họ có?

Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn đọc về loạt bài: Tìm việc - Tuyển người để bạn trẻ có thêm những kinh nghiệm, tạo dựng cho mình những kỹ năng mới để có thể "đánh đâu thắng đó" khi đối mặt với nhà tuyển dụng.

Cathy Thảo Trần - CEO Ohana

Cathy Thảo Trần - CEO Ohana

Luôn tự tin trong mọi tình huống

Cathy Thảo Trần (tên thật là Trần Thanh Thảo, sinh năm 1991) là CEO của công ty Ohana – dự án khởi nghiệp chuyên cung cấp ứng dụng kế nối chủ nhà trọ với người đi thuê. Cô từng “gây bão” chương trình “Thương vụ bạc tỷ” mùa 1 (năm 2018) bởi sự sắc sảo và khiến Shark Phú phải thốt lên: “Nhìn em là anh muốn đầu tư rồi”.

Trước khi trở về Việt Nam khởi nghiệp, Cathy Thảo Trần từng có một công việc mơ ước tại Mỹ với mức lương 1,4 tỷ/năm. Ít ai ngờ, khi “chân ướt chân ráo” mới ra trường, cô nàng cũng có trải nghiệm để đời khi đi xin việc.

Nữ CEO 29 tuổi chia sẻ, rời trường đại học, cô xin vào một công việc trái ngành và hồ sơ xin việc không có nhiều dự án liên quan đến công việc mong muốn. Ngoài ra, công ty cô muốn vào làm việc tại Mỹ lại rất hạn chế nhận du học sinh.

Dẫu vậy, cô vẫn nộp hồ sơ xin việc vào đó, không phải vì tự tin mà là vì “chai mặt”. Cùng lúc, cô gửi CV cho rất nhiều công ty với hai mục tiêu, thứ nhất là để có nhiều sự lựa chọn, thứ hai là để cho bản thân luôn bận rộn, không còn thời gian cho mối lo “lỡ trượt phỏng vấn”. Đó được xem là một cách để cô nàng giữ tinh thần lạc quan mỗi khi đến gặp nhà tuyển dụng.

Cô nàng có những trải nghiệm để đời khi đi tìm việc làm 

Cô nàng có những trải nghiệm để đời khi đi tìm việc làm 

Cuối cùng, Cathy Thảo Trần đã trúng tuyển vào công ty cô mong muốn với mức lương hoàn hảo cho một sinh viên mới ra trường. Sau đó, cô đã hỏi người quản lý: “Vì sao công ty lại chọn tôi vì như tôi tìm hiểu thì trước giờ nhân viên của công ty đều là người bản xứ?”.

Vị quản lý đó đáp: “Vì công ty đang phát triển nhanh, chúng tôi luôn tìm người có khả năng suy nghĩ sáng tạo, không bị rập khuôn. Bạn là du học sinh thì vốn dĩ bạn đã có những suy nghĩ khác biệt rồi và bạn cũng thể hiện rất tốt điều này trong lúc phỏng vấn".

Câu trả lời đó khiến Cathy Thảo Trần tự tin hơn rất nhiều về sự khác biệt của mình. Kinh nghiệm cô rút ra là, trong mọi trường hợp không bao giờ được tự ti về bản thân, không nên quá lo lắng nếu mình không giống những thí sinh khác hoặc không có đủ kinh nghiệm cho một vị trí nào đó. Hãy cứ mạnh dạn thể hiện mình và nếu gặp đúng nhà tuyển dụng, họ sẽ trân trọng sự khác biệt của bạn.

“Tôi vẫn nhớ, trong buổi phỏng vấn đó, nhà tuyển dụng có hỏi một câu không hề liên quan đến chuyên môn: “Điều gì trong quá khứ khiến bạn hối hận nhất?”. Các ứng viên khác thường trả lời là không có điều gì trong cuộc sống khiến họ hối hận. Còn tôi khi ấy trả lời rất thật thà: “Có rất nhiều điều khiến tôi hối hận, ví dụ như không kịp nói với một người bạn thân là mình yêu quý họ như thế nào, không nắm lấy cơ hội khi nhận được tài trợ cho một dự án phi lợi nhuận… Những sự hối hận này giúp tôi trưởng thành hơn và xử lý tốt hơn các tình huống trong tương lai”. Có thể, sự thành thật và khác biệt đó cũng là lý do giúp tôi được chọn”, nữ CEO chia sẻ.

“Mọi thứ chỉ là xác suất và bạn chỉ cần 1 sự đồng ý”

Mỗi một đợt xin việc, Cathy nộp CV cho ít nhất 40 công ty. Mỗi ngày cô gửi đơn xin việc đến 5 công ty và trong 8 ngày thì hết danh sách.

Cathy Thảo Trần chia sẻ những kinh nghiệm sâu sắc khi đi tìm việc

Cathy Thảo Trần chia sẻ những kinh nghiệm sâu sắc khi đi tìm việc

Trong số 40 công ty đó, 20 công ty phản hồi, 7 công ty chủ động mời cô đến làm việc, 3 công ty gọi cô đi phỏng vấn… Cô suy nghĩ và chọn 1 trong số đó. Nữ CEO rút ra: “Mọi thứ chỉ là xác suất và bạn chỉ cần 1 sự đồng ý”.

Cathy Thảo Trần đưa ra những việc làm cụ thể cho một lần đi tìm việc:

Trước khi nộp hồ sơ và phỏng vấn

- Tìm hiểu các thông tin cơ bản về công ty

Trước khi đến phỏng vấn hoặc ngay cả trước khi nộp hồ sơ, bạn nên dành thời gian tìm hiểu về nhà tuyển dụng, về lịch sử công ty cũng như các sản phẩm mà họ đang có trên thị trường. Chuẩn bị trước sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt đối với nhà tuyển dụng, đồng thời giúp bạn có cơ sở để đánh giá được bạn có thực sự phù hợp với công ty này hay không.

 - Chuẩn bị cho ngày phỏng vấn

Hãy chuẩn bị trước để có buổi nói chuyện vừa chuyên nghiệp vừa suôn sẻ: giấy nhớ, điện thoại, lựa chọn trang phục phù hợp thể hiện một chút cá tính riêng nhưng không quá sặc sỡ, tinh thần cởi mở, thân thiện, sẵn sàng học hỏi.

Xác định rằng, bạn không đi XIN VIỆC mà đến để giới thiệu về bản thân cũng như tìm hiểu thêm về môi trường công ty cũng như đồng nghiệp nếu chọn làm việc ở đó.

Chuẩn bị kỹ càng là chia khoá để xin việc thành công

Chuẩn bị kỹ càng là chia khoá để xin việc thành công

Trong khi phỏng vấn

- Chuẩn bị phần giới thiệu về bản thân

Bạn nên chuẩn bị sẵn một đoạn cơ bản để giới thiệu về bản thân mình. Bạn cũng nên luyện tập trước ở nhà để phần giới thiệu được trôi chảy và giàu năng lượng. Tập chào hỏi, cười và thể hiện cá tính thông qua phần giới thiệu này.

Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể bằng cách giữ thẳng lưng nhưng không quá gượng. Về giọng nói, không cần quá to nhưng phát âm phải rõ vì điều này thể hiện sự tự tin. Nếu không nghe rõ điều gì, bạn cứ mạnh dạn hỏi lại.

Giữ cho tinh thần thoải mái và đối thoại theo kiểu thân thiện với nhà tuyển dụng, điều này giúp cho họ có cơ hội hiểu thêm về con người của bạn.

- Trả lời câu hỏi theo cách gây ấn tượng

Khi nhận được những câu hỏi về giới thiệu bản thân, kinh nghiệm làm việc trước, đa số các thí sinh sẽ trả lời theo trình tự: Cách đây X tháng, em làm công ty A, vị trí B… Để cho câu trả lời thêm nổi bật, bạn nên chốt lại những điểm chính, kinh nghiệm bạn học được từ vị trí này.

Điều này sẽ giúp cho câu trả lời của bạn thể hiện được quan điểm cá nhân, đồng thời chứng tỏ bạn đã trưởng thành như thế nào từ dự án trước, gây ấn tượng sâu hơn với nhà tuyển dụng.

- Nên học cách kể chuyện tốt hơn từ bây giờ

Các nhà tuyển dụng thường muốn có cái nhìn bao quát về tính cách cũng như đánh giá xem bạn có phù hợp với văn hoá công ty họ hay không. Họ sẽ đưa ra vài câu hỏi ngoài chuyên môn như: Hãy kể về khó khăn lớn nhất trong cuộc đời bạn? Vì sao bạn rời dự án trước? Giá trị nào quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn? Điều gì bạn hối hận nhất về quá khứ?

Để trả lời cho câu các câu hỏi này, bạn nên sử dụng kinh nghiệm sống thật của mình và chia sẻ thành thật những gì bạn đã học cũng như chưa học được từ quá khứ.

- Khi không có câu trả lời hoặc chưa có kỹ năng nhà tuyển dụng tìm kiếm

Thẳng thắn thú nhận là bạn không có. Bạn có thể chia sẻ thêm là bạn sẽ tìm hiểu ngay sau buổi phỏng vấn và nếu họ chấp nhận, bạn sẽ gửi email để trả lời chi tiết hơn.

Điều này thể hiện sự trung thực, khiêm tốn cũng như tinh thần tìm tòi, phấn đấu và sẽ không bỏ cuộc tìm ra giải pháp.

Không nên quá lo lắng trong khi phỏng vấn xin việc 

Không nên quá lo lắng trong khi phỏng vấn xin việc 

Sau khi phỏng vấn

Sau khi phỏng vấn, bạn nên viết email cảm ơn ngay trong ngày và khoảng 5 đến 7 ngày sau chủ động hỏi thông tin về kết quả phỏng vấn.

Không nên quá lo lắng về cuộc phỏng vấn mà nên dành thời gian để đến phỏng vấn những công ty khác.

Cathy Thảo Trần chia sẻ thêm, chúng ta nên dùng từ “tìm việc” thay vì “xin việc” bởi bản chất của việc này là mỗi người đi tìm công việc và môi trường phù hợp với sở trường, sở thích của mình.

Nhà tuyển dụng cần nhân lực mới để đóng góp vào sự phát triển của công ty, cũng như ứng viên cần công việc để phát triển bản thân và làm ra giá trị có ích. Đây là sự trao đổi hợp tác đến từ hai bên.

“Có rất nhiều trường hợp tôi biết, nhà tuyển dụng tìm được ứng viên phù hợp với đội có sẵn, họ sẵn sàng tạo ra vị trí hoàn toàn khác với vị trí mà họ đang tuyển dụng để chọn ứng viên đó”, Cathy nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Chỉ cần trả lời “có” 1 trong 3 câu hỏi sau, Shark Linh khuyên bạn nên đổi việc ngay lập tức

Shark Linh khẳng định, chỉ cần trả lời “có” 1 trong 3 câu hỏi này thì dân công sở nên mau chóng nộp đơn nghỉ việc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Tìm việc - Tuyển người Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN