Nữ 9x để đầu trọc: Rất "ngông" nhưng cũng rất ngoan
Cô gái nổi tiếng vì cạo trọc đầu cho biết có nhiều thành tích trong học tập, đi chơi luôn về sớm, luôn lễ phép với người lớn... Cô biết giới hạn của cái "ngông" để không gây ảnh hưởng tới người khác.
Nguyễn Thị Mai Huệ, sinh năm 1994, sinh viên Học viện Nghệ thuật, Thiết kế và Sáng tạo ADC, TP.HCM là nhân vật cá tính khiến dân mạng bình phẩm trong suốt tuần qua bởi hành động cạo trọc đầu của mình. Cô gái 9x chia sẻ, cắt tóc đơn giản là để "thử" giới hạn cái "ngông" của bản thân.
9x cắt tóc là để thử giới hạn cái "ngông" của mình
Dưới góc độ là một cô gái cá tính, đam mê thuật, bạn quan niệm thế nào về cái đẹp?
Mình quan niệm, cái đẹp là “cái riêng”, độc và lạ. Mình nhìn cái đẹp hàng ngày đến mức bị bão hòa, không còn thấy đẹp nữa. Trái lại, khi đứng trước cái tầm thường, quái dị, khiếm khuyết, đôi khi không vừa mắt số đông thì bỗng nhiên lại thấy nó đẹp lạ thường.
Có thể do đam mê nghệ thuật nên quan niệm của mình về cái đẹp có nhiều khác biệt. Mình luôn thích đi tìm giá trị cái đẹp từ những gì tầm thường nhất, những cái xấu nhất. Với mình, cái đẹp chính là “nét riêng” của những thứ xấu xí đó.
Việc một năm thay đổi 10 kiểu tóc và mới đây nhất là cạo trọc đầu là cách bạn thể hiện quan niệm về cái đẹp đó?
Đó là cách mình đi tìm “nét riêng” của bản thân.
Bỗng nổi tiếng vì hành động cạo trọc đầu, bạn có gặp nhiều rắc rối?
Mình cũng gặp khá nhiều rắc rối khi bị một số người làm phiền. Rồi khi ra ngoài thì bị mọi người soi mói, chỉ trỏ, đôi người còn kỳ thị cho rằng, mình không bình thường. Mình cảm thấy như bị tước mất quyền tự do cá nhân.
Tuy nhiên, những rắc rối đó là rất nhỏ so với những gì mình có được. Mình cảm nhận được sự thoải mái khi đã thực hiện được mơ ước của bản thân sau hai năm suy nghĩ.
Nhưng trước khi cắt tóc, chẳng lẽ bạn không lường trước được phản ứng của mọi người sẽ khắt khe như vậy?
Mình chỉ nghĩ đơn giản, cắt tóc là điều mình thích, mà thích thì làm không ảnh hưởng đến ai, không tạo ra trào lưu gì, cũng không khuyến khích ai làm.
Trước đó, mình có nói với mẹ và bạn bè là mình sẽ cắt tóc. Nhưng không ai tin, chỉ nghĩ mình đùa cho vui. Khi mình về nhà với quả đầu không còn tóc, ai cũng "đứng hình". Nhưng rồi mọi người đều hiểu và ủng hộ. Mẹ mình chỉ nói nhẹ nhàng rằng: "Con có thể làm việc gì con thích nhưng không được phép ảnh hưởng đến ai".
Mai Huệ tự tin, ngay cả khi để đầu trọc vẫn rất có nhiều người theo đuổi
Bạn tự nhận mình là cô gái thích "nổi loạn" từ nhỏ, cụ thể như thế nào?
Mình thì nhiều cái "nổi loạn" lắm. Ví dụ như khi học tiếng Anh, cô giáo phát âm sai hoặc viết sai chính tả, mình góp ý mà cô thể hiện thái độ thì mình sẵn sàng không theo lớp học tiếng Anh đó nữa. Mình hay đi giày, có khi mình đi giày với áo dài, có khi mình mặc áo dài mà đi Dr marten (giày cao cổ).
Các học sinh khác thì bọc sách, vở bằng những xấp giấy xinh đẹp, hoa văn, còn mình thì tự vẽ lên bìa vở hoặc chụp những hình streetlife rồi dán lên.
Từ khi còn là học sinh lớp 5, mình đã nghĩ đến việc sẽ tậu vài hình xăm. Và 5 năm sau, khi lên lớp 10, mình đã biến ước mơ đó thành hiện thực. Ngay cả việc cắt tóc, mình cũng đã nghĩ đến cách đây 2 năm.
Tóm lại, mình chỉ yêu những gì mang “nét riêng” của bản thân. Dù điều gì tất cả mọi người cho là đúng mà mình thấy sai thì mình cũng không nghe và làm theo.
Trước đó, Huệ để kiểu tóc Dreadlock rất cá tính
Bạn có thể chia sẻ về ý nghĩa của những hình xăm trên cơ thể?
Mình đang có ba hình xăm, mình xăm từ năm 16 tuổi. Đó là một ngôi sao lớn, một ngôi sao nhỏ và hai chiếc lá cùng vị trí.
Ngôi sao lớn có vắt một tấm vải ghi “what you give is what you get”, nghĩa là cho đi cái gì sẽ nhận lại được cái đó. Ngôi sao nhỏ mang ý nghĩa mong chờ, hy vọng. Và mình coi cuộc đời giống như chiếc lá, mong manh nhưng chung thủy.
Mình sẽ còn xăm hình nữa, nhưng khi nào có công việc ổn định mới thực hiện. Những hình xăm đó sẽ do mình thiết kế và thợ xăm sẽ phải là những người bạn thân thiết. Như vậy, nó sẽ mang ý nghĩa thiêng liêng chứ không đơn giản chỉ là hình xăm thông thường trên da thịt.