NTK Đức Hùng: Tôi dị ứng với hai từ "trai đẹp”

Omar chưa thật sự đặc biệt để được gọi là “trai đẹp”, càng không đến mức “bị trục xuất” vì quá đẹp trai.

Chúng tôi đã rất khó khăn để tiếp cận với nhà thiết kế Đức Hùng để được nghe anh chia sẻ về “cái đẹp” và bàn luận về câu chuyện “chàng trai bị trục xuất” Omar. Nhưng khi được ngồi cùng anh trong một buổi sáng mùa thu se lạnh, được nghe anh chia sẻ về những điều đó, mới thấm thía được từ “đẹp” đáng giá đến nhường nào.

Là một nhà thiết kế nổi tiếng, rất chú trọng đến từng chi tiết trong sản phẩm của mình, anh quan niệm như thế nào về cái đẹp, nhất là vẻ đẹp của con người?

Quả thực, định nghĩa về cái đẹp quá rộng và sâu. Tôi nghĩ rằng không có chuẩn mực nhất định nào cho cái đẹp. Với mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi vùng miền, mỗi nền văn hóa, quan niệm về cái đẹp lại có sự khác nhau, tùy thuộc vào từng góc nhìn, từng thời kì lịch sử.

Và đặc biệt, suy nghĩ về cái đẹp chẳng ai dạy được ai. Có những thứ rất đời thường, thậm chí là vô hình nhưng lại có thể chạm đến cảm xúc của con người. Đó mới chính là vẻ đẹp thực sự.

Còn vẻ đẹp của con người. Có thể bạn cho tôi là lý thuyết, nhưng với tôi vẻ đẹp về tâm hồn chính là điều quan trọng nhất. Người xưa chẳng nói “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Nhưng “hình như” bây giờ, giới trẻ quan tâm đến “nước sơn” hơn là “gỗ” (!?).

Anh có thấy “trai đẹp bị trục xuất” Omar và ba chàng trai họ Lưu gốc Việt là mẫu người đàn ông đẹp (ngoại hình). Và nếu đẹp thì họ đẹp ở điểm nào thưa anh?

Tôi không biết đến ba chàng trai gốc Việt họ Lưu mà bạn vừa nói. Nhưng với Omar, tôi thấy vẻ đẹp đó chỉ “lạ” chứ chưa xuất sắc. Với đôi mắt thẳm sâu, sống mũi cao, bộ râu quai nón và chiếc khăn quấn quanh đầu, anh chàng đó có vẻ huyền bí. Nhưng để được gọi là mẫu người đàn ông đẹp thì chưa.

Tôi đã từng đến nhiều nơi trên thế giới, cũng được biết về vẻ đẹp đặc trưng của con người ở nhiều dân tộc. Quả thực, Omar chưa thật sự đặc biệt để được gọi là “trai đẹp”, càng không đến mức “bị trục xuất” vì quá đẹp như báo chí gần đây nói đến. Với người Việt, anh chàng này chỉ giống như một “món ăn lạ” chứ chưa phải là một “món ăn ngon”.

NTK Đức Hùng: Tôi dị ứng với hai từ "trai đẹp” - 1

NTK Đức Hùng cho rằng: "Vẻ đẹp thực sự của một con người phải có được sự kết hợp giữa ngoại hình và tài năng"

Có ý kiến cho rằng, “trai đẹp bị trục xuất Omar” có thể rất đẹp trong mắt người Việt nhưng trong mắt người Tây thì chưa hẳn đã vậy. Anh nghĩ sao về điều này? Và theo anh thế nào là đẹp theo tiểu chuẩn Việt, thế nào là đẹp theo tiêu chuẩn Tây?

Tôi dị ứng với hai từ “trai đẹp”. Omar cũng vậy thôi.

Còn về tiêu chuẩn đẹp của người Việt và người Tây, tôi nghĩ không nên dùng từ “tiêu chuẩn”, hãy chỉ gọi đó là “góc nhìn” thôi. Theo tôi thì với người Châu Á nói chung và người Việt nói riêng, người đàn ông chỉ cần một làn da vàng nhẹ, một nụ cười sáng đã đủ để được gọi là đẹp rồi. Còn với phương Tây thường người ta thích đàn ông có màu da ô liu, cặp mắt xanh thủy và hàm râu quai nón… Nhưng cái đẹp còn tùy thuộc vào cảm nhận và góc nhìn của mỗi người, không có bất cứ một tiêu chuẩn nào cho nó hết.

Chàng trai Ả Rập Omar không hẳn có vẻ đẹp nam tính, mạnh mẽ như Beckham, lại không có sự tỏa sáng như những ngôi sao Hollywood. Với anh, Omar đến Việt Nam tại sao lại có được sự quan tâm thái quá như vậy?

Như tôi nói ở trên, anh ta là một “món ăn lạ” đối với người Việt. Nhưng để mang anh ta ra đó ra để so sánh với những tên tuổi khác thì không thể.

Vẻ đẹp thực sự của một con người phải có được sự kết hợp giữa ngoại hình và tài năng. Ngoại hình đẹp mà có tài năng thì đó mới thực sự là đẹp. Beckham và các ngôi sao Hollywood họ làm được việc đó. Nhưng quan trọng hơn vẻ đẹp ngoại hình thì họ đã có những đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước và thế giới, ít nhất là ở lĩnh vực họ đang theo đuổi. Còn với Omar, nếu có đẹp thì cũng chỉ đẹp bề ngoài mà thôi.

Trước đây, giới trẻ rất ngưỡng mộ các ca sĩ, diễn viên nước ngoài vừa đẹp trai, vừa tài giỏi. Nhưng chàng trai bị trục xuất Omar trong khi chưa có những thành tựu nổi bật trong sự nghiệp vẫn được công chúng đặc biệt quan tâm. Phải chăng trào lưu và gu thẩm mỹ của giới trẻ Việt đã thay đổi khi chuyển hướng từ thần tượng sang “trai đẹp”?

Với tôi thì đây là một tín hiệu buồn của giới trẻ ngày nay.

Vậy anh muốn nhắn nhỉ gì với giới trẻ hôm nay trong quan niệm về “cái đẹp”?

Không biết các bạn trẻ nghĩ sao nhưng với tôi, con người ai cũng có khao khát được thưởng thức cái đẹp. Chỉ có điều vẻ đẹp mà con người khát khao đó không phải là những thứ các bạn đang tìm kiếm và chạy theo.

Có phải anh đang nói về anh chàng Omar đó?

Bạn đang nói về Omar nhiều hơn tôi (Cười). Tôi chỉ muốn nói rằng, vẻ đẹp của người đàn ông phải được khẳng định bằng tài năng chứ không phải bằng nhan sắc.

Theo anh, có cái gọi là “chuẩn mực cái đẹp mang tính toàn cầu” hay không? Và nếu có thì đó là gì?

Tôi không đủ “trình” để trả lời câu hỏi này (ngạc nhiên).

Nếu có thì “chuẩn mực vẻ đẹp toàn cầu” đó không phải là những “trai đẹp” hay những “Upa”, “bình hoa di động” mà giới trẻ hiện nay đang chạy theo.

Cảm ơn anh về những chia sẻ rất thú vị. Chúc anh luôn thành công trên con đường sự nghiệp của mình!

"Trai đẹp" đâu có đẹp trai?

Dân mạng chế ảnh trai đẹp và vụ Andrea

Vẻ đẹp hút hồn của chàng trai bị trục xuất

"Chàng trai bị trục xuất" háo hức tới Việt Nam

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Lịch ([Tên nguồn])
Chàng trai bị trục xuất sang Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN