Nỗi niềm sinh viên ở lại làm thêm ngày tết
Bạn bè đa phần về hết, sau một ngày làm việc, các sinh viên trở về phòng trọ và thui thủi một mình.
“Xuân này con không về”
Chỉ còn mấy ngày nữa là học sinh, sinh viên trên cả nước được nghỉ học về quê ăn Tết. Trái với vẻ háo hức thu xếp đồ đạc để về nhà nghỉ Tết bên gia đình của các bạn cùng phòng, Thu, quê ở Quảng Ngãi, sinh viên năm nhất trường ĐH Bách Khoa cho biết, Tết này sẽ không về quê mà ở lại tìm việc làm thêm.
Với ánh mắt ậc nước, Thu chia sẻ: “Quê em vừa bị bão hành, nhà cửa tang hoang hết. Để có tiền hàng thàng gửi lên Hà Nội cho em, bố mẹ em đã phải chạy vạy khắp nơi. Tết đên, mẹ em cũng phải mượn thêm tiền để em có tiền đi mua vé xe. Nhưng…thôi, năm nay chắc em ở lại làm thêm để đóng tiền học phí cho kì tới. Đồ đạc nhà em bị lũ cuốn trôi hết rồi. Nếu làm được nhiều thì em gửi về gia đình một chút”.
Cùng chung hoàn cảnh với Thu là Tùng, quê ở Bình Định, SV trường ĐH Thương Mại, cũng như bao người dân miền Trung khác, gia đình Tùng cũng gánh chịu nỗi đau đớn, mất mát do bão gây ra. Ngoài thiệt hại về vật chất, trận bão vừa qua đã cướp đi người mẹ Hiền của Tùng.
“Năm nay nhà em không có Tết, mẹ là lao động chính trong gia đình, bố em thì đau ốm suốt, lại bị bệnh thần kinh toại nên không làm được gì, em gái em đang học lớp 11 ở nhà, 2 tháng nay rồi em phải đi làm thêm để lấy tiền trang trải việc học của mình và gửi tiền về nhà nuôi em gái với bố. Tết năm nay e ở lại Hà Nội làm thêm, kiếm được thêm đồng nào hay đồng đó, em làm trông xe ở 1 quán pi-a, họ nói ai ở lại làm Tết thì lương sẽ tăng gấp đôi nên e phải tranh thủ. Biết bố và em gái ở nhà sẽ buồn, nhưng biết làm sao được, về nhà coi như cả nửa tháng không kiếm ra tiền, lại còn mất thêm chi phí đi lại...”, Tùng tâm sự.
Không chỉ là nỗi lo về việc gặp rủi ro khi xin việc làm thêm dịp Tết, những bạn SV ở lại làm thêm còn phải đối mặt với nỗi buồn (Ảnh minh họa)
Và những rủi ro
Dạo quanh một số con đường, các trụ điện hoặc trên các bảng thông báo dễ dàng bắt gặp những tờ thông báo tuyển dụng hấp dẫn vào dịp Tết. Tại các bến xe, các đường ĐH, CĐ, những nơi đông đúc người qua lại đều có rất nhiều người phát tờ rơi, với những lời mời chào cực kỳ hấp dẫn: “Việc nhẹ lương cao, nhận việc ngay, lương trả đúng hẹn sau khi làm xong việc, làm ngày 2-3 tiếng, uy tín, đảm bảo không mất tiền phí… mọi chi tiết xin vui lòng liên lạc tới số điện thoại…”.
Thấy công việc có vẻ tốt nên nhiều SV chủ động liên lạc, đến nơi nhiều bạn tá hỏa khi biết nếu muốn nhận việc ngay thì phải nộp một số tiền. Chấp nhận tốn phí để có được công việc hậu hĩnh kia, nhưng sau khi nộp tiền thì một số trung tâm hẹn ngày khác tới để đưa địa chỉ, hoặc bảo rằng trong 1, 2 ngày sau sẽ liên hệ lại. Và những lần gặp thứ 2, thứ 3 nhiều bạn SV bị yêu cầu phải nộp thêm 1 số khoản. Đến nước này nhiều bạn đã biết mình đã bị lừa nhưng đành cắn răng chịu đựng.
Một số bạn đã từng đi làm thêm vào dịp Tết này chia sẻ lại kinh nghiệm cay đắng của mình. Bạn N.Loan (SV năm 2 ĐH KT) cho hay: "Vì sợ bị lừa nên mình chủ động tìm việc, nói chuyện trực tiếp với chủ luôn. Cuối cùng thì mình cũng tìm được một công việc rất tốt là làm mứt trong vòng một tháng, cứ nửa tháng sẽ trả lương một lần, ngày làm 3 tiếng tháng 2.500.000 đồng, 2 tuần trả một nữa số lương. Thấy hấp dẫn quá, mình đăng ký làm liền.
Thế mà sau khi công việc kết thúc thì mình được hẹn ngày tới lấy nốt số lương còn lại. Sau nhiều lần hẹn mà vẫn không thấy gì, lúc nào cũng nhận được lý do để khất. Biết mình không bị quỵt tiền mà không làm được gì người ta nên mình cảm thấy rất tức. Rút kinh nghiệm, năm nay mình sẽ nhờ bạn bè giới thiệu những người quen, đáng tin cậy hơn."
Không chỉ là nỗi lo về việc gặp rủi ro khi xin việc làm thêm dịp Tết, những bạn SV ở lại làm thêm còn phải đối mặt với nỗi buồn. Ngày tết, Hà Nội rất vắng. Bạn bè đa phần về hết, sau một ngày làm việc, các sinh viên trở về phòng trọ và thui thủi một mình. Bấy giờ cảm giác nhớ nhà và tủi thân lại ùa vê. Nhiều bạn chia sẻ: "Mỗi khi gọi điện về quê hay ba mẹ gọi vào hỏi thăm, tụi em chỉ nói chuyện vài câu rồi bảo bận để tắt máy. Nói lâu sợ không kiềm được sẽ khóc qua điện thoại... Đôi khi nằm mơ, thấy mình xách ba lô về quê, tỉnh dậy thấy nước mắt tràn ra gối rồi… Chỉ mong sao bạn bè về quê sớm lên để đỡ buồn.."
Kinh nghiệm kiếm việc an toàn
Thường thì vào những ngày này, để tránh khỏi những chiêu trò lừa gạt và bóc lột sức lao động của sinh viên, các bạn SV nên tìm việc ở những nơi quen hay có sự hỗ trợ tư vấn của một số trung tâm trên địa bàn thành phố.
Hạn chế tối thiểu việc chấp nhận đóng phí để được nhận làm việc bởi vì đó rất có thể là hình thức lừa gạt sinh viên quen thuộc. Cần mạnh dạn, thẳng thắn trao đổi về việc làm, quy định, chế độ lương với những ông chủ, quản lí để có quyết định đúng đắn. Dứt khoát không nhận lời với những công việc có quy định mập mờ.
Thời gian này, tùy theo điều kiện của một số bạn mà có thể làm cách việc như: làm phục vụ, chở thuê bình ga tới các hộ gia đình, nhận chở thuê một số mặt hàng, thiết kế những bao lì xì, quà ngộ nghĩnh hay những công việc như trang trí nhà, tỉa cây cảnh ở các gia đình…
Xem thêm các bài viết liên quan: