Nỗi niềm shipper sinh viên thất nghiệp và những câu chuyện ấm lòng mùa dịch
Với mức thu nhập cao từ 5 đến trên 12 triệu đồng/tháng, công việc làm shipper (nhân viên giao hàng) được nhiều bạn trẻ lựa chọn làm partime hoặc fulltime trong những năm gần đây. Đặc biệt là một bộ phận sinh viên muốn kiếm thêm thu nhập đã chọn công việc này với giờ giấc tự do nên dễ sắp xếp thời gian. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã khiến sinh viên làm thêm nói riêng và bạn trẻ nói chung mất thu nhập, một số bạn sống "vạ vật" nhờ mì tôm qua ngày.
Mất thu nhập, gắng gượng ăn mì chờ ngày hết dịch
Xe ôm công nghệ, nhân viên giao hàng là công việc được bạn trẻ lựa chọn để kiếm thêm thu nhập với mức lương dao động từ 200.000 đến 500.000 đồng/ngày tùy vào số giờ hoạt động và số đơn hàng. Với lịch học 1 buổi/ngày của nhiều trường đại học, sinh viên có thể dành một buổi còn lại đi làm thêm để trang trải phí sinh hoạt, tiền ăn, tiền trọ... phụ giúp gia đình. Nhiều bạn có phương tiện cá nhân sẽ dễ dàng lựa chọn làm shipper bán thời gian để thuận tiện về giờ giấc và có thể sinh hoạt thoải mái hơn với mức thu nhập trung bình từ chạy xe.
Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, nhiều bạn trẻ làm shipper mất việc làm thêm, tiền không kiếm được mà lại phải chi trả cho các khoản tiền cố định.
Liên hệ với Vũ Huy Hoàng (sinh năm 2002, quê ở Nam Định) hiện là sinh viên Đại học Mở Hà Nội, em cho biết: "Em làm shipper cho một ứng dụng từ tháng 2 năm nay, phụ thuộc vào lịch học, em sắp xếp chạy xe vài tiếng mỗi ngày cũng được khoảng 200.000 đồng/ngày. Mức thu nhập này đủ để em chi tiêu sinh hoạt và chi trả tiền thuê nhà, tổng cộng khoảng 2,5 triệu đồng/tháng.
Thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố, em buộc phải tạm dừng hoạt động công việc chạy ship. Không có thu nhập, dịch bệnh bố mẹ em cũng không làm ra tiền nên không chu cấp được. Vấn đề lương thực thực phẩm cũng hạn chế, em ăn mì tôm qua ngày, chờ hết dịch để đi làm thêm trở lại. Tiền trọ em được chủ nhà giảm cho một nửa.
Em nhận thấy đây là một công việc mang lại thu nhập khá ổn định nhưng rủi ro cũng rất cao, vì nỗi lo cơm áo gạo tiền nên em cố gắng đợi khi nào hết dịch để đi làm lại".
Sinh viên Vũ Huy Hoàng gắng gượng ăn mì gói qua ngày, chờ hết dịch để được đi làm.
Hết dịch sẽ làm việc khác...
Tuy mức thu nhập của công việc làm shipper, chạy xe công nghệ khá "hấp dẫn", linh hoạt thời gian, nhận tiền ngay trong ngày nhưng tính ổn định và lâu dài của nó cũng khiến nhiều bạn trẻ trăn trở, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài như hiện nay.
Hỏi thăm bạn Vàng Mí Say (quê ở Hà Giang, từng là sinh viên ĐH Luật Hà Nội) đang gắn bó với công việc, chàng trai này cho biết:
"Làm nghề này có "đồng ra đồng vào", tuy nhiên không tiết kiệm được bao nhiêu, thi thoảng mình phải gửi về quê cho gia đình nữa nên cũng chỉ giữ đủ tiền sinh hoạt thôi. Dịch bùng phát, rồi giãn cách nên chắc ai làm trong nghề này cũng gặp khó khăn cả.
Trung bình tháng khoảng 8 đến 9 triệu, trừ đi chi phí sinh hoạt nữa cũng không dư là bao. Dịch bệnh nên mấy anh em cùng quê rủ nhau ở chung cho đỡ, ăn uống sinh hoạt thì cùng nhau mỗi người góp một tí để sống qua đợt dịch này. Cũng may mắn, mình được các bác bên tổ dân phố hỗ trợ được yến gạo rồi mì tôm nên bớt đi được phần nào. Nhưng nếu dịch kéo dài nữa không biết tình hình sẽ ra sao...
Nói chung, mình thấy, công việc này chỉ là tạm thời, không theo lâu dài được, đồng thời cũng có nhiều rủi ro, nguy hiểm. Tình hình dịch phức tạp như hiện nay, chắc đợi hết đợt giãn cách này rồi mình thu xếp về quê, khi nào ổn định sẽ chuyển hướng sang thử sức ở lĩnh vực khác".
Sau khi tốt nghiệp ĐH Luật Hà Nội, Vàng Mí Say rơi vào trạng thái "không biết đi hướng nào" nên đã chọn shipper làm công việc tạm thời để có thu nhập. Theo Mí Say, vì nhiều lý do khác nhau như bản thân có khuyết điểm về giọng nói, sinh ra ở vùng núi, công nghệ thông tin không được tiếp xúc nhiều... nên đã gặp nhiều khó khăn khi đi xin việc theo đúng chuyên ngành.
Trò chuyện thêm với anh Nguyễn Hoàng Duy (sống tại Cầu Giấy, Hà Nội) đã chạy giao hàng nhiều năm, anh tâm sự: "Khó khăn hiện tại của mình là tiền không "đẻ" ra tiền mà hàng ngày vẫn phải chi trả tiền ăn tiền điện tiền nhà. Và mình xoay sở bằng cách đập con lợn đất bé mà đầu năm dành dụm mỗi ngày tiết kiệm vài chục nghìn bỏ vào nuôi. Cũng được hơn 4 triệu để cố gắng trang trải ngày dịch. Ăn uống tằn tiện để chờ ngày hết lệnh giãn cách.
Mình cũng chỉ biết chấp nhận khó khăn và chấp hành nghiêm quy định. Tuy không góp được công sức gì to lớn nhưng cũng không nên vì lợi ích cá nhân làm ảnh hưởng tới công tác phòng chống dịch của biết bao con người ở tuyến đầu.
Mình sẽ nghỉ công việc này sau khi hết dịch bởi hao tổn sức khỏe, tương lai không chắc chắn. Đối với những người có chí tiến thủ, quãng thời gian làm shipper là "bàn đạp" để tích lũy kinh nghiệm cho cuộc sống, định hình tương lai sau này, nhưng cũng không nên bị "mờ mắt" bởi thu nhập ban đầu.
Từng học chuyên ngành Kế toán của một trường Cao đẳng, mình dự định sẽ phát triển và bắt đầu với một công việc khác ổn định và lâu dài hơn".
Bạn trẻ kể chuyện ấm lòng mùa dịch khi được anh shipper giúp đỡ
Chia bớt phần lương thực của mình được ba mẹ gửi ở quê tiếp tế cho một cô gái xa lạ đang cần sự giúp đỡ khi đang ở trong vùng phong tỏa, anh shipper đã nhận được nhiều lời khen khi câu chuyện này được lan tỏa trên mạng xã hội. Một tài khoản chia sẻ trên một hội nhóm: "Hồi trước mình tưởng sẽ đỡ cực hơn vì đường phố thông thoáng, shipper chỉ cần phóng xe chạy một đường. Ai ngờ tránh được tắc đường thì 7749 khó khăn khác, chẳng hạn khách đột ngột bị đưa đi cách ly hay thời gian đứng chờ mua hàng cũng lâu gấp 3, gấp 4 lần so với ngày thường.
Như anh shipper ruột nhà mình nè, hứng hết mấy cái khổ trên, vậy mà anh không kêu la than thở gì hết. Nhất là đợt trước mình tranh thủ đặt khá nhiều đơn trên mạng, đề phòng chẳng may không đặt được hoặc hàng tăng giá, anh vẫn cố giao đúng hẹn cho mình.
Nhớ nhất một chuyện nhà mình tự dưng bị phong tỏa, thực phẩm chỉ đủ dùng cho mấy ngày. Tuy cô chú chủ nhà và hàng xóm có hỗ trợ nhưng mình cũng ngại nhờ vả nhiều. Thế là có lần mình đánh liều nhắn anh shipper nếu giao hàng cho mình thì mua giùm mình thêm đồ ăn. Mình không dám nhờ anh mua nhiều, chỉ nhắn anh mua được gì thì cứ mua.
Không ngờ đến lúc đi ra lấy hàng mình thấy mấy túi rau to, lại cả 1 hộp cá và 1 hộp thịt nữa. Mình định nhắn tin hỏi có phải anh giao nhầm không thì đã thấy anh nhắn trước cho mình "ba má anh tiếp tế cho anh nên anh gửi em một ít, chứ bây giờ đi mua cũng khó, anh sợ không kịp giao cho em rồi tối nay em không có gì ăn". Đọc mà cảm động thật sự. Ngày giãn cách khó khăn mà gặp được shipper tốt như vậy đúng là quý nhân của mình mà".
Đoạn hội thoại của anh shipper và khách hàng xa lạ ấm áp nghĩa tình.
Chia sẻ thêm với PV về câu chuyện "anh dân quân làm shipper bất đắc dĩ", bạn Quách Hoàng Lam kể: "Mình sống ở đường 17, phường Linh Chiểu, Thủ Đức, TP HCM và bị phong toả từ ngày 23/07. Trước đó 2 ngày, mình đi chợ sớm hơn ngày thường, bình thường mình sẽ có đem một ít tiền mặt nhưng lúc đó anh trai mình có lấy tiền mặt của mình và quên để lại, nên mình chỉ thanh toán thẻ.
Mình mua khoai tây và tỏi tổng là 17.000 nhưng nhân viên bảo tổng số tiền quá ít nên không cho mình thanh toán thẻ, lúc đấy mình định quay vào mua thêm thì anh khách đứng cạnh mình nói “để anh tính tiền cho em”, mình cũng ngại và không nhận nhưng anh nhờ nhân viên thanh toán đồ của mình với đơn của anh ấy. Mình xin số điện thoại để kết bạn zalo và đã chuyển lại số tiền đó.
Mình cảm ơn anh nhiều lắm, anh bảo mình “chẳng lẽ vì có mười mấy nghìn mà bắt em phải chạy về nhà lấy tiền”, đấy là câu nói ấm áp nhất từ một người lạ mà mình từng nhận được. 2 hôm sau, mình bị phong toả mà không kịp dự trữ gì cả, đánh liều nhắn tin nhờ đi chợ mua đồ hộ mình, anh không những mua hộ mà còn cho thêm mình rau củ nữa. Anh giúp đỡ mình được tầm 3 lần thì về quê, và ngay hôm đó thì mình biết anh là dân quân.
Và những ngày phong tỏa sau đó, mình cũng nhận được sự giúp đỡ từ 2 anh dân quân khác, sẵn sàng đi mua đồ giúp mình khoảng 5 lần cho đến khi hết phong tỏa và tặng thêm đồ ăn cho mình. Thực sự, mình cảm thấy rất ấm áp khi nhận được sự giúp đỡ từ những người xa lạ và muốn gửi lời cảm ơn đến họ".
Nguồn: [Link nguồn]
"Từng chụp ảnh rất nhiều nhưng người đem lại cảm xúc và hạnh phúc nhất cho mình khi chụp chính là mẹ" - Nguyễn...