Nỗi lòng phụ nữ “cải tạo” chồng lười
Nhiều phụ nữ cho biết họ đã nói những lời ngon ngọt, thậm chí khóc lóc hay làm ầm ỉ lên nhưng chồng vẫn cứ ì ra.
“Khi chúng tôi nêu câu hỏi “Việc nhà là của ai?”, rất nhiều người trả lời “Chuyện của phụ nữ”, chỉ một số ít cho rằng đó là việc của cả vợ lẫn chồng” - bà Nguyễn Thị Tâm An, Chủ nhiệm CLB Xây dựng Gia đình hạnh phúc tại TP HCM, cho biết.
Lười... chảy thây
“Trước đây, tôi nghĩ mình hạnh phúc lắm khi lấy được một người chồng ga lăng nhưng đó là chuyện khi còn đang yêu. Còn hiện tại, tôi có một anh chồng lười chảy thây”- chị Minh Hạnh - nhân viên một ngân hàng tại quận 3, TP HCM - ta thán.
Sau 8 giờ làm việc ở ngân hàng, chị Hạnh phải tranh thủ từng phút về cho kịp đón con. Xong, chị phải len lỏi giữa dòng người và xe cộ để ghé qua chợ mua thức ăn. Về đến nhà, chưa kịp thay bộ đồ công sở, chị đã vội đổ đống đồ chơi ra cho con tự chơi rồi tất bật nấu cơm, lặt rau. Anh Bình, chồng chị, cứ nấn ná ở lại cơ quan chờ cho qua giờ cao điểm mới về nhà để tránh cảnh ùn tắc. Về đến nhà, anh tắm rửa rồi ngồi trước ti vi đợi vợ dọn cơm lên chứ chẳng phụ giúp một tay. Cơm nước xong, anh cũng không rời mắt khỏi ti vi vì đã đến giờ xem thời sự...
“Nhiều lúc tôi góp ý thì anh ấy cau có, gắt gỏng, cho rằng đàn bà làm tí việc nhà đã than. Cứ tình trạng này kéo dài, tôi không biết mình có thể đủ sức cáng đáng đến bao lâu!” - chị Hạnh bức xúc.
Là cô gái trẻ lại đi du học về nên Thúy Loan - thư ký giám đốc của một công ty mỹ phẩm tại quận 1, TP HCM - cho rằng vợ chồng phải cùng nhau san sẻ việc nhà. Trước khi cưới, Loan buộc chồng cam kết thực hiện điều này nhưng cô “vấp” ngay mẹ chồng. Ngày đầu tiên Loan mới về, mẹ chồng cô đã kêu con dâu ra dặn: “Con bảo chồng làm việc gì cũng được nhưng đừng sai làm việc nhà, đàn ông phải lo những thứ lớn lao hơn”.
“Tôi đành ngậm ngùi để chồng ngồi chơi trong khi mình cắm mặt vào một đống việc không tên. Khi tôi mang thai đến tháng thứ 8, hễ nhờ anh ấy rửa chén bát thì mẹ chồng lại bảo: “Để đó cho mẹ”. Đến mức này thì tôi biết khó mà thay đổi được anh ấy vì có sự “bảo kê” của mẹ chồng” - Loan rầu rĩ.
Không phải anh chàng nào cũng dễ dàng thay đổi vì vợ (Ảnh minh họa)
Không dễ thay đổi
Chồng san sẻ việc nhà để vợ có thời gian nghỉ ngơi, làm đẹp, gặp gỡ bạn bè… là điều ao ước của bao phụ nữ nhưng không phải ai cũng gặp được. Trước tình cảnh này, nhiều chị em không chịu thua mà quyết tâm “cải tạo” chồng lười.
Chị Hạ Uyên - hướng dẫn viên một công ty du lịch tại quận 5, TP HCM - chia sẻ “bí quyết” thay đổi chồng lười của mình: “Tôi đã viết cho anh ấy một email thật nồng nàn, tình cảm: “Anh yêu! Nếu anh giúp đón con, em sẽ có nhiều thời gian chọn thức ăn mà anh thích, bữa cơm gia đình mình cũng sớm hơn. Nếu anh phụ em rửa chén bát, lau bàn sau khi ăn, chúng mình có thể cùng nhau xem chương trình ti vi yêu thích…”. Không ngờ, sau khi anh ấy xem email này, kết quả thay đổi đến tuyệt vời”.
Song, không phải anh chàng nào cũng dễ dàng thay đổi. Nhiều phụ nữ cho biết họ đã nói những lời ngon ngọt, thậm chí khóc lóc hay làm ầm ỉ lên nhưng chồng vẫn cứ ì ra. Chị Mỹ Trinh, phóng viên của một tờ báo, kể: “Chồng có công việc, vợ cũng có công việc. Chồng đi kiếm tiền, vợ cũng đi kiếm tiền thì tại sao vợ phải ôm hết việc nhà? Vợ chồng tôi thống nhất với nhau: Chiều về thì vợ nấu ăn, chồng rửa chén. Chồng không rửa chén thì sáng dậy sớm làm chứ vợ nhất quyết không rửa thay”.
Bà Bùi Thanh Huyền, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP HCM: Phụ nữ làm việc nhà gấp 4-5 lần đàn ông Theo Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ, phụ nữ thành thị làm việc nhà gấp 2-3 lần đàn ông, còn phụ nữ nông thôn gấp đến 4-5 lần. Sở dĩ có sự bất công này là do đa số đàn ông Việt có tính gia trưởng, cho rằng mình phải làm việc lớn, việc nhà là của phụ nữ. Tuy nhiên, đàn ông làm việc nhà sẽ không hèn đi, ngược lại còn rất đáng yêu trong mắt vợ, góp phần giữ gìn hạnh phúc gia đình. |
Xem thêm các bài viết liên quan: