Nỗi lo tiền mừng tuổi ngày Tết

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Khi tới chúc Tết nhà sếp thì phải tiền to, tới nhà đồng nghiệp thì mệnh giá nhỏ hơn…

Mừng tuổi là một trong những phong tục không thể thiếu được trong ngày Tết cổ truyền. Thông thường, tiền mừng tuổi được nhét vào trong một phong bao lì xì màu đỏ, dành cho trẻ con mong mang lại may mắn và xua đuổi tà ma. Thế nhưng, tiền mừng tuổi ngày càng biến tướng và trở thành một nỗi lo mỗi độ Tết đến, xuân về bởi, số tiền trong bao lì xì ứng với tấm lòng của người lì xì, thậm chí cả những toan tính mà người mừng tuổi gửi gắm.

Nhớ lại lúc còn là học sinh tiểu học, tôi nhận được rất nhiều bao lì xì đỏ. Đối với tôi, tuổi thơ là điều gì đó thiêng liêng, Tết là sự mong đợi, háo hức những gói lì xì đỏ. Giây phút bóc chiếc lì xì không phải cân, đo, đong, đếm xem được bao nhiêu, mà đó là cái cảm giác háo hức khi nhận được quà của người lớn tặng, dù nó không nhiều. Đó chỉ là những tờ một nghìn, hai nghìn, sang lắm là năm nghìn nhưng trong đó là vô vàn những tình cảm xuất phát từ trái tim chân thành.

Sáng mồng hai, tôi sang ngoại, nhìn đám cháu nhỏ nhận những phong bao lì xì, háo hức mở và vô tư bình luận: “Cô Nga mừng tuổi có mười nghìn bọ. Thua cô Hà mừng tuổi những năm mươi nghìn”. Tôi thoáng phút chốc giật mình bởi lẽ mấy đứa cháu vẫn còn đang học cấp I đã biết đong đếm tiền bạc. Tôi không hiểu sau này chúng lớn lên sẽ như thế nào khi mà ngay từ nhỏ đã có những ứng xử coi trọng đồng tiền hơn tấm lòng, tình cảm của người mừng.

Nỗi lo tiền mừng tuổi ngày Tết - 1

Tiền mừng tuổi đo, đếm tấm lòng thành của người lì xì? (Ảnh minh họa)

Trước Tết, anh trai và chị dâu tôi cũng rậm rịch chuyện đổi tiền. Sau đó, anh chị phân loại tiền một trăm nghìn, tiền năm mươi nghìn, tiền hai mươi nghìn thành từng cọc để mang đi mừng tuổi tùy nơi, tùy chỗ. Khi tới chúc Tết nhà sếp thì phải tiền to, tới nhà đồng nghiệp thì mệnh giá nhỏ hơn… Vừa lo sắm Tết, vừa lo tiền mừng tuổi, năm nào Tết đến tôi cũng thấy hai anh chị than phiền chuyện tiền mừng tuổi. Năm nay, anh chị còn đổi nhiều hơn năm ngoái bởi tiền mất giá mà mừng con cái của sếp thì cũng không nên ít quá.

Từ những phong tục đẹp ngày Tết, tiền mừng tuổi lại trở thành thước đo những giá trị tình cảm, danh lợi. Chính những sai lầm của người lớn, đua nhau mừng nhiều để phô trương sự giàu có, để lấy lòng sếp vô hình trung đã tạo nên sự phân cấp giàu nghèo trong xã hội.

Trẻ con từ đó cũng hình thành nên những tính cách trục lợi từ những sai lầm không đáng có của người lớn. Tiền càng ngày càng mất giá, đồng nghĩa với việc mọi người phải toan tính mừng tuổi con ông này, bà kia sao cho nhiều hơn. Cũng chính bởi vậy, nỗi lo sao cho ngày Tết được đầy đủ đã là khó khăn nay lại phải gánh thêm nỗi lo tiền mừng tuổi ngày Tết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN