Nỗi khổ của chị em thay chồng làm trụ cột gia đình

Liệu một người phụ nữ làm trụ cột kinh tế trong gia đình có được cuộc sống hạnh phúc viên mãn?

Có những người phụ nữ cảm thấy mệt mỏi khi phải làm trụ cột kinh tế gia đình (ảnh minh hoạ)

Có những người phụ nữ cảm thấy mệt mỏi khi phải làm trụ cột kinh tế gia đình (ảnh minh hoạ)

Dân gian có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, ý chỉ quy luật đàn ông giữ vai trò trụ cột kinh tế, người vợ thì quán xuyến nhà cửa, chăm nom con cái, giữ lửa gia đình.

Thế nhưng, thời buổi hiện đại, xã hội phát triển, không ít phụ nữ thành đạt, giỏi giang, kiếm tiền giỏi hơn nam giới. Vai trò giữa vợ và chồng hoán đổi, kéo theo rất nhiều sự thay đổi khác. Liệu những gia đình như thế có hạnh phúc và một người vợ thay vì quán xuyến nhà cửa lại trở thành trụ cột kinh tế của gia đình có hài lòng với vai trò này?

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, tuỳ vào từng hoàn cảnh của mỗi gia đình mà mỗi người vợ, người chồng có cảm xúc khác nhau. Chị Bùi Thuý (Nam Từ Liêm, Hà Nội) khẳng định: “Tôi không hạnh phúc khi làm trụ cột kinh tế thay chồng”.

Chồng chị vốn là chủ của một công ty du lịch, có cả tiền lẫn quyền. Nhưng dịch COVID-19 ập đến, công ty phá sản, anh thất nghiệp, không những trắng tay mà còn nợ ngân hàng một khoản. Nhiều năm làm chủ, chồng chị không còn hứng thú gì với việc làm công ăn lương nên dù đã thất nghiệp gần năm trời vẫn không có ý định đi xin việc. Chị một tay lo liệu việc chi tiêu trong gia đình, tiền học hành của con cũng như khoản lãi trả ngân hàng hằng tháng.

Mức lương cứng không đủ chi tiêu, chị phải mày mò kinh doanh thêm, từ mỹ phẩm, đồ gia dụng đến đồ ăn… Nhiều khi “tay xách nách mang” đủ thứ đồ trả khách, nhìn đồng nghiệp váy vóc, chải chuốt, đi đứng thong dong, chị không khỏi chạnh lòng.

“Tôi sợ chồng thất nghiệp, tự ti nên không dám thúc giục anh ấy đi xin việc. Chồng thì bảo đây là khoảng thời gian anh ấy định hướng lại bản thân. Biết là vậy nhưng cả năm nay rồi, một mình xoay xở, chống đỡ cả gia đình, tôi rất mệt mỏi”, chị than thở.

Chưa kể, chồng chị dù rảnh rỗi nhưng không hề giúp đỡ vợ việc nhà cửa, con cái. Anh ta mặc định, vợ có thể quán xuyến chu toàn việc gia đình như bao năm qua, còn bản thân thì tập trung vào những cuộc gặp gỡ bạn bè với lý do tìm hướng đi mới.

Chị Thuý vừa phải gánh vác nhiều việc, vừa không được than thở, chia sẻ với chồng nên nhiều khi rơi vào căng thẳng cực độ. “Tôi vẫn cố gắng nhưng nếu chồng không sớm thay đổi thì không biết có thể gắng gượng đến bao giờ”, chị nói.

Không phải ông chồng nào cũng vui vẻ hoán đổi vai trò trụ cột kinh tế cho vợ (ảnh minh hoạ)

Không phải ông chồng nào cũng vui vẻ hoán đổi vai trò trụ cột kinh tế cho vợ (ảnh minh hoạ)

Chị Phương (Đống Đa, Hà Nội) cũng có cùng cảnh ngộ. Chị có một ông chồng thích cuộc sống an nhàn, “sáng cắp ô đi làm, chiều cắp ô về”, lương tháng 15 triệu đồng cũng đủ, 10 triệu đồng cũng xong, con học trường tư càng tốt, không có tiền học trường công cũng chẳng sao… miễn sao hằng ngày 8 giờ sáng ra khỏi cửa đi làm, 5h30 chiều về để chơi cờ tướng cùng mấy ông hàng xóm.

Khi mới có một đứa con, chị cũng rất hài lòng với cuộc sống này. Lương của hai vợ chồng tầm 30 triệu/tháng, quá đủ để có cuộc sống đầy đủ. Chồng lại nấu ăn ngon, thích vào bếp, đi làm về đúng giờ, tư tưởng thoải mái, không thích đấu đá, hơn thua… chị cũng nhẹ lòng.

Thế nhưng, khi sinh thêm 2 người con nữa thì cuộc sống của chị rẽ sang hướng hoàn toàn khác. Lương chồng vẫn thế, chồng cũng chẳng có ý định nỗ lực thăng tiến trong công việc hay làm thêm việc khác để có thêm thu nhập. Nhìn những đứa con sau không được chăm sóc đầy đủ như con đầu, chị rất xót xa.

“Tôi gây áp lực cho anh ấy, muốn anh phải tìm công việc khác thu nhập cao hơn hoặc làm thêm một số việc. Anh ấy trước giờ rất ngại thay đổi nên quay sang bảo tôi càng ngày càng tham lam, thực dụng… Vợ chồng cũng vì thế mà xích mích bao lần”, chị chia sẻ.

Không thuyết phục được chồng, chị chỉ còn cách tự mình bươn chải. 35 tuổi, chị vẫn phải đến trung tâm ngoại ngữ dạy thêm hoặc nhận các văn bản dịch về nhà làm. Chị dần đẩy hết việc cơm nước, nhà cửa, con cái cho chồng, còn mình thì tập trung kiếm tiền lo cho gia đình. Mặc dù chồng không hề phàn nàn nhưng chị vẫn cảm thấy chạnh lòng vì vốn dĩ, chị muốn mình được giữ đúng vai trò của một người phụ nữ: quán xuyến nhà cửa, chăm sóc con cái…

“Đàn bà mà phải chật vật kiếm tiền thì vất lắm. Ai chẳng mong có chồng tài giỏi để dựa vào…”, chị nói.

Chị Hồng Sen (Ninh Bình) không chỉ là trụ cột kinh tế mà còn là người đưa ra mọi quyết sách lớn, nhỏ trong gia đình bởi lẽ, chồng chị không giỏi tính toán và thiếu quyết đoán.

Chị tâm sự: “Đàn bà muôn đời vẫn là phái yếu, để mà phải đứng ra lo toan mọi thứ thì là chuyện bần cùng bất đắc dĩ. Thế nên, sướng nhất vẫn là lấy được chồng vừa giỏi kiếm tiền, vừa biết lo việc lớn. Lúc ấy, chị em đừng vì chút sĩ diện nhất thời mà đòi quyền bình đẳng, bắt chồng phải chuyện lớn, chuyện nhỏ đều nghe theo ý kiến của mình. Họ mà để cho mình quyết thật thì khổ đấy”.

Chồng không giỏi tính toán nên mọi việc trong nhà từ chuyện nhỏ như làm cỗ, chọn trường cho con đến việc lớn như xây nhà đều do chị quyết. Có lần đem tiền đến đặt gạch xây nhà, chồng chị cũng phải gọi điện hỏi vợ đặt bao nhiêu viên gạch, bao nhiêu bao cát… Nhà có cỗ, làm bao nhiêu mâm, mỗi mâm mấy đĩa, có những món gì… đều do chị tính, chồng chị chỉ biết răm rắp làm theo.

“Nhưng đâu phải thế đã là xong chuyện. Nhiều người biết nhà tôi thế thì mỉa mai: “Muốn mua cái này hả? Hay về hỏi vợ đi đã, kẻo nó không thích lại phải mang trả”. Chẳng đàn ông nào nuốt trôi được cục tức ấy, rồi lại về cằn nhằn vợ, hễ vợ nói gì là bảo vợ khinh khi chồng. Cuộc sống như thế rất luẩn quẩn và mệt mỏi”, chị chia sẻ.

Phụ nữ làm trụ cột kinh tế gia đình.
Bạn nghĩ sao nếu phụ nữ làm trụ cột kinh tế gia đình?

Phụ nữ không nên chạm vào 3 “vùng cấm” của đàn ông dù có yêu sâu đậm đến mấy

Ai cũng có những nguyên tắc của riêng mình, nếu cố tình đụng chạm đến nó, hậu quả tất yếu sẽ xảy ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN