Nỗi đau ông bà làm giúp việc cho con
Ông bà giúp việc cho con cháu là chuyện buồn của một số gia đình. Có người qua việc nhờ bố mẹ chăm sóc con cái mình thì càng thêm biết ơn ông bà mấy chục năm khó nhọc nuôi con, giờ lại lụi hụi chăm cháu. Nhưng có những người con không biết trân trọng sức lao động của ông bà, làm đau lòng cha mẹ - Chuyên gia tư vấn Đánh thức tình yêu Nguyễn Đức Quỳnh chia sẻ
Nhiều nhà chọn giải pháp nhờ ông bà phụ trông nom nhà cửa, chăm sóc con cái. (Ảnh minh họa).
Chuyện buồn mùa Vu lan đã qua
Mùa Vu lan vừa qua rất nhiều người vào chùa cài bông hồng trắng, bông hồng đỏ. Rồi... nghẹn ngào nước mắt... Nhưng Chuyên gia tư vấn Đánh thức tình yêu Nguyễn Đức Quỳnh lại nhói tim vì mùa Vu lan vừa qua gặp lại bà hàng xóm cùng quê được con trai đón lên thành phố để giúp chăm sóc hai cháu nội.
Sau một hồi hàn huyên, bà hàng xóm ngỏ ý nhờ Chuyên gia giúp đưa về quê, rồi rân rấn nước mắt nói: “Giẻ rách cũng đỡ phỏng tay, chứ bà ít nhiều phụ giúp chúng nó chăm nom nhà cửa, con cái. Nhưng chúng nó nhiều lúc coi bà không bằng người giúp việc”. Rồi bà lại khẩn khoản nhờ Chuyên gia giúp đưa về quê, vì bà đường sá không thông, cũng chẳng có tiền để về quê, bảo con đưa về thì nó cứ lần lữa cáu kỉnh...
Công cha nghĩa mẹ như trời biển – đây là nghĩa cử trọn đời - nhưng thực tế cuộc sống hiện đại đang ngày càng nảy sinh thêm nhiều nhu cầu, khiến chúng ta phải làm nhiều việc hơn, có nhiều mối bận tâm hơn, có nhiều vấn đề cần xử lý hơn... Và vì cuộc sống quá bận rộn, kéo theo nhu cầu rất cần người giúp việc.
Nhưng sau hậu Covid-19 nhiều gia đình rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn, không còn khả năng chi trả lương cho người giúp việc (lương giúp việc giờ cũng 7-8 triệu đ/tháng) - khoản tiền không hề nhỏ so với thu nhập của hai vợ chồng trẻ.
Mặt khác - tuy không phải là tất cả - nhưng đã có những người giúp việc đặt ra nhiều yêu cầu cao với chủ nhà, chưa kể trên một số diễn đàn nhiều khổ chủ kêu ca chuyện người giúp việc thiếu trung thực, gây ra nhiều hậu quả không hay cho chủ nhà.
Chưa kể đường dây tuyển và cung cấp giúp việc cũng làm "mánh", cử người tới làm 1-2 tháng thì kiếm cớ bỏ việc, khiến gia chủ lại cuống lên tìm mối, trả tiền để tuyển gấp giúp việc khác.
Vì vậy giải pháp nhờ ông bà ở quê lên phụ giúp trông nom nhà cửa, chăm sóc các con cho vợ chồng trẻ có thời gian làm ăn, giao lưu, nghỉ ngơi...
Lựa chọn này tưởng rất ổn và an toàn, vì con cái đã “tạo công ăn việc làm” cho ông bà, để họ thấy mình còn giá trị, còn có ích cho con cháu. Ông bà cũng vui vì được giúp đỡ vui vầy sống cùng con cháu - một hạnh phúc không gì sánh bằng cho tuổi già.
Nhưng việc tưởng đơn giản lại là chuyện buồn của một số gia đình. Có người qua việc nhờ ông bà chăm sóc con cái nhà cửa giúp mình rảnh rang làm ăn thì càng thêm biết ơn ông bà - vì sau mấy chục năm khó nhọc nuôi con, giờ lại lụi hụi chăm cháu.
Ông bà giúp việc cho con cháu vẫn là vấn đề nhức nhối muôn thuở của xã hội. (Ảnh minh họa).
Nhưng lại có những người con không biết trân trọng sức lao động của ông bà, làm đau lòng cha mẹ. Từ đó mà nảy ra nhiều mâu thuẫn khác - như đến một lúc chúng ta lại thấy ông bà thật phiền phức. Và việc hay gặp nữa là rất khó để yêu cầu ông bà chăm sóc nhà cửa, con cái theo cách của chúng ta.
Rồi cũng có lúc ông bà thấy cả đời mình đã hy sinh cho con rồi, giờ tuổi già lẽ ra nên sống tự do trong quãng đời còn lại, làm những điều mà tuổi trẻ chưa làm được… mắc gì cứ phải chôn chân một chỗ trông cháu, còn bị con cái không nghe lời ông bà, thậm chí nhiều khi con cái đi làm về còn khó chịu, lớn tiếng và thiếu tôn trọng ông bà.
Hóa giải bằng cách "yêu thương nhau nhiều hơn"
Thực tế cuộc sống đã có những người con chưa biết trân trọng sự giúp đỡ của ông bà. Họ chê trách ông bà vì sự xung đột và khác biệt tư tưởng thế hệ - trong khi họ vẫn vô tư “xài” sức lao động của ông bà hàng ngày - nhưng lại không có thái độ ứng xử đúng mực với ông bà.
Ông bà giúp việc cho con cháu vẫn là vấn đề nhức nhối muôn thuở của xã hội. Bởi phần nhiều con cái đã không tránh được những xung đột, còn tận dụng quá sức lao động của ông bà.
Khi xảy ra chuyện rồi thì sẽ khó để phân định rạch ròi đúng – sai, hợp lý – bất hợp lý… trong chuyện này.
Để hóa giải và giữ hòa khí gia đình, những người làm con cái hãy ghi nhận cảm xúc của mình và cảm xúc của ông bà. Hãy đặt nền tảng tình yêu thương ông bà đích thực trên mối quan hệ - chỉ có như thế con cái mới có cách linh hoạt điều chỉnh phù hợp với bối cảnh riêng của gia đình mình..
Nhân mùa Vu lan, Chuyên gia Đánh thức tình yêu Nguyễn Đức Quỳnh có lời khuyên những người làm con rằng:
- Hãy sống thực chất từ trong tâm mình. Đừng đợi vào chùa cài bông hồng trắng mới khóc, đừng đợi tới khi nhà sư giảng pháp mới biết đến "chữ Hiếu".
- Trong tất cả mọi hoàn cảnh, những người làm con hãy luôn chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình, sẵn sàng thay đổi, cải thiện khi cần thiết để mọi việc luôn hướng đến những điều tốt đẹp nhất cho mọi người.
- Và chìa khóa vạn năng để mở ra mọi bế tắc đó là: "Hãy yêu thương nhau nhiều hơn nữa".
Khi con cái sống hiếu thuận với cha mẹ, mang trong mình suy nghĩ tốt đẹp về "chữ Hiếu", tự khắc mối quan hệ trong gia đình sẽ trở nên hòa thuận, hiếu nghĩa và bền vững.
Không có ngôn từ nào để diễn tả hết công ơn như trời biển của đấng sinh thành. Thật may mắn nếu bạn vẫn được nhìn thấy cha mẹ mỗi ngày.
Vì vậy những người làm con đừng ngại thể hiện tình yêu thương khi ông bà đang còn sống. Chớ thờ ơ, lạnh nhạt mà trở thành tàn nhẫn, bất hiếu với ông bà, để rồi sau này phải ôm trong lòng nỗi ân hận, xót xa.
Nguồn: [Link nguồn]
Khi mẹ ruột lên sống cùng, cô nhận ra 2 bên có sự khác biệt rất lớn và thường xuyên bất đồng quan điểm.