Nỗi đau của bà mẹ khi chỉ biết sinh con một bề
Đến người con thứ 8, gia đình bà M. vẫn chưa có được một người con trai nối dõi.
“Tôi thích con gái”, câu nói của TT Mỹ Obama khi được nhà sư ở chùa Ngọc Hoàng gợi ý cầu nguyện sinh con trai khiến không ít người giật mình vì tư tưởng sinh con nối dõi tông đường của người Việt. Dù ở cuộc sống hiện đại, tư tưởng đó không còn quá nặng nề nữa, thế nhưng, vẫn còn nhiều gia đình sống trong bi kịch chỉ vì không sinh được… con trai.
Nhiều gia đình luôn sống trong không khí căng thẳng vì không sinh được con trai (ảnh minh họa)
Sinh 8 người con vì muốn có con trai
Sinh tới 8 người con chỉ để có được thằng “cu tí” nối dõi tông đường là câu chuyện có thật ở huyện Thanh Hà (Hải Dương). Bà M. (ngoài 60 tuổi) đã phải đẻ từ năm 18 tuổi cho đến khi gần 50 tuổi chỉ vì chồng là con trưởng, phải sinh được con trai để trông nom hương hỏa cho dòng họ sau này.
Là gia đình thuần nông, miếng cơm manh áo trông cả vào mấy sào ruộng nên khi đẻ đến đứa con thứ 4, bà M. đã bắt đầu thấy sợ, dẫu ngày ấy nuôi con theo kiểu “trời sinh trời dưỡng”, không vất vả, tốn kém như bây giờ.
Thế nhưng, chồng và gia đình chồng có tư tưởng phải sinh con nối dõi nên bà M. vẫn phải đẻ tiếp đứa con thứ 5, thứ 6. Cho đến khi quá tuổi sinh nở, chồng bà mới dừng lại ở người con thứ 8 dù vẫn chưa sinh được "thằng cu".
Suốt 20 năm ròng, 8 lần sinh nở, người phụ nữ ngoài 60 không chỉ vất vả vì liên tục mang nặng đẻ đau mà còn phải chịu sự tra tấn về tinh thần. Từ đứa con thứ 5 trở đi, bà hầu như sinh con trong nước mắt vì “tuyền đẻ ra giống cái”. Mỗi lần mang bầu là một lần bà lo sợ, chẳng may lại sinh con gái thì hứng đủ sự giày vò từ gia đình chồng.
Chồng bà vì không sinh được con trai nên chán nản lao vào rượu, hễ say sưa là chửi bới, đánh đập vợ con. Nhà 10 miệng ăn do một tay người phụ nữ “chèo chống” nên kinh tế khó khăn, con cái nheo nhóc, không được ăn học đầy đủ. 8 đứa con mà bà chỉ có thể cho 3 đứa học hết cấp 3, còn lại đều dừng ở bậc trung học.
Cách đây 4 năm, chồng bà qua đời do uống rượu quá nhiều. Trớ trêu thay là kể từ khi “góa chồng”, cuộc sống của bà mới đỡ khổ hơn một chút vì không bị chồng đánh đập và chửi bới là “con đàn bà không biết đẻ” nữa. Tuy thế, người phụ nữ đã lên đến chức bà ngoại hàng ngày vẫn phải tần tảo chợ búa, đồng áng kiếm tiền nuôi cô con gái út vừa bước sang lớp 9.
Cố quá hóa... khổ
Người ta bảo nhiều con, nhiều lộc, nhưng với trường hợp của bà C. (Hải Dương) cái “nhiều” này chỉ mang đến bi kịch.
Chỉ vì không sinh được con trai mà nhiều phụ nữ bị đay nghiên là "không biết đẻ" (ảnh minh họa)
Lấy chồng là con trưởng, bà biết rõ nhiệm vụ của mình là phải sinh con trai. Nhưng suốt 6 lần mang nặng đẻ đau bà vẫn chưa hoàn thành được nhiệm vụ đó.
37 tuổi, bà C. mang bầu người con thứ 7. Và lần này, may mắn đã mỉm cười, bà sinh hạ được một thằng cu. Cậu con trai ra đời, bà C. như trút đi gánh nặng mà theo như bà nói là đã trả được món nợ lớn cho nhà chồng.
Khó khăn lắm mới có được người nối dõi tông đường nên cậu con trai út được gia đình cưng chiều hết mực. Từ chuyện ăn mặc cho đến chuyện học hành nhất nhất đều nghe theo người con độc tôn.
Chiều quá sinh hư, cậu con trai sinh năm 1996 này nhanh quen với việc được đáp ứng mọi nhu cầu và tự ý làm mọi chuyện. Lên đến năm lớp 9, H. (tên con trai bà C.) bắt đầu biết đến điện tử, cờ bạc, rượu chè và… ma túy. Không lâu sau, H. bỏ học, sống cầu bơ, cầu bất, đi theo con đường tệ nạn.
Nhìn đứa con trai duy nhất trong nhà còm nhom vì nghiên ngập, bà C. thắt lòng. Nhà có người nghiện, của cải, vật dụng cứ “đội nón” ra đi. Chẳng những thế, gia đình bà còn chịu đủ mọi điều tiếng, sự hắt hủi của hàng xóm láng giềng, bởi cứ hễ mất đồ là họ nghi cho con trai bà lấy.
Bao năm qua, không ít lần bà C. ao ước "giá như ngày xưa không đẻ cố". 6 cô con gái giờ đã yên bề gia thất nhưng vợ chồng bà vẫn chưa được một phút thanh thản bởi người con trai tệ nạn vẫn hàng ngày gây họa.
“Con sâu bỏ rầu nồi canh. Con sâu ấy là giống cái đã đành, nó lớn nó bay về nhà chồng, chứ sâu mà là “giống đực” thì bố mẹ chỉ có rầu cả đời”, bà C. than thở.
Còn không ít gia đình dù không có điều kiện nhưng vẫn cố đẻ con trai để lo hương hỏa cho gia đình mà không quan tâm đến chuyện, đẻ ra rồi sẽ nuôi dạy thế nào. Sự vô trách nhiệm với chính bản thân và con cái ấy đã gây ra bi kịch lớn cho nhiều gia đình.