Nỗi cô đơn khi sống một mình nơi thành thị của nhiều người trẻ
Những ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch COVID-19, áp lực đồng trang lứa, áp lực con nhà người ta… đang khiến cuộc sống một mình nơi đô thị của nhiều người trẻ trở nên chật vật và chán nản. Lựa chọn cuộc sống cô đơn, họ đang tự khiến mình mệt mỏi về tinh thần, sức khỏe khi không có chỗ dựa vào những lúc yếu đuối nhất…
Tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, người trẻ đang có xu hướng sống một mình nhiều hơn do vấn đề tài chính, tự do cá nhân hoặc ngần ngại kết hôn. Cuộc sống độc thân giúp họ có được sự riêng tư nhưng cũng khiến nhiều người đối mặt những khó khăn về kinh tế, sức khỏe và tinh thần. Có thể là những người đầy thú vị trên mạng xã hội song những người trẻ này lại khó có mối quan hệ tích cực, bền vững ngoài đời. Đó là nguyên nhân khiến họ luôn cảm thấy cô đơn và khó chia sẻ.
Dù cả gia đình đều sinh sống tại Hà Nội nhưng Trần Bá Dương (23 tuổi) vẫn quyết định chuyển ra ở riêng. Càng lớn, Dương càng cảm nhận được sự cô đơn ngay trong chính căn nhà mình đang ở. Những mâu thuẫn trong việc làm ăn của bố với mẹ, với những người thân khác trong gia đình khiến không khí trong căn nhà toàn những nụ cười ngày nào giớ không còn nữa. Mọi người vẫn ở cùng nhau nhưng không nói chuyện, không có một bữa ăn chung càng khiến Dương cảm thấy mệt mỏi hơn.
Lựa chọn cuộc sống một hình, nhiều người trẻ đang tự khiến mình mệt mỏi về tinh thần, sức khỏe khi không có chỗ dựa mỗi khi gặp sóng gió cuộc đời
Vốn là một người sống khép kín, ít bạn, khi chuyển ra ở trọ có nhiều sinh viên đang sinh sống, những tưởng chàng trai 23 tuổi sẽ sẽ bớt cô đơn hơn nhưng những nếp sinh hoạt cũ lại tiếp tục xuất hiện. Vì dịch bệnh, số ở trọ chỉ còn vài người, họ ngại tiếp xúc, gặp gỡ người khác. Cứ thế, mỗi ngày khi hoàn thành xong công việc, Dương lại về phòng trọ để ngồi trước máy chơi game, xem những bộ phim dài tập.
Nỗi buồn chán, những sinh hoạt không điều độ làm cơ thể của Dương có dấu hiệu không ổn như thường xuyên đau dạ dày, mọc mụn trên da mặt và cơ thể... Dù hiểu là mình cần phải thay đổi nhưng mỗi lần đi qua nhà, Dương chần chừ rồi lại nhấn ga đi tiếp. Mỗi lần muốn gọi cho bố mẹ hay chị gái, Dương lại sợ chẳng biết nói gì và cũng sợ phải nhận sự than thở từ họ. Để với đi cảm giác buồn chán, cô đơn, chàng trai trẻ quyết định sử dụng hết số tiền tiết kiệm để dành 2 tuần nghỉ ngơi tại TP Hồ Chí Minh và Đà Lạt.
Còn với Phương Thảo, sự tách mình ra khỏi "đám đông" của cô gái 25 tuổi lại đến một cách tự nhiên, khi nhận thấy không còn phù hợp và muốn lắng nghe những kiểu giao tiếp mang tính xã giao của nhóm bạn, việc phải “thảo mai” với đồng nghiệp hay những yêu cầu vô lý từ gia đình...
Phương Thảo thường tránh né các bữa cơm của gia đình. Nếu lỡ có ngồi ăn cùng bố mẹ, Thảo chẳng muốn nói điều gì vì mọi người cứ bàn chuyện làm ăn, cạnh tranh nhà giàu, xe đẹp... Mỗi ngày vẫn về nhà nhưng cô gái trẻ chẳng biết làm sao để mình có thể gần hơn với gia đình. Lâu dần, Phương Thảo cảm thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Phương Thảo tự tách mình ra khỏi đám đông khi thấy mình không còn phù hợp và hứng thú với những mối quan hệ xã giao hay mang đến sự phiền phức và những điều vô lý
Cô gái 25 tuổi tìm đến bói bài tarot và một khóa điều trị tâm lý, nơi Phương Thảo không cần ngần ngại kiềm chế cảm xúc của bản thân. Trong lúc cùng cả nhóm thực hiện bài tập thổ lộ cảm xúc chân thật với nhóm, Thảo thổ lộ rằng mình đã khóc rất nhiều.
"Cuộc sống bây giờ cô đơn quá. Từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và tất cả mọi người, chỉ cần bớt chút vội vã, tham lam hay chỉ cần chậm lại đôi chút để hiểu nhau và để tương tác thì hạnh phúc có thể đến dễ dàng mà”, Phương Thảo bày tỏ.
Trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều bạn bè và người thân của Phạm Quyền (24 tuổi, nhân viên kinh doanh) đồng loạt mắc COVID-19. Không ai trong số họ cảm thấy quá lo lắng bởi đều đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin, thuốc điều trị cũng như thực phẩm… đều đầy đủ và có sẵn.
Vào thời điểm cuối tháng 12/2021, khi Quyền là F0, mọi thứ lại không dễ dàng như vậy. Chàng trai trẻ đang sống một mình tại phòng trọ và chỉ có một vài người thân, bạn bè tại Hà Nội.
Suốt quá trình điều trị bệnh, chàng trai 24 tuổi giấu gia đình tình hình sức khỏe của mình bởi nghĩ rằng nếu nói ra, có lẽ cả nhà sẽ thấy sợ hãi, lo lắng hơn nữa, nhất là khi không thể trực tiếp chăm sóc con vì khoảng cách địa lý và các chính sách hạn chế di chuyển trong dịch. Quyền nhờ một người bạn mua giúp thuốc và thực phẩm. Chủ nhà trọ cũng giúp Quyền đi chợ, mua thêm các món đồ dùng cần thiết.
Mắc COVID-19 khi không có ai bên cạnh vì chọn cuộc sống cô đơn là khoảng thời gian đầy khó khăn đối với Văn Quyền
"Khi mắc bệnh, mình ở một mình nên cảm thấy khá buồn, tủi thân và cô đơn. Mình khó ngủ, trằn trọc nhiều đêm nhưng không muốn để ai biết vì có lẽ họ cũng chỉ hỏi han, quan tâm xã giao mình thôi. Mình chọn sống cô đơn, rời xa mọi người vì ghét dư luận, ghét việc phải “diễn” cảm xúc mỗi ngày", Quyền nói.
Sau 8 ngày điều trị bệnh, Quyền vui mừng nhận kết quả âm tính. Với chàng trai trẻ, việc mắc COVID-19 khi chỉ có một mình là cuộc chiến về cả sức khỏe và tâm lý. Nếu tâm lý không vững vàng, không lạc quan, có lẽ chưa biết khi nào Quyền mới vượt qua những giai đoạn khó khăn của bệnh.
"COVID-19 nguy hiểm nhưng còn đáng sợ hơn nữa khi đây là căn bệnh buộc bạn phải cách ly với mọi người. Khi gặp những biến cố lớn trong cuộc đời mà lại chỉ ở một mình, thứ khiến mình sợ hãi nhất không phải những cơn ho, sốt, mất vị giác mà chính là cảm giác cô đơn không ai bên cạnh. Có lẽ, đã đến lúc mình cần phải thay đổi…", Quyền bày tỏ.
Nguồn: [Link nguồn]
Đi cùng sự phát triển không ngừng nghỉ của cuộc sống, để bắt kịp với thời đại, giới trẻ chấp nhận bị vắt kiệt sức thực để hiện thực hóa ước mơ trở nên hoàn...