Nơi cô dâu phải khóc thảm thiết trước khi lấy chồng, cả đời hát bài oán hận người mai mối
Những phụ nữ trẻ không được học hành và phải lấy chồng nhờ người mai mối. Nhiều ngày cuối cùng được ở nhà với bố mẹ, họ đã khóc và hát những bài hát than vãn buồn não lòng.
Với đôi mắt tèm nhèm, cụ bà Liu Kam-lan ngồi chắp tay, thong thả kể lại câu chuyện của mình cho các nhân viên của tổ chức phi chính phủ Caritas. Họ đang có mặt tại làng San Uk Tsuen ở vùng lãnh thổ mới của Hong Kong, nơi cách biên giới Trung Quốc chỉ vài km. Quanh bà, những phụ nữ lớn tuổi khác cũng đang ngồi tán gẫu, cười nói.
Bà Liu được đề nghị hát một bài hát. Với chất giọng lanh lảnh, bà bắt đầu một "bài hát than thở của cô dâu" trong tiếng Weitou, tộc người định cư tại khu vực này từ thời Tống (960-1279). Phương ngữ này đến nay vẫn được những người lớn tuổi tại những ngôi làng khu vực Lung Yeuk Tau sử dụng.
Bà Liu Kam-lan.
Bài hát buồn kể lại câu chuyện từ hơn 60 năm trước. Giống như bao phụ nữ trẻ khác, bà Liu được mẹ bảo trèo qua bậc thang gỗ lên gác áp mái của nhà mình. Bà sẽ nằm trên một tấm thảm trong phòng áp mái trong vài ngày, khóc lóc thảm thiết trong khi bạn bè đến nói lời tạm biệt. Sau đó, bà sẽ kết hôn với người đàn ông mình chưa từng gặp mặt. Vài ngày sau, bà sẽ trở thành cô dâu ngồi kiệu hoa, rời khỏi làng mình mãi mãi.
Đó là cuộc sống của một phụ nữ Weitou. Trong những bài hát than vãn của cô dâu là lời giận giữ, oán than dành cho người mai mối, người khiến họ có cảm giác bị phản bội.
Những người phụ nữ cuối cùng của hủ tục mai mối của người Weitou ở Hồng Kông.
Một số phụ nữ không được đi học sẽ truyền miệng cho nhau những bài hát qua nhiều thế hệ. Người mai mối chính là một phụ nữ trong làng. Họ được giao nhiệm vụ tìm kiếm những phụ nữ trẻ ở độ tuổi kết hôn để dắt mối cho đàn ông ở làng khác. Đây là truyền thống được duy trì ở nông thôn Hong Kong vào những năm 1960. Ngày hôm nay, 7 phụ nữ tập trung tại San Uk Tsuen là những người cuối cùng còn lại của thế hệ đó.
Có hai người tự chọn được người chồng cho mình, những người còn lại đều là hôn nhân sắp đặt. Thời họ còn trẻ, điều này khá phổ biến tại nhiều vùng của Trung Quốc. Các nhân viên xã hội nói rằng không phải tất cả các cuộc hôn nhân đều tồi tệ, nhưng một số phụ nữ sống không hạnh phúc, cả đời chỉ biết vâng lời và phục vụ. Họ chỉ tìm được tự do trong những năm tháng cuối đời khi chồng đã qua đời.
Các bài hát, câu chuyện truyền miệng của những phụ nữ này đã được ghi lại trong một cuốn sách và trong một đĩa CD. Bộ phim tài liệu có tên "Yesterday Once More" được công chiếu tại Trung tâm Di sản và nghệ thuật Tai Kwun của Hong Kong chính là thành quả của Dự án Phát triển Cộng đồng Caritas Lung Yeuk Tau mà nhân viên xã hội Chan Kwok-ming đã tham gia 19 năm.
Cụ bà Man Kam-hop.
"Lung Yeuk Tau có truyền thống văn hóa lâu đời. Vì vậy chúng tôi sử dụng điều này để tìm hiểu những gì mà con người sẽ tự tin thể hiện", ông nói. "Yesterday Once More" là thành quả của nhiều năm xây dựng niềm tin giữa phụ nữ Weitou và nhân viên xã hội thuộc dự án Caritas bắt đầu từ năm 1990.
Những người phụ nữ này có sức mạnh từ bên trong và thông qua việc ghi lại, viết ra những lời than vãn... ông Chan và những người khác trong dự án đã giúp người dân nơi đây tôn vinh văn hóa và nâng cao lòng tự trọng của họ.
Cô Jeanne Ng Lok-chi, 40 tuổi, đã làm việc với những phụ nữ này trong 11 năm với vai trò là một nhân viên xã hội Caritas trước khi trở thành nhân viên tiếp thị cho một công ty gạo. Cô nói rằng những phụ nữ này đã có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của cô. "Khi chúng tôi bắt đầu nó rất buồn. Những phụ nữ này cảm thấy cuộc sống của họ chẳng là gì cả, bi kịch mà họ trải qua không đáng để nói", cô chia sẻ. Nhưng sau đó, họ bắt đầu cởi mở hơn. Những bài hát than vãn của cô dâu và lịch sử truyền miệng đã được bảo tồn qua nhiều thế hệ.
Bà Leung Siu-ha.
Khu vực Lung Yeuk Tau bao gồm 5 ngôi làng có lịch sử 700 năm. Trong khi các hội trường và những tòa nhà khác được truyền lại vẫn đứng vững thì đất canh tác và những cánh đồng lúa giờ đã được hay thế bằng nhà 3 tầng và bãi đậu xe hiện đại.
Cảnh mở đầu bộ phim tài liệu là một bà già đang tập thể dục, những bước tường làng và nhiều khía cạnh khác của cuộc sống thường nhật. Sau đó, những người phụ nữ nói về công việc đi nhặt gỗ trên đồi vất vả, đôi khi làm 3 lần/ngày và phải địu con xay lúa.
Họ rất hào hứng khi có cơ hội kể lại những câu chuyện của mình. Thường thì đó là cuộc sống bi thảm, vất vả, thiếu thốn, bố mẹ mất sớm và không thể trở về với gia đình. Họ trải qua nỗi buồn, cảm giác sợ hãi về những gì đang chờ đợi họ trong hôn nhân.
Ở tuổi 91, bà Man Kam-hop là người lớn tuổi nhất. Người phụ nữ khỏe mạnh với mái tóc ngắn, nụ cười ấn tượng mới 25 tuổi khi kết hôn. "Tôi lớn lên ở làng San Tin. Khi 9 tuổi tôi đã bắt đầu đi làm giúp đỡ bố mẹ và không được đi học. Tất cả những đứa trẻ đều như vậy. Cả nhà tôi trồng lúa, tôi thì đi chăn trâu... Tôi ngồi trên lưng trâu rồi hát những bài hát dân gian", bà giải thích. "Khi nhìn lại thời thơ ấu của mình, tôi nghĩ nó hoàn toàn bi thảm. Những đứa trẻ thời nay được người lớn chăm sóc, nhưng thời của tôi thì phải đi làm từ bé. Con trai không xem tôi là đối tượng có thể lấy làm vợ bởi họ không thích cái cách mà tôi cưỡi trâu như đàn ông".
Bà Man Kam-lin.
Bà Leung Siu-ha chuyển từ Thâm Quyến đến Hong Kong năm 1962, khi bà mới 20 tuổi. "Tôi đến dây bởi một người họ hàng của mẹ kế sống tại đây. Khi mẹ kế tôi đến thăm bà, người này hỏi bà có đứa con chồng nào đang ở tuổi kết hôn không. Thế là tôi đến".
Trước cách mạng của Trung Quốc năm 1949, nhà bà Leung rất giàu. "Nhà tôi sở hữu một nhà máy pháo hoa. Chúng tôi có những ruộng lúa và cả người hầu. Mẹ tôi mất khi tôi còn nhỏ. Sau đó, chúng tôi là một phần của tập thể nông nghiệp. Có rất ít thức ăn, hàng ngày, mỗi người được ăn chưa đến một bát cơm và chúng tôi sẽ ăn bổ sung bằng khoai lang".
Bà Man Fung-king, 84 tuổi đến từ làng San Tin và gặp chồng thông qua người mai mối. "Chúng tôi được giới thiệu tại một nhà hàng. Tôi đã sợ hãi, lo lắng, không biết làm thế nào để thể hiện bản thân mình. Khi đó tôi 17 tuổi và kết hôn năm 18. Chúng tôi bị bao vây bởi rất nhiều người đến từ hai bên gia đình tại nhà hàng ở Sheung Shui (một thị trấn biên giới khác)". Trước đám cưới, bà dành 3 đêm ở tầng gác mái. "Khi bạn bè đến thăm tôi, tôi chỉ biết khóc và chúng tôi hát cùng nhau".
Trong khi những người phụ nữ chia sẻ về cuộc sống của mình với những nhân viên xã hội, họ lại tỏ ra thận trọng khi nói chi tiết về cuộc hôn nhân của mình. Họ có biết chuyện gì sẽ xảy ra sau lễ cưới? Có trò chuyện về chuyện chăn gối không? "Tôi chỉ được dặn là phải vâng lời chồng và tuân theo người nhà chồng. Chẳng có gì khác, chỉ cần vâng lời", bà Leung nói.
Một bộ trang phục cô dâu và những vật dụng đám cưới truyền thống của người Weitou.
"Tôi đã dành 4 đêm ở phòng áp mái. Sau đó, tôi sắp xếp đồ vào rương. Tôi đã khóc. Tôi lấy chồng ở tuổi 22. Bố mẹ tôi đã mất nên các cô tôi thay vai trò của bố. Họ ngồi sắp xếp rương với tôi. Có 50 món quần áo, có áo sơ mi, quần dài", bà Leung kể.
Nhân viên xã hội Jeanne Ng nói rằng cô sẽ nhớ những bài hát than thở của cô dâu suốt đời. Khi những người phụ nữ cao tuổi hát chúng, cô đã quên đi tuổi tác của họ. "Chúng tôi đều là phụ nữ với nhau, vì thế chúng tôi có chung những cảm xúc về cách đối mặt với thách thức trong gia đình và xã hội. Thông qua những bài hát, bạn sẽ thấy họ như những cô gái trẻ", cô nói.
"Những người phụ nữ này là người cuối cùng biết hát những ca khúc than thở và thực sự trải qua những nghi thức trong đám cưới đó. Nếu chúng ta không truyền lại kiến thức này cho thế hệ tiếp theo, những bài hát than thở của cô dâu có thể biến mất mãi mãi", cô Jeanne Ng nói thêm.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau 24 năm kết hôn, có lúc tưởng như hôn nhân tan vỡ, song cặp đôi vợ hơn chồng 33 tuổi vẫn bên nhau rất hạnh phúc.