Những vợ chồng chọn 'không con cái'

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Trong căn hộ thường xuyên được thay đổi cách trang trí ở TP HCM, 11 năm nay vợ chồng Lê Ngọc vẫn tận hưởng cuộc sống chỉ có hai người.

Họ có thể cuộn tròn ngủ nướng hay tranh luận đến tận 2h sáng. Góc bếp là nơi Ngọc thỏa đam mê nấu nướng cũng là studio tại gia cho ông xã chụp hình vợ.

"Với chúng tôi, hôn nhân là để được ở bên nhau, cùng làm những điều yêu thích chứ không theo truyền thống là để sinh con, mua nhà hay sắm xe", Lê Ngọc, 34 tuổi, nói.

Bằng cách đó, họ đã cùng nhau xuất bản ba cuốn sách, thực hiện nhiều dự án du lịch và ẩm thực. Trang blog Nhà có hai người là nơi họ chia sẻ về lối sống tự do, phóng khoáng có hơn nửa triệu người theo dõi.

Lê Ngọc và ông xã trong chuyến du lịch Mỹ năm 2023 nhân kỷ niệm 10 năm ngày cưới. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lê Ngọc và ông xã trong chuyến du lịch Mỹ năm 2023 nhân kỷ niệm 10 năm ngày cưới. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ở Hà Nội, cuộc hôn nhân 7 năm của vợ chồng Thu Uyên cũng không có bóng dáng trẻ em. Họ không hứng thú với việc sinh con dù điều kiện tài chính dư dả. Chồng Uyên làm ngành game, còn cô làm cho một công ty nước ngoài. "Chúng tôi thấy có con là một trách nhiệm rất nặng nề và mệt mỏi nhiều hơn niềm vui", người phụ nữ 32 tuổi nói.

Là con đầu trong gia đình, Uyên cho biết rất ghét việc cha mẹ cứ sinh con theo ý mình nhưng lại mặc định con lớn phải gương mẫu và nhường nhịn em. Lớn lên với cảm giác "như người thừa" trong nhà đã hình thành nên quan điểm này ở Uyên.

Gia đình chồng ủng hộ quyết định của Uyên nhưng chính mẹ đẻ và một số người xung quanh phản bác. "Chúng tôi đã bị gán là 'ích kỷ', 'bất hiếu', 'khác người' vì lối sống không con", cô chia sẻ.

Xu hướng "không sinh con" đang lan rộng ở nhiều quốc gia với các khái niệm như DINKs (Double Income, No Kids - hai thu nhập, không con cái), DINKWAD (hai thu nhập, không con, nuôi chó) hay Childfree (không có con).

Mấy ngày trước trên mạng xã hội Threads, tài khoản Quinn Như chia sẻ về quan điểm không sinh con đã thu hút gần 200.000 lượt xem với gần 1.000 bình luận. Rất nhiều người chia sẻ trải nghiệm đang trong các mối quan hệ lâu năm hoặc đã kết hôn nhưng vẫn chưa có ý định sinh con.

Chia sẻ về lối sống Childfree của tài khoản TikTok Ý Mi Lan hồi tháng 6/2024 cũng hút hơn nửa triệu lượt xem với hàng trăm bình luận cùng quan điểm.

Ở Việt Nam, một số khảo sát thống kê của Bộ Y tế đã kết luận "xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị - nơi có điều kiện kinh tế phát triển".

Thực trạng này được cho là góp phần khiến mức sinh của Việt Nam năm 2023 giảm xuống 1,96 con - mức thấp nhất từ trước tới nay và dưới mức sinh thay thế 2,1 con. TP HCM đang dẫn đầu cả nước với mức sinh 1,32 và cũng là địa phương có tuổi kết hôn trung bình lần đầu cao nhất nước, ở mức 30,4. Để cải thiện tỷ lệ sinh, mới đây Sở Y tế TP HCM ra dự thảo sẽ thưởng 3 triệu đồng cho người sinh đủ hai con trước 35 tuổi.

Là một người theo đuổi lối sống không con, Thế Anh, 29 tuổi, ở quận 8, TP HCM giải thích do "không thích trẻ con, cũng không muốn bị con cái ràng buộc".

Chàng trai làm trong ngành thương mại điện tử thể hiện quyết tâm của mình bằng hành động đi thắt ống dẫn tinh hai năm trước. Người bạn đời của anh từ ngày học cấp ba đã xác định sẽ không sinh con, sau khi nghe câu chuyện mẹ suýt mất mạng vì đẻ cô. "Nghĩ cảnh vợ mình có vấn đề tiền/hậu sản, trầm cảm sau sinh hay mặc cảm ngoại hình, tôi càng không muốn có con", anh nói.

Giáo sư xã hội học Hoàng Bá Thịnh, Đại học quốc gia Hà Nội cho biết xu hướng không sinh con đã xuất hiện trên thế giới từ những năm 1990, hiện nay thịnh hành ở các quốc gia phương Tây và châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.

"Ở Việt Nam, xu hướng kết hôn muộn, sinh ít con và trì hoãn sinh thể hiện rõ ràng hơn không sinh con", chuyên gia nói. "Nhưng dự báo của tôi đến những năm 2040-2050, loại hình DINK sẽ phổ biến ở Việt Nam, song cũng không nhanh và nhiều như phương Tây".

Theo ông Thịnh, lối sống này tập trung ở những người trẻ thành thị; đặc biệt là phụ nữ hiện đại, có học thức, khả năng sống tự lập cao. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy phụ nữ có trình độ càng cao mức sinh con càng thấp. Phụ nữ thuộc nhóm "giàu nhất" có mức sinh thấp nhất.

"Lý do quan trọng nhất đằng sau xu hướng này là kinh tế học chăm sóc con cái, như chi phí nuôi con lớn, mất thời gian và công sức chăm sóc, ảnh hưởng đến sự thăng tiến", chuyên gia nói.

Trong tâm lý học, "chiến lược sống" được chia thành hai hướng: nhanh và chậm. Người sống nhanh thường ưu tiên số lượng hơn chất lượng, như kết hôn sớm, sinh nhiều con - phản ứng phổ biến trong bối cảnh rủi ro cao, nguồn lực hạn chế, chẳng hạn sau chiến tranh hay dịch bệnh. Ngược lại, chiến lược sống chậm tập trung vào lợi ích dài hạn, ví như xu hướng kết hôn muộn, sinh ít con và đầu tư nhiều hơn vào nuôi dạy.

"Lối sống DINK cũng phản ánh xu hướng này, bởi các đôi có rất nhiều áp lực phải lo, từ kinh tế, thời gian, tính cơ động và cả các rủi ro về sức khỏe tâm thần", ông Nguyễn Minh Thành, nghiên cứu sinh tâm lý học tại Đại học UCLouvain (Bỉ) và giảng viên Đại học Hoa Sen, nói.

Theo nhà tâm lý, việc nuôi dạy con cái vốn được xem là một hành trình ý nghĩa cho cuộc hôn nhân và cuộc đời mỗi con người. Nhưng hành trình này cũng mang lại nhiều căng thẳng, lo âu và kiệt sức. Một nghiên cứu ở 42 quốc gia, trong đó có Việt Nam cho thấy tỷ lệ cha mẹ kiệt sức ở Việt Nam là 1%, trong khi các quốc gia châu Âu là 5-7%. Một nghiên cứu khác gần đây ở Ba Lan, Đức, Mỹ, có 5-8% cha mẹ cho biết hối hận vì sinh con.

"Rõ ràng việc một cặp vợ chồng chọn lối sống DINK không phải do họ ích kỷ mà phụ thuộc rất nhiều vào sự an toàn của việc sinh con mang lại", ông Thành nói. "Nhìn rộng ra, các vấn đề về tuổi kết hôn muộn và tỷ lệ sinh giảm hoặc trì hoãn sinh con ở Việt Nam hiện nay là do các cá nhân đó chưa cảm thấy đủ an toàn".

Nhưng các chuyên gia cùng thống nhất quan điểm rằng mọi lối sống đều có thể thay đổi, cũng như các nguồn tài nguyên và rủi ro không bất biến. Để ngăn đà suy giảm dân số, nhà nước cần có thêm các chính sách khuyến sinh và y tế, giáo dục, nuôi dạy con.

Ông Thành và các đồng nghiệp cũng đang làm nhiều chương trình hỗ trợ kỹ năng cho các mối quan hệ vợ chồng, đào tạo kỹ năng nuôi dạy con cái hoặc các chương trình chuẩn bị hành trang làm cha mẹ cho cặp mới, sắp cưới.

"Tương lai khi các nguồn tài nguyên lớn lên, rủi ro giảm đi có thể DINK không còn là lựa chọn của các đôi này nữa", chuyên gia tâm lý nói.

Đây cũng là điều vợ chồng Lê Ngọc đang hướng tới. Cô chia sẻ có nhiều người bạn kết hôn lâu năm và qua 35 tuổi mới sinh con vì khi đó đủ tài chính, thời gian và trí tuệ để nuôi dạy đứa trẻ tốt nhất. Một số khác cũng dừng ở một con và đang cân nhắc nhận thêm con nuôi thay vì sinh thêm.

"Tụi mình không ngại sinh con muộn hoặc nhận nuôi con", cô nói và cho biết được gia đình hai bên ủng hộ lựa chọn, dù Ngọc là con một trong gia đình miền Nam, còn chồng lớn lên tại vùng nông thôn miền Bắc.

Trong lần về thăm nhà gần đây, mẹ Thu Uyên than thở bị "hàng xóm chê cười vì 60 tuổi còn chưa có cháu". Cô im lặng, nhưng nghĩ "sẽ không đánh đổi cuộc đời của mình chỉ để mẹ không bị người khác chê cười".

"Trong tôi vẫn còn những tổn thương chưa được chữa lành, còn những điều chưa nghĩ thông, tự thấy bản thân chưa đủ tốt để chăm sóc một đứa trẻ", cô nói. "Nhiều người bảo cứ sinh con đi là đâu vào đó hết, nhưng tôi không bao giờ muốn đứa trẻ là phép thử".

Kiều Oanh nói đã sợ kết hôn, thề không dính líu đến đàn ông sau hai lần ly hôn trong gần hai năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Dương ([Tên nguồn])
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN