Những nhà khoa học trẻ truyền cảm hứng, thúc đẩy tinh thần sáng tạo

Sự kiện: Giới trẻ 2024

"Nổi danh" với những công trình nghiên cứu khoa học, bằng độc quyền sáng chế quốc tế và trong nước, những nhà khoa học trẻ Việt Nam đã góp phần truyền cảm hứng, thúc đẩy tinh thần sáng tạo cho nhiều bạn trẻ khác trước yêu cầu thực tiễn ngày càng cao của sự phát triển khoa học công nghệ.

PGS.TS Phạm Vũ Hồng Sơn

PGS. TS Phạm Vũ Hồng Sơn (SN 1985) là cựu Sinh viên trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia Đài Loan (NTUST hay Taiwan Tech). Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, anh đã tiếp tục chương trình nghiên cứu sinh tại Taiwan Tech và về nước công tác từ năm 2015. Với những thành tích đạt được từ quá trình nghiên cứu, anh đã được trường ĐH Bách Khoa TP HCM bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư ngày 18/5/2022.

Anh trở thành Phó Giáo sư trẻ tuổi nhất trường ĐH Bách Khoa TPHCM với 2 bản quyền tác giả về các phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý xây dựng và đấu thầu online, hơn 50 bài báo khoa học. Trong số đó, công trình nghiên cứu nổi bật nhất là “A Hybrid Bayesian Fuzzy-Game Model for Improving the Negotiation Effectiveness of Construction Material Procurement" (Một mô hình trò chơi để cải thiện hiệu quả đàm phán từ việc mua sắm vật liệu xây dựng) đăng trên tạp chí ASCE.

Những nhà khoa học trẻ truyền cảm hứng, thúc đẩy tinh thần sáng tạo - 1

"Tôi thường nói với các bạn sinh viên, hãy tập làm quen với nghiên cứu khoa học như lần đầu tập yêu nhưng phải giữ "cái đầu lạnh", đủ tỉnh táo để không phải vấp ngã nhiều lần.

Sự kỳ vọng cao của xã hội cũng sẽ tạo cho các bạn những áp lực nhất định, nhưng nếu muốn trở thành một nhà nghiên cứu khoa học chân chính và giỏi chuyên môn, trước tiên bạn phải tự có trách nhiệm với lựa chọn của chính mình, tự đặt ra mục tiêu và tự tạo ra áp lực hoàn thành mục tiêu đó", PGS.TS Phạm Vũ Hồng Sơn chia sẻ.

PGS. TS Nguyễn Thanh Bình

Với 4 bằng độc quyền sáng chế quốc tế, 65 bài báo, công trình nghiên cứu khoa học quốc tế và trong nước, tiến sĩ trẻ Nguyễn Thanh Bình vừa được trường ĐH KH Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư (PGS). Trước đó, anh vinh dự nhận giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng của T.Ư Đoàn năm 2021.

Nhớ lại chặng đường nghiên cứu khoa học của mình, anh Bình thấy may mắn khi đã có 4 bằng độc quyền sáng chế quốc tế phục vụ cho công nghiệp may mặc và xây dựng các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực thẩm định chất lượng sản phẩm ở các nhà máy, các xưởng sản xuất. Trong đó, anh “nổi danh” với bằng sáng chế mới được cấp tại Mỹ vào tháng 7/2021, xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng sợi vải tự động trong lĩnh vực may mặc bằng cách sử dụng máy đo quang phổ. Sáng chế này đang được triển khai áp dụng trong doanh nghiệp.

Ba bằng sáng chế còn lại của anh đã “hiến kế” xây dựng các hệ thống AI để dự đoán lỗi có khả năng xảy ra trong quá trình sản xuất tại các nhà máy may mặc. Nó cũng giúp đánh giá chất lượng sản xuất của các nhà máy may một cách tự động thông qua dữ liệu thẩm định lịch sử, ước lượng rủi ro trong quá trình sản xuất đơn hàng tại một nhà máy nào đó.

Những nhà khoa học trẻ truyền cảm hứng, thúc đẩy tinh thần sáng tạo - 2

Giữa nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và giảng dạy, tôi nghĩ cả hai đều quan trọng. Nghiên cứu giúp chúng ta mở rộng ý tưởng, hướng đến đề xuất các phương pháp giải quyết hiệu quả cho các bài toán mới. Từ đó, tích luỹ tốt hơn các kinh nghiệm nghiên cứu cho từng dạng bài toán, đóng góp cho các kết quả nghiên cứu chung của cộng đồng nhà khoa học”, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng bộ môn Ứng dụng Tin học tại khoa Toán-Tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM chia sẻ.

PGS.TS.BS Đào Việt Hằng

PGS.TS.BS Đào Việt Hằng là giảng viên Bộ môn Nội tổng hợp, Đại học Y Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Nội soi Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam. Cô cũng là một trong những đại biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc vừa qua với nhiều đóng góp trong việc kết nối, phát huy tinh thần, sứ mệnh của Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu.

Nữ Phó Giáo sư trẻ đã công bố 2 đầu sách: Điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng đốt nhiệt sóng cao tần (2017) và Bệnh lý tự miễn – dị ứng đường tiêu hóa (2018); hơn 4 bài báo quốc tế và 60 bài báo trong nước. Với hướng nghiên cứu chính là xây dựng các thuật toán ứng dụng trí tuệ nhân tạo để sử dụng cho quá trình nội soi tiêu hóa, cô cùng cộng sự đang nỗ lực "rút ngắn" thời gian cho người bệnh trong việc chẩn đoán, điều trị.

Những nhà khoa học trẻ truyền cảm hứng, thúc đẩy tinh thần sáng tạo - 3

"Tôi chưa khi nào thỏa mãn về những thành quả cá nhân đã đạt được bởi ngành Y là ngành học cả đời, học mọi lúc, mọi nơi với vô số câu hỏi cần giải đáp”, PGS.TS,BS Hằng nói.

TS.DS Phạm Đức Hùng

Từ chàng trai học trường làng vươn đến “giấc mơ Mỹ”, Phạm Đức Hùng hiện là tiến sĩ, dược sĩ làm việc tại Bệnh viện Nhi Cincinnati (top 3 nước Mỹ). Anh có 16 bài báo quốc tế, gần 20 bài báo trong nước, "thai nghén" thành công cuốn sách "Bước ra thế giới - Cẩm nang du học và săn học bổng".

Các nghiên cứu của anh xoay quanh nhóm đề tài chính như: Các gene và con đường trong tế bào miễn dịch làm tăng khả năng diệt ung thư của hệ miễn dịch; Mô hình sàng lọc độc chất/hoạt tính trong quá trình phát triển thuốc; Sử dụng cá sọc vằn làm mô hình di truyền của bệnh gan và bệnh động kinh…

Đáng nhớ nhất, TS.DS Hùng tự hào kể về nghiên cứu được đưa vào áp dụng thực tiễn cho các bệnh viện Nhi khoa tại Mỹ. Cụ thể, đó là nghiên cứu tìm và chứng minh vai trò của gene ABCC12 - nguyên nhân gây bệnh viêm gan tắc mật trong gan mới (được đăng trên tạp chí Gastroenterology, Journal of Hepatology và Hepatology). Các bệnh viện Nhi khoa tại nước Mỹ đã đưa gene ABCC12 vào hệ thống tầm soát gene cho các bà mẹ mang bầu có nguy cơ sinh con bị tắc mật, qua đó giúp giảm số trẻ em bị bệnh. Ngoài ra, nghiên cứu cũng tìm ra cơ chế đột biến và cơ chế sinh lý gây bệnh tắc mật, giúp ích trong quá trình phát triển thuốc và phương pháp điều trị.

Những nhà khoa học trẻ truyền cảm hứng, thúc đẩy tinh thần sáng tạo - 4

"Tôi dấy lên suy nghĩ rất đơn giản: càng nhiều người Việt đi trước thành công sẽ càng có ích cho thế hệ đi sau, người Việt lúc nào cũng có tinh thần chia sẻ và giúp đỡ nhau, mọi người dù ở đâu cũng sẽ hướng về quê hương đất nước”, TS. Hùng khẳng định.

TS. Trần Thị Như Hoa

TS. Trần Thị Như Hoa là nữ tiến sĩ trẻ nhất trong top 10 nhà khoa học nhận giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng 2022. Trải qua chặng đường hơn 10 năm gắn bó với nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực Công nghệ Vật liệu mới, chị Hoa nhận định, để có được thành công, mình phải tự làm khó mình trước.

Hướng nghiên cứu của nữ tiến sĩ ở Việt Nam đó là về vật liệu quang học, cảm biến và ứng dụng (O&S). Mục tiêu của O&S là mô phỏng kết hợp nghiên cứu thực nghiệm để đề xuất các quy trình cho công nghệ sản xuất cảm biến dựa trên tính chất plasmonic của vật liệu. Cảm biến quang học sử dụng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt với nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau như vật lý, hóa học, sinh học và y dược, đặc biệt là trong lĩnh vực chẩn đoán bệnh.

Đặc biệt, chị Hoa cùng nhóm nghiên cứu phát triển các cảm biến quang học có độ nhạy cao, độ tái lập tốt, tính đặc hiệu, thời gian phản hồi nhanh để có cơ sở mở ra một hướng mới với các nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong lĩnh vực Y-Sinh.

Những nhà khoa học trẻ truyền cảm hứng, thúc đẩy tinh thần sáng tạo - 5

"Nếu ai không hiểu về nghiên cứu sẽ chỉ nghĩ rằng, nghiên cứu là khổ, suốt ngày vào phòng thí nghiệm, đọc tài liệu giống "mọt sách", rồi đo đạc, giải thích kết quả... Nhưng với tôi, đằng sau đó là các phát minh, sáng kiến vô cùng sáng tạo có ý nghĩa thực tiễn cao. Hơn nữa, đó còn là kết quả của sự kiên trì, bền bỉ, tinh thần lạc quan của một người phụ nữ làm khoa học", nữ tiến sĩ 8x nói.

TS. Lê Thị Phương

Cô hiện là nghiên cứu viên Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với 2 bằng độc quyền sáng chế quốc tế, 3 bằng độc quyền sáng chế quốc gia lĩnh vực Công nghệ Vật liệu mới. Dấu ấn trong hành trình nghiên cứu khoa học của nữ tiến sĩ là khi phát triển các vật liệu mới, có tính tương hợp sinh học cao và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn so với các phương pháp truyền thống.

Hiện nay, 2 bằng sáng chế quốc tế của TS. Phương đang ở trong giai đoạn đăng ký sở hữu trí tuệ; riêng một số sản phẩm đang được xúc tiến thử nghiệm trên nhiều mô hình động vật khác nhau để tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên người. Cô hy vọng, trong tương lai sẽ sớm áp dụng các sáng chế này để tạo ra các sản phẩm thương mại đóng góp cho lợi ích chung của cộng đồng.

Những nhà khoa học trẻ truyền cảm hứng, thúc đẩy tinh thần sáng tạo - 6

"Khoa học chân chính được đánh giá trên nhiều phương diện, từ giữ được liêm chính khoa học, giữ đạo đức hành nghề đến đánh đổi thời gian, tuổi trẻ, tình cảm, sức khỏe... Trong những yếu tố đó, tôi nghĩ "sức khỏe" và "tình cảm" gây nhiều cản trở với nữ khoa học gia hơn", TS. Lê Thị Phương nhận định.

Nguồn: [Link nguồn]

Phó Giáo sư trẻ nhất ĐH Bách Khoa TPHCM: 37 tuổi, 2 bản quyền tác giả, hơn 50 bài báo khoa học

Với "gia tài" nghiên cứu đồ sộ, anh Phạm Vũ Hồng Sơn (sinh năm 1985) của trường ĐH Bách Khoa TPHCM được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư ngày 18/5 vừa qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Châu Linh ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN