Những người không có thưởng Tết
Nguyễn Hoa, 43 tuổi, phó phòng kinh doanh một khách sạn ở Thanh Hóa "buồn mất mấy ngày" vì túi quà Tết của cơ quan là bánh kẹo và chai rượu.
Hơn 50 nhân viên, từ lễ tân đến cấp quản lý đều nhận chung mức thưởng như vậy. "Tôi không trách cơ quan'', chị Hoa nói.
Làm trong khách sạn hơn 10 năm, trải qua thời kỳ thịnh vượng đến những năm không lương vì Covid-19, chị hiểu chủ khách sạn không phải người keo kiệt, chỉ là doanh thu của công ty không được như kỳ vọng.
Những năm làm ăn tốt, nhân viên được thưởng Tết 1-2 tháng lương tặng thêm nhu yếu phẩm, lì xì đầu năm.
Nhưng khoảng 5-6 năm nay, các nhà hàng, khách sạn ở khu vực TP Thanh Hóa mọc lên như nấm, được đầu tư hiện đại, đẹp mắt. Khách sạn chị Hoa làm việc không có vốn nâng cấp nên dần bị bỏ lại phía sau.
"Tiếng là phó phòng một doanh nghiệp nhưng lương thưởng không bằng công nhân", chị nói.
Ảnh minh họa
Có mức thu nhập gần 20 triệu đồng mỗi tháng ở một trung tâm tiếng Anh tại TP HCM, thưởng Tết của chị Thu Hằng, 35 tuổi, ngày 25 tháng Chạp vẫn chưa thấy đâu. "Năm ngoái trả thưởng vào Tết dương lịch, được một triệu đồng. Năm nay bặt vô âm tín'', chị nói.
Thu Hằng không kỳ vọng thưởng Tết cao. Nhưng là một lao động Việt, chị vẫn muốn có chút thưởng Tết giống như các lao động bình thường khác. Không có khoản thưởng Tết, hai vợ chồng phải tính toán từng đồng cho các khoản chi tiêu trong dịp cuối năm.
Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết năm 2024, thu nhập bình quân của lao động cả nước đạt 8,5 triệu đồng mỗi tháng trong khi năm trước là 8 triệu đồng.
TP HCM dẫn đầu về mức thưởng Tết Âm lịch với mức cao nhất đạt hơn 1,9 tỷ đồng trong doanh nghiệp FDI. Mức thưởng thấp nhất mà người lao động nhận được là 100.000 đồng, ở nhiều tỉnh thành thuộc cả ba miền.
Trong một khảo sát của VnExpress với hơn 200 độc giả, 29% cho biết không có thưởng Tết, 19% cho biết thưởng Tết không được như kỳ vọng.
Nguyên thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nói mỗi dịp cuối năm, xã hội lại nóng lên trước các thông tin thưởng Tết, nhưng thực chất không có khoản thưởng Tết. Đó là khoản thưởng sau một năm kinh doanh. Nó không phải tiền thưởng được sinh ra vì Tết.
Đây cũng là nguyên nhân khiến những người như chị Hoa, chị Hằng không có "thưởng Tết". "Người lao động ở các doanh nghiệp, tổ chức có kết quả kinh doanh thấp, thậm chí thua lỗ có thể không có thưởng Tết", chuyên gia nói.
Nhưng không phải chủ sử dụng lao động nào cũng suy nghĩ theo hướng này. Một số lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ với VnExpress họ sẽ cố gắng có thưởng Tết để giữ chân lao động.
Anh Phạm Ngọc Linh, chủ công ty trong lĩnh vực quảng cáo và tiếp thị có hơn 30 nhân sự ở Hà Nội, cho biết 10 năm qua, bất kể thời điểm khó khăn nhất, công ty anh đều có thưởng Tết cho nhân viên. "Người lao động có hài lòng thì mới làm việc hiệu quả'', anh nói.
Anh Bùi Quang Hiếu, chủ của ba công ty về công nghệ và giáo dục, giám đốc nhân sự một doanh nghiệp hơn 400 nhân viên, ở Hà Nội, cho biết dù công ty anh làm ăn tốt hay không đều cố gắng có lương tháng 13 hoặc thưởng Tết cho nhân viên.
Có những năm công ty anh Hiếu làm giám đốc nhân sự gặp khó khăn, nhưng chấp nhận vay ngân hàng trả lương, thưởng nhân viên. "Chúng tôi chấp nhận thà mắc nợ còn hơn ra Tết nhân viên rời bỏ mình, lại phải mất chi phí tuyển người, đào tạo từ đầu'', anh nói.
Đứng ở góc độ người làm chính sách cho doanh nghiệp, anh Linh và anh Hiếu khẳng định đều muốn thưởng Tết cao cho nhân viên vì hiểu họ vui, làm việc hiệu quả thì doanh nghiệp mới phát triển.
Nếu thưởng Tết không như kỳ vọng, được nhận thưởng Tết chỉ là hiện vật hay không được nhận thưởng như chị Hoa, chị Hằng, CEO Bùi Quang Hiếu cho rằng người lao động nên có sự chia sẻ, thông cảm cho chủ doanh nghiệp.
''Thưởng Tết giảm hay không có tiền thưởng nhân viên, người làm chủ cũng rất tâm tư, khó nghĩ'', anh Hiếu nói.
Nguyễn Ngọc Viết Anh trong một quán cafe ở TP HCM, năm 2024. Ảnh nhân vật cung cấp
Nhưng cũng có những người làm việc tốt vẫn không có thưởng Tết bởi nhảy việc gần cuối năm.
Sau 5 năm đi làm, Nguyễn Viết Ngọc Anh, 26 tuổi, ở TP HCM, chưa từng được nhận thưởng Tết, nếu có cũng không quá 300.000 đồng.
Có năm do chàng trai làm trong lĩnh vực marketing mới đi làm được vài tháng thì Tết. Có năm anh làm gần Tết thì xin nghỉ. Năm nay, Ngọc Anh chuyển hướng công việc gần cuối năm nên không có thưởng Tết.
"Có người hỏi sao không cố nhận thưởng Tết rồi hãy đi. Tôi thấy không đáng'', anh nói. Vì lương hàng tháng đã đủ chi tiêu, Ngọc Anh không bận tâm quá nhiều đến khoản tiền thưởng này. Anh ưu tiên trải nghiệm và các cơ hội, thay vì dừng chân ở một doanh nghiệp không phù hợp chỉ để đợi thưởng Tết.
Dù không có thêm khoản tiền nào như bạn bè, nhưng đi qua ba công ty trong năm qua giúp Ngọc Anh có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm và kỹ năng phục vụ công việc hiện tại.
"Tôi nghĩ đó là sự đánh đổi và lựa chọn'', chàng trai hiện là cố vấn marketing doanh nghiệp, nói.
Tết đến là khoảnh khắc mà ai cũng muốn được đoàn tụ bên gia đình sau một năm nhiều thăng trầm. Trong những ngày này, có những người trẻ đang tất bật về quê đón một cái Tết đoàn viên, nhưng cũng có những người trẻ vẫn đang ở nơi xa xứ và đón năm mới trên đất khách quê người.
Nguồn: [Link nguồn]
-25/01/2025 14:27 PM (GMT+7)