Việt Nam một lần nữa phải đương đầu với Covid-19. Sau lần giãn cách xã hội đầu tiên, nhiều lao động trẻ cũng như doanh nghiệp đã rất lao đao. Thế nhưng, phần đông họ đều có những suy nghĩ và hành động tích cực, coi đây là cơ hội để nâng tầm bản thân.
Lao động trẻ sẵn sàng rời thủ đô, tìm việc làm xa nhà
Covid-19 thực sự đang là nỗi ám ảnh cho toàn xã hội. Chúng ta đã thành công trong lần giãn cách xã hội đầu tiên khi không chịu thiệt hại về người, thế nhưng tổn thất về kinh tế rất nặng nề. Nhiều lao động đã mất việc, không ít doanh nghiệp khốn đốn, thậm chí phá sản.
Đợt giãn cách xã hội đó khiến nhiều bạn trẻ rơi vào cảnh mất việc làm. Họ không hề yếu kém về năng lực nhưng doanh nghiệp không còn đủ tiềm lực tài chính nên buộc phải cắt giảm nhân sự. Chính vì vậy, những lao động trẻ này sẵn sàng tìm kiếm cơ hội ở một vùng đất mới.
Bạn Ngọc Mai (33 tuổi, Hà Nội) đã bị cắt giảm biên chế vì Covid-19. Vị trí giám đốc marketing đã không còn đất dụng võ khi mà doanh nghiệp hoạt động khó khăn.
Cô gái Hà Nội đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên, từ việc thích thú khi có thời gian xả hơi đến sợ hãi khi rải cả trăm hồ sơ mà chỉ thấy lác đác vài cuộc điện thoại phản hồi từ nhà tuyển dụng. Và sau đó là những trải nghiệm khi mấy lần về tận Ninh Bình phỏng vấn, thử sức một lĩnh vực hoàn toàn mới.
“Đợt bùng dịch đầu tiên thì chưa biết sợ lắm đâu do trước giờ mình tự tin luôn tìm việc rất nhanh. Lúc đó tự cho mình một tháng nghỉ ngơi, ở nhà xem phim, ngủ nướng và dành thời gian cho gia đình. Xong cũng chỉ chơi một tuần là chán và mình bắt đầu gửi hồ sơ xin việc.
Mình rải hồ sơ liên tục trong hai tuần mà không thấy bên nào gọi. Lúc này bắt đầu thấy hoang mang và cứ thế tiếp diễn trong vài tháng sau, gửi đến 100 cái hồ sơ mà chưa được đến 10 cuộc phỏng vấn và kết quả đỗ thì càng không có.
Mình bắt đầu run nhưng luôn suy nghĩ tích cực. Thời gian này mình sẽ tận dụng để học thêm kiến thức. Thực tế mình đã đăng ký một khóa học ngoại ngữ online. Tuy nhiên những áp lực tâm lý cứ đè nặng nên không thu được nhiều kết quả”, Ngọc Mai chia sẻ.
Trong lúc bối rối đó, Ngọc Mai đã có tư duy đột phá. Cô đã mạnh dạn thử sức ở những lĩnh vực mới và đã được một tập đoàn lớn ở Ninh Bình mời phỏng vấn vị trí giám đốc marketing phát triển mảng du lịch. Đây là thách thức lớn bởi trước đây Ngọc Mai chuyên về công nghệ.
Lúc này Ngọc Mai đứng giữa nhiều lựa chọn. Cô vừa chấm dứt quãng thời gian làm việc gần 5 năm tại TP.HCM để trở về Hà Nội, vậy mà phải đứng trước việc xa nhà một lần nữa. Và rồi cô gái 33 tuổi lại quyết định ra đi để tìm kiếm cơ hội, để thử thách bản thân.
“Mình đã chấp nhận một công việc mới với mức lương không bằng lương cũ nhưng đây là vị trí đầy thử thách nhưng cũng rất tiềm năng. Nói cách khác, đây còn là chiếc phao cứu sinh của mình ở thời điểm đó.
Khó khăn lớn nhất chính là lại phải xa nhà. Công việc đòi hỏi mình phải chuyển về Ninh Bình. Đây không phải quyết định dễ dàng bởi mình vừa rời TP.HCM với mong muốn trở về Hà Nội bên cạnh gia đình.
Covid-19 đã khiến mình thay đổi rất nhiều. Chưa bao giờ mình trân trọng công việc như lúc này. Con gái làm xa nhà cả trăm cây số gặp rất nhiều áp lực, rất nhiều khó khăn, đáng lẽ như bình thường mình đã tìm việc khác nhưng bây giờ biết nhẫn nhịn, biết kiềm chế hơn.
Hơn nữa công việc hiện tại là làm dịch vụ cũng giúp mình bền bỉ hơn, kiên trì hơn và có thể thích nghi với mọi điều kiện, có cái nhìn đa chiều hơn về con người”, Ngọc Mai tâm sự.
Cũng giống với trường hợp của Ngọc Mai, Sơn Tùng (31 tuổi) cũng đã trải qua giai đoạn khó khăn vì Covid-19. Tùng làm việc ở công ty tổ chức sự kiện. Chính bởi vậy đợt bùng dịch đầu tiên khiến toàn bộ công ty bị tê liệt.
Sơn Tùng không nằm trong danh sách bị cắt giảm biên chế bởi có kinh nghiệm và rất đa năng. Song anh chỉ được hỗ trợ mức lương tối thiểu để duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, chàng trai 31 tuổi vẫn rất lạc quan.
“Tất cả mọi kế hoạch của công ty đều bị đảo lộn, không có dự án hay hợp đồng nào được triển khai. Nhưng rồi chúng mình đã vượt qua được giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua. Hiện tại, mình đang muốn xung phong vào phát triển thị trường tại TP.HCM.
TP.HCM là đầu tàu kinh tế nên sức hồi phục sẽ nhanh hơn, cơ hội phát triển cũng nhiều hơn. Tuy nhiên việc phải rời gia đình ở Hà Nội lúc này không hề dễ dàng. Mình là con một, nên nếu vào Nam sẽ chỉ còn bố mẹ ở nhà. Hơn nữa việc kết hôn cũng sẽ phải hoãn lại vài năm càng khiến cho phụ huynh phản đối.
Tuy nhiên mình vẫn quyết Nam tiến bởi đây là thời cơ tốt để bản thân có một hướng đi mới, thậm chí là một bước tiến trong sự nghiệp. Mình còn trẻ nên xông pha một chút chứ vài năm nữa chắc gì cơ hội lại đến”, Sơn Tùng cho biết.
Doanh nghiệp mạnh dạn đổ tiền đầu tư, tự tin “sau Covid-19 trời lại sáng”
Lao động trẻ lao đao vì Covid-19 bao nhiêu thì doanh nghiệp còn khốn khổ hơn gấp nhiều lần. Đợt giãn cách xã hội đầu tiên đã khiến rất nhiều công ty, cơ sở sản xuất điêu đứng, thậm chí không ít nơi phải tuyên bố phá sản.
Những ngành dịch vụ, tổ chức, phục vụ lễ hội vui chơi giải trí và các mặt hàng liên quan gần như đóng băng trong đợt bùng dịch đầu tiên. Thế nhưng không phải ai cũng bi quan. Nhiều chủ doanh nghiệp vẫn có tư duy tích cực, có tầm nhìn và không ngần ngại thể hiện bằng hành động.
Anh Ngọc Thức (35 tuổi, Phú Thọ) đã có hơn 10 năm kinh doanh thời trang thể thao. Quy mô công ty không quá lớn nhưng để đảm bảo chế độ cho tất cả nhân viên từ bộ phận kho, xưởng, kinh doanh không phải chuyện dễ dàng. Anh chia sẻ mọi tính toán cho kế hoạch 6 tháng đầu năm 2020 đều phá sản, công ty lỗ tiền tỷ nhưng không vì thế mà nản chí.
“Cuối năm 2019 chúng tôi cho sản xuất lô hàng lớn để phục vụ nhu cầu của khách hàng sau Tết Nguyên đán. Mọi năm đây là dịp kinh doanh rất thuận lợi bởi nhiều lễ hội, vui chơi khai xuân và các giải thể thao phong trào nở rộ khắp mọi nơi.
Thế nhưng Covid-19 đã phá hỏng tất cả. Mọi hoạt động không cần thiết phải hủy bỏ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi ôm một kho hàng khổng lồ trong khi chi phí đầu vào để sản xuất quá lớn.
Quãng thời gian dịch bệnh được kiểm soát vừa qua tình hình cũng không khả quan. Đặc thù của ngành thời trang là luôn phải thay đổi mẫu mã để cạnh tranh nên hàng tồn chỉ có thể bán thanh lý. Hơn nữa, thị trường cũng chưa hồi phục để kích cầu mua sắm. Thiệt hại lên đến cả tỷ đồng.
Tuy nhiên mình chưa bao giờ nản chí. Ngược lại còn nhìn thấy cơ hội để phát triển thương hiệu. Covid-19 tác động đến toàn xã hội nên đây là thời điểm quyết định thắng bại trong kinh doanh.
Nhiều nơi không còn vốn để đầu tư nên đối thủ cạnh tranh sẽ giảm xuống. Hơn nữa bây giờ đàm phán giá cả với đối tác mua nguyên liệu cũng được nhiều ưu đãi. Mình tiếc là không có nhiều tiền hơn nữa để đi gom hàng.
Đợt dịch Covid-19 lần này diễn ra phức tạp hơn, số ca dương tính không ngừng tăng lên nhưng Việt Nam đã có kinh nghiệm phòng, chống dịch. Ý thức của từng người dân cũng đã nâng cao nên mình tin tưởng khó khăn sẽ nhanh chóng qua đi.
Mình vừa đầu tư thêm gần 500 triệu để xây mới cửa hàng. Có thể nhiều người nói mình điên rồ nhưng đây là thời cơ để doanh nghiệp khẳng định chỗ đứng. Mình khẳng định niềm tin chúng ta sẽ một lần nữa chiến thắng đại dịch”, anh Ngọc Thức cho hay.
Từ những câu chuyện kể trên, chúng ta có thể thấy nhận thức của các bạn trẻ, các doanh nghiệp đang rất tích cực. Dù phải đối mặt với vô số khó khăn cả về tinh thần cũng như vật chất song họ vẫn vững vàng một niềm tin, rằng dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, kinh tế sẽ phục hồi và cuộc sống sẽ lại trở nên tươi đẹp.
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |