Những nghi thức lễ cưới độc lạ nhất 2024: Người đưa nồi cơm, người bê hẳn nồi lẩu lên sân khấu
Mỗi nghi thức lễ cưới đều có một ý nghĩa tốt đẹp riêng, và trong năm 2024 này cũng có nhiều nghi thức lễ cưới độc lạ khác khiến mạng xã hội xôn xao.
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao trong hầu hết các đám cưới thường có nghi lễ chú rể cô dâu cùng nhau rót rượu và cắt bánh không? Cắt bánh cưới mang ý nghĩa là san sẻ yêu thương, chia sẻ ngọt bùi, vợ chồng đồng sức đồng lòng, đồng cam cộng khổ suốt hành trình hôn nhân.
Trong khi đó, tháp rượu tràn ly mang ý nghĩa mong muốn hạnh phúc sẽ tràn đầy, màu đỏ của rượu cũng tượng trưng cho may mắn và tình yêu sâu đậm của cặp đôi. Chính vì vậy, cắt bánh và rót rượu là 2 nghi lễ quan trọng trong đám cưới.
Nhưng ngày càng nhiều cặp đôi đã sáng tạo, lựa chọn thay thế việc cắt bánh và rót rượu bằng các nghi lễ khác trong đám cưới, ví dụ như rót cát, trồng cây, rót gạo,in dấu vân tay, vẽ tranh,… Mỗi nghi thức lễ cưới đều có một ý nghĩa tốt đẹp riêng, và trong năm 2024 này cũng có nhiều nghi thức lễ cưới độc lạ khác khiến mạng xã hội xôn xao.
1. Nấu cơm ngay trên sân khấu
Cặp đôi nấu cơm ngay trên sân khấu.
Cách đây vài ngày, cô dâu Khánh Chi và chú rể Trọng Khang (Hà Nội) đã mang gạo và nồi cơm điện lên sân khấu nấu, thay vì nghi thức rót rượu thông thường. Trên sân khấu, trước sự chứng kiến của mọi người, cô dâu đã đổ gạo vào nồi, còn chú rể thêm nước, cả hai cùng nhau nấu cơm, hiện thực hóa câu nói quen thuộc “góp gạo thổi cơm chung”.
Chia sẻ với Thanh Niên, cô dâu Khánh Chi cho biết, toàn bộ nghi thức nấu cơm được thực hiện tự nhiên, không tập dượt trước. Trong lúc hai vợ chồng đang nấu cơm, cô đã nhờ người dẫn chương trình đọc thông điệp về nghi thức này.
"Chúng tôi thực hiện với ý nghĩa cả hai cùng vun vén cho mái ấm nhỏ. Khi chưa cưới, cả hai thường xuyên ăn ngoài nhưng từ giờ trở đi sẽ nấu ăn chung để có những bữa cơm đầy đủ. Đây cũng là cột mốc đánh dấu tụi mình về chung một nhà, yêu thương và chia sẻ với nhau", Khánh Chi cho hay.
Clip cô dâu chú rể nấu cơm trên sân khấu (Nguồn: Kể chuyện cùng Tú)
2. Nghi thức “nhúng lẩu” độc lạ
Vào đầu tháng 11, một cặp đôi ở Hà Nội cũng gây xôn xao mạng xã hội khi thực hiện nghi thức “có một không hai” trong lễ cưới – nhúng lẩu. Trong video, chú rể nhúng lẩu và mời cô dâu thưởng thức ngay trên sân khấu.
Cặp đôi nhúng lẩu ngay trên sân khấu.
Chia sẻ với Vietnamnet, chú rể Nguyễn Duy Tùng (SN 1994, Hà Nội) cho biết, ý tưởng và kế hoạch đưa việc nhúng lẩu vào lễ cưới do anh và cháu trai nghĩ ra. Tuy nhiên, anh không áp dụng một cách máy móc mà dựa trên công việc và câu chuyện tình yêu của mình để tạo ra nghi thức “có một không hai” này.
Theo đó, anh kinh doanh quán lẩu và vợ anh là khách hàng thân thiết. Khi đến ăn lẩu tại quán của anh, bạn gái thường góp ý thẳng thắn và cả hai bắt đầu liên lạc, nhắn tin qua lại từ đó. Cả hai còn cùng sinh hoạt đoàn tại địa phương nên có cơ hội tiếp xúc rồi dần dần nảy sinh tình cảm và quyết định về chung nhà. Từ những kỷ niệm đặc biệt đó, anh Tùng quyết tâm đưa món lẩu lên sân khấu, tạo bất ngờ cho cô dâu.
Anh Tùng cho biết thêm, lễ cưới của anh không sử dụng bánh kem. Hai vợ chồng chỉ rót rượu mời bố mẹ, tưới cây hạnh phúc và nhúng lẩu. Lẩu được đun sôi trước rồi mới bưng lên sân khấu, kèm 1 đĩa thịt bò sống. Khi thực hiện nghi thức này, anh không sợ mọi người bàn tán, anh chỉ muốn thể hiện tình cảm và lời hứa chăm lo cho vợ những bữa ăn đầm ấm.
3. Rót trà sữa
Cặp đôi rót trà sữa thay cho rót rượu vang.
Rót trà sữa cũng là một trong những nghi lễ cưới độc lạ mới xuất hiện thay cho nghi thức rót rượu. Đám cưới của chú rể Nguyễn Chính Trương (27 tuổi) và cô dâu Phạm Thị Thu Hường (26 tuổi) tại huyện Hoài Đức, Hà Nội cách đây không lâu cũng thực hiện nghi thức rót trà sữa thay vì rót rượu vang.
Chia sẻ với Dân Trí, Chính Trương cho biết anh muốn tặng cô dâu một điều đặc biệt trong đám cưới. Ý tưởng phá cách của anh được bố mẹ ủng hộ, vì vừa tránh lãng phí vừa thể hiện được sự chu đáo của gia đình. Chú rể cũng tính đến sự cố rượu vang đỏ dính lên váy cưới cô dâu, khi đó chi phí đền bù rất lớn.
Cặp đôi này cũng sử dụng bánh bông lan trứng muối thay cho bánh kem.
4. Nghi thức đút tiền vào heo vàng
Một nghi thức khác mới xuất hiện trong đám cưới đó chính là đút tiền vào heo vàng. Trên sân khấu, cô dâu và chú rể sẽ cùng nhau đút tiền vào một con heo vàng để tiết kiệm.
Nghi thức này không chỉ đơn thuần là bỏ ống heo mà còn mang ý nghĩa sâu sắc là từ hôm nay, cô dâu chú rể sẽ cùng nhau vun vén cho tổ ấm gia đình.
Nguồn: [Link nguồn]
Mẹ đẻ tặng con gái 1.000 cây vàng, cô dâu Thanh Hóa đeo “vàng lồng vàng”, hai họ tặng nhiều quà đến mức không kịp kiểm kê... là những đám cưới “gây...