Những mảnh đời chờ hồi sinh

Được coi như cữ “giáp hạt”, năm nay Tết Nguyên đán nghỉ dài, mùa thiếu máu càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt là nhóm máu A và O.

Tôi đến Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, tận thấy các bệnh nhân và bác sĩ chờ máu còn hơn cả trời hạn trông mưa, có những người sẽ chết nếu không được tiếp máu kịp thời...

Những mảnh đời chờ hồi sinh - 1

Những người chờ truyền máu ở Viện Huyết học.

Người bệnh mòn mỏi chờ máu

Bé Hoàng Thị Thu mặt xanh như tàu lá, tay dính chặt vào chiếc kim truyền máu. Mới 7 tuổi, đôi tay gầy nhỏ của Thu đã phải dính vào cái kim tiêm to tướng ấy từ lúc lên ba. Thu bị bệnh tan máu bẩm sinh: Hồng cầu sẽ vỡ theo thời gian do đột biến gien. Căn bệnh quái ác này sẽ không bao giờ chữa khỏi và cách điều trị duy nhất là phải truyền máu. Nếu không truyền máu kịp thời, bệnh nhân sẽ chết.

Mỗi tháng một lần, hai mẹ con Thu từ Tuyên Quang xuống Viện Huyết học để tiếp máu 10 ngày. Nhưng thời gian này, xuống đây vẫn phải chờ vì bệnh viện đang thiếu máu. Mũi của bé gái này đã bị lệch và dẹp xuống bởi khi “đói” máu quá lâu, các xương mặt, xương hàm và hộp sọ sẽ bị đứt gãy và trở nên biến dạng. Nhưng biết làm gì khi bệnh viện hàng đầu về huyết học cũng đang thiếu máu?

Ở đây, có nhiều người đang phải chờ như bé Thu. Hơn 100 bệnh nhân đến đợt tiếp máu trong tổng số 1.500 người bị tan máu bẩm sinh phải thường xuyên qua đây tiếp máu nếu không sẽ chết.

Thạc sĩ Vũ Hữu Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Tan máu bẩm sinh (Thalassemia) cho hay: “Mỗi một ngày bệnh nhân phải truyền 70-90 khối hồng cầu, mỗi tháng cần từ 3-400 đơn vị máu (mỗi một đơn vị máu khoảng 250 - 300ml). Nhưng hiện nay viện đang thiếu máu để truyền, đặc biệt là nhóm máu A và nhóm máu O. Chúng tôi cũng phải dè sẻn, đáng lẽ truyền 90 khối hồng cầu thì giảm xuống, chỉ truyền 70 thôi”.

Nhà chờ truyền máu la liệt những người nằm trên ghế. Họ ở Hà Nội, chỉ cần truyền máu xong, có thể về nhà. Nhưng trong mùa thiếu máu này họ còn phải chờ dài. 

Bé Lò Ngọc Tuấn, 6 tuổi ở Văn Chấn (Yên Bái) bụng to khác thường do bệnh tan máu bẩm sinh đã trở nên biến chứng. Từ khi mắc bệnh, bố ruồng bỏ, mẹ đi lấy chồng biệt xứ, bé ở với bà ngoại. Bà ngoại nghèo phải đi chăn trâu cắt cỏ thuê để có tiền đưa Tuấn xuống Hà Nội truyền máu. Có lần, vì thiếu máu quá nặng nên Tuấn ngất lịm đi, nhưng lúc đó bệnh viện không còn máu dự phòng. Bà đi gọi bố đẻ để truyền máu cho con nhưng người bố nhất định không cho.

Tôi nhìn gương mặt nhợt nhạt của bé Tuấn, bé Nhung và những người đang vật vờ chờ truyền máu ở đây, chợt hoang mang khi biết Việt Nam có tới hơn 5 triệu người mang gien căn bệnh phải sống nhờ vào máu của người khác này. Sẽ ra sao nếu mùa thiếu máu kéo dài?

Trong cái thiếu đó, trầm trọng nhất là nhóm máu A. Nguyễn Thanh Tuấn, quê ở Bắc Ninh, mắc bệnh hiểm nghèo về máu, đã 7 ngày nay không đủ nhóm máu A để truyền.  Tuấn ngồi trên giường bệnh, lấy tay lau nước mắt, gương mặt xanh lét ánh lên cái nhìn đã nhuốm màu tuyệt vọng.

Tôi đến kho dự trữ máu của khoa Điều trị hóa chất. Cả kho hầu như đã trống rỗng, chỉ còn 3 đơn vị máu nhóm A. Trong khi đó, những người cần nhóm máu A như Tuấn đang xếp hàng dài và hẳn chờ đợi lâu đồng nghĩa với cái chết.

Có những thời điểm khan hiếm máu quá, các bác sĩ của Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư đã hiến máu cho các bệnh nhân. Người nhà của bệnh nhân cũng phải chìa cánh tay ra hiến máu bởi không còn cách nào khác.

Những mảnh đời chờ hồi sinh - 2

Sinh mạng của bé Nhung phụ thuộc vào nguồn máu của người khác.

“Sinh mệnh của bạn và tôi”

Thạc sĩ Nguyễn Văn Nhữ, Phó Trưởng khoa Vận động và tổ chức hiến máu (Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư) cho hay, mỗi năm Việt Nam cần 1,8 triệu đơn vị máu, nhưng hiện nay chỉ thu được xấp xỉ một triệu, mới đáp ứng 53% nhu cầu. Viện không chỉ điều trị cho các bệnh nhân mà còn cung cấp máu cho 123 bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh khác.

Nguồn máu ấy, giống như tấm chăn quá hẹp, người này ấm thì người kia lạnh. Các bác sĩ sử dụng máu điều trị như thể con nhà nghèo, kiểu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, có những thời điểm tạm đủ. Nhưng biểu đồ thiếu máu cũng rất khấp khểnh, trong đó, dịp hè và Tết được coi như mùa “giáp hạt” khi mà lực lượng hiến máu chính là học sinh, sinh viên nghỉ hè nghỉ Tết.

Vào dịp này, chương trình hiến máu Chủ nhật Đỏ do báo Tiền Phong phối hợp với Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư tổ chức được ví như cơn mưa giữa ngày nắng hạn, “một miếng khi đói…” làm ấm lòng và mang đến sự sống cho nhiều người bệnh. Điều quan trọng hơn những giọt máu, Chủ nhật Đỏ đã “kích hoạt” tinh thần, ý thức hiến máu trong mỗi người, xem đó như  “sinh mệnh của bạn và tôi”, không thuần túy là một việc làm từ thiện.

Chủ nhật Đỏ này ngày càng đông những người trẻ chìa cánh tay ra hiến máu. Tâm lý e ngại hiến máu đầu năm mới đã bị phá vỡ, ngày mồng một Tết đã có các bạn sinh viên tới đây hiến máu coi như một cách khai xuân thiết thực nhất.

Ông Nhữ nhấn mạnh, việc nhà quản lý đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp…chìa tay hiến máu có tác dụng hiệu triệu rất lớn đối với cấp dưới của mình và kéo theo hàng trăm hàng nghìn người tham gia.

Đến thời điểm này,  mùa thiếu máu vẫn còn gay gắt và có những người bệnh đang mòn mỏi chờ máu. GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư tha thiết: “Máu có thể chờ người bệnh, nhưng người bệnh không thể chờ máu. Vì thế, mỗi người tham gia hiến máu là góp phần đem đến hy vọng sống cho người bệnh”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phùng Nguyên (Tiền phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN