Những dấu hiệu bạn có nguy cơ mất việc
Để biết bản thân mình có nằm trong diện “quy hoạch giải tỏa” hay không, bạn nên chú ý một số vấn đề.
Khi công ty đang gặp khó khăn, việc đầu tiên các nhà quản lý, lãnh đạo nghĩ tới là sắp xếp lại bộ máy nhân sự sao cho tinh gọn, hiệu quả. Khi đó, để biết bản thân mình có nằm trong diện “quy hoạch giải tỏa” hay không, bạn nên chú ý một số vấn đề:
- Hãy kiểm tra lại năng suất lao động của mình trong thời gian ít nhất 6 tháng trở lại đây. Nếu bạn có sự trồi sụt bất thường hoặc không đạt yêu cầu thì nguy cơ được đưa vào danh sách ưu tiên cho nghỉ việc là khá cao.
- Hãy nhìn lại quá trình làm việc của mình tại doanh nghiệp, qua từng giai đoạn, các đánh giá của lãnh đạo dành cho bạn như thế nào? Nếu chỉ là những nhận xét chung chung, vô thưởng vô phạt, tệ hơn là một vài lần đánh giá không tốt về hiệu quả công việc của bạn... thì khả năng họ đưa tên bạn vào dành sách tinh giản cũng sẽ rất lớn.
Năng suất lao động và uy tín với đồng nghiệp là thước đo đánh giá năng lực nhân viên (Ảnh minh họa)
- Kiểm tra lại xem các yếu tố như: tinh thần tương thân tương ái, sự hòa đồng, đức hi sinh, sự nhường nhịn... của bạn đối với tập thể ở mức độ nào? Những điều này tạo nên sự gắn kết trong tập thể. Nếu thiếu nó, bạn có nguy cơ phải ra đi.
- Khi kiểm tra các vấn đề trên mà thấy mình vượt qua thì bạn nên tìm hiểu mức lương của mình so với đồng nghiệp. Nếu từ trước đến nay, bạn vẫn được ưu ái dành cho mức lương cao hơn đồng nghiệp rất nhiều thì trong tình hình khó khăn hiện nay, điều đó sẽ bị xem xét, điều chỉnh. Một khi bạn không đồng ý giảm lương thì khả năng bạn phải ra đi cũng khó tránh.
Và cuối cùng, bạn nên soát xét lại mối quan hệ của mình và sếp quản lý trực tiếp cũng như đồng nghiệp trong bộ phận. Nếu những người này “không thương, không ghét” hoặc sự có mặt của bạn chẳng gây ấn tượng gì với họ thì bạn cũng sẽ bị đưa vào danh sách “dự bị ra đi”.
Tóm lại, theo các chuyên gia lao động, muốn giữ việc thì người lao động đừng bao giờ chờ “nước đến trôn mới nhảy”. Từng ngày, từng giờ, bạn phải cố gắng, chăm chỉ làm việc; phải luôn nghĩ rằng sự tồn tại của doanh nghiệp gắn liền với sự tồn tại của chính mình. Với tinh thần ấy thì dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất, bạn cũng không phải là lựa chọn đầu tiên khi sếp muốn cắt giảm nhân lực.
Xem thêm các bài viết liên quan:
Tôi suýt mất việc vì nói xấu sếp