Những cặp vợ chồng làm 'hợp đồng tiền hôn nhân'
Khi còn độc thân, Thúy Vi lập sẵn danh sách về tiêu chí chọn bạn đời và một bản thỏa thuận tiền hôn nhân quy định mọi vấn đề có thể phát sinh trong cuộc sống vợ chồng.
Trong bản thỏa thuận đó, người phụ nữ 32 tuổi đang là công chức tại TP HCM xác định các điều khoản lớn cần thống nhất gồm: sinh con, nghĩa vụ tài chính, quyền thừa kế, nghĩa vụ phụng dưỡng ba mẹ và con cái trong trường hợp xấu nhất, phân chia việc nhà và trách nhiệm nâng đỡ nhau lúc khó khăn.
Về tài chính, cô liệt kê các khoản cần chia sẻ gồm chi phí sinh hoạt hàng ngày, trả nợ, phụng dưỡng ba mẹ (nếu cần), bảo hiểm, đầu tư, phát triển bản thân, du lịch. Trong đó, Thúy Vi muốn khi kết hôn, cả hai vợ chồng cô sẽ phải đóng góp 80% thu nhập vào quỹ chung, chi cho tất cả khoản kể trên. Việc nhà cũng chia đôi.
Về con cái, cô nghĩ cần thống nhất nên sinh mấy con, trong trường hợp hiếm muộn có xin con nuôi hay không.
Cô cũng xác định sẽ cùng chồng tương lai công khai mọi kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, tài chính và tất cả các khoản đầu tư, tiết kiệm cho đối phương biết. Nhưng cả hai phải đồng ý nếu chẳng may một trong hai qua đời trước, vợ chồng không can thiệp vào tất cả tài sản đứng tên người kia trước cưới. Những tài sản trong hôn nhân chia theo luật. Còn phụng dưỡng, ba mẹ cô không có lương hưu nên được hỗ trợ nhiều hơn.
Không chỉ có vậy, bản "hợp đồng tiền hôn nhân" của Thúy Vi còn nêu ra cả những chi tiết tưởng nhỏ như vợ chồng không cãi nhau trước mặt người ngoài, đặc biệt trước mặt con. Cãi nhau nhưng không được đổi cách xưng hô. Một bên lớn tiếng thì bắt buộc bên kia phải nhịn, khi bình tĩnh mới nói chuyện tiếp.
Năm 2021, Thúy Vi tìm được Anh Huy, hơn một tuổi, làm trong ngành ngân hàng, đạt đủ tiêu chí cô đề ra. Khi tính chuyện cưới xin, cô gái đưa thỏa thuận trước cưới đã soạn sẵn ra để cả hai cùng bàn. "Sau một buổi nói chuyện chúng tôi hoàn tất các điều khoản", cô kể.
Thúy Vi và chồng trong một chuyến du lịch Phú Quốc, năm 2021. Ảnh: Vi Vi
Năm 2019, khi quyết định về chung một nhà với chàng trai người Mỹ tên Wiliam, Mỹ Linh (ở Lâm Đồng) cũng dành một ngày đàm phán "hợp đồng tiền hôn nhân".
Cô hỏi chồng về việc họ có sống chung với bố mẹ chồng hay không, nếu có sẽ cần đặt ra những nguyên tắc như thế nào. Sang Mỹ, cô chưa đi làm thì anh phải là người chu cấp tài chính. Vậy tiền lương của chồng hàng tháng cô là người giữ hay anh.
"Chúng tôi cũng thống nhất trước, tôi sẽ ở nhà nội trợ để anh đi làm thì anh không được phép càm ràm", Mỹ Linh nói.
William thống nhất với vợ sẽ ở riêng và "trả lương" cho cô để lo nội trợ. Tiền đó, Mỹ Linh có thể gửi về cho gia đình hoặc chi tiêu tùy ý. Lương của anh cũng giao vợ giữ. Khi chi tiêu khoản nào lớn hai vợ chồng bàn nhau mới đi đến thống nhất.
Họ thỏa thuận sẽ sống chung hai năm rồi mới quyết định sinh con để hiểu hết về đối phương. "Khi đạt được thỏa thuận tôi mới đồng ý sang Mỹ. Nó giúp chúng tôi an tâm và hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với cuộc hôn nhân này", cô nói.
Mỹ Linh dùng bữa trong một nhà hàng ở Mỹ, tháng 3/2022. Ảnh: Linda
Chưa có thống kê nhưng bà Nguyễn Thị Tâm, chuyên gia có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình (TP HCM) nhận thấy làm thỏa thuận, thậm chí "hợp đồng tiền hôn nhân" có ký kết đang gia tăng trong giới trẻ Việt Nam do ảnh hưởng của lối sống phương Tây.
Báo cáo khảo sát của Harris Poll năm 2022 cho thấy 15% người Mỹ trưởng thành cho biết họ đã ký hợp đồng tiền hôn nhân, tăng 12% so với năm 2010. 35% những người chưa kết hôn cho biết có khả năng làm vậy trong tương lai.
"Ngày nay người trẻ kết hôn muộn nên có tài sản riêng nhiều. Một số người tái hôn hoặc hôn nhân có yếu tố nước ngoài cũng muốn mọi thứ rõ ràng ngay từ đầu", bà Tâm nói và nhận định việc làm này giúp cả hai đạt được công bằng khi bước vào hôn nhân bởi không chỉ thỏa thuận tài sản, các đôi giống như vợ chồng Thúy Vi, bàn nhiều vấn đề khác xoay quanh mối quan hệ.
54% trong gần 700 độc giả tham gia khảo sát của VnExpress cũng ủng hộ làm thỏa thuận hoặc hợp đồng tiền hôn nhân vì cho rằng rất cần đặt ra quy tắc, làm rõ trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ để có sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng.
Tiến sĩ Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Gia đình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đánh giá cao những cặp vợ chồng có sự chuẩn bị cho hôn nhân như Thúy Vi hay Mỹ Linh. Vụ Gia đình đang triển khai tiếp chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, với một trong hai nhiệm vụ là xây dựng mô hình dịch vụ công về giáo dục kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc cho nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn.
Theo bà Ánh, nhiều người trẻ ngày nay chỉn chu và hiểu biết hơn trong hôn nhân, nhưng vẫn không ít người chưa chú ý chuẩn bị. Các vấn đề về xây dựng hôn nhân đôi khi nhạy cảm, khó nói, cha mẹ chưa biết cách truyền đạt cho con. Về phía nhà trường hay các cơ quan giáo dục lại chưa cụ thể hóa được các nội dung này để định hướng, phó mặc cho các gia đình.
"Vì thiếu sự chuẩn bị nên đôi khi các đôi mới cưới nhau về năm trước, năm sau đã li hôn", bà Tuyết Ánh nói.
Báo cáo của tòa án củng cố quan điểm của bà Tuyết Ánh khi cho biết, trung bình hàng năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn, 70% thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18-30, 60% ly hôn sau từ 1-5 năm chung sống. Thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cho biết mâu thuẫn lối sống là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến khủng hoảng hôn nhân, chiếm gần 28%.
Trước khi có hạnh phúc ở hiện tại, Thúy Vi từng có cuộc hôn nhân kéo dài chỉ ba năm vì thiếu sự chuẩn bị. Cô kể ở cuộc hôn nhân trước, sinh hoạt phí, thuê nhà hầu như mình cô xoay xở, còn chồng dành tiền đầu tư. Anh đi nhậu từ sáng tới khuya mới về, Thúy Vi đi làm rồi cơm nước đợi chồng về. Cả hai đi trên con đường hàng trăm kilomet nhưng số lần giao tiếp với nhau đếm trên đầu ngón tay.
"Chúng tôi không hiểu về nhau, cũng không đặt ra nguyên tắc vợ chồng ngay từ đầu nên bối rối với hôn nhân, dẫn đến đổ vỡ", cô nói. Những thương đau, xước xát trong mối quan hệ cũ là kinh nghiệm để Thúy Vi xác định cần lập thỏa thuận tiền hôn nhân ngay từ đầu.
Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm lưu ý, thỏa thuận tiền hôn nhân cũng sẽ có những rủi ro vì lúc yêu nhau, một người có thể dễ dàng chấp nhận mọi điều khoản đối phương đưa ra, nhưng khi sống chung, lại vi phạm thỏa thuận vì không còn tôn trọng đối tác.
Nếu chỉ là thỏa thuận đơn thuần mà không có ký kết bằng văn bản pháp luật rất khó làm chủ cục diện. "Cho nên trước khi bắt đầu một mối quan hệ yêu đương, quan trọng vẫn là tìm hiểu kỹ mọi mặt ở đối phương để chắc chắn họ tôn trọng thỏa thuận", bà Tâm khuyên.
Thúy Vi và Mỹ Linh đều ủng hộ và làm đúng như thế. Riêng Thúy Vi vạch hẳn một danh sách tiêu chí của "Mr. Right" (Người đàn ông phù hợp) gồm ngoại hình, nhân cách, sức khỏe, vị trí địa lý, quan điểm sống, chuyện giường chiếu, mối quan hệ xung quanh, cách cư xử với người yêu rồi mới hẹn hò. Cô thừa nhận dẫu chuẩn bị chu đáo thì vẫn có những điều trong hôn nhân không thể lường trước dẫn đến bất đồng.
Để duy trì hạnh phúc, Mỹ Linh chọn làm kiểm điểm hôn nhân mỗi năm, còn Thúy Vi cập nhật liên tục các điều khoản vào thỏa thuận của hai người.
"Nhiều người nói lấy chồng như đánh bạc, nhưng đánh bạc là hên xui, còn nếu nghĩ chọn chồng cũng hên xui thì là do không hiểu biết", Thúy Vi nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Có những câu nói mà mức độ tổn thương nó mang đến còn lớn hơn tất cả mọi thứ. Để rồi sau đó cuộc hôn nhân sứt mẻ cũng chỉ vì điều này.