Những bức ảnh gây hiểu lầm trên mạng xã hội Việt
Đó là những bức ảnh gây ra hiểu lầm hoặc tranh cãi lớn trong cộng đồng mạng.
“Một bức ảnh hơn ngàn lời nói”, đằng sau mỗi bức ảnh luôn là cả một câu chuyện dài người chụp muốn kể lại. Tuy vậy, không phải lúc nào những gì được ống kính ghi lại cũng phản ánh đúng câu chuyện thật đằng sau đó. Có những bức ảnh khiến dân mạng hiểu lầm, hiểu sai sự thật nhưng cũng có những bức ảnh mà sự thật được ghi lại trong đó bị dân mạng nghi ngờ.
Bức ảnh chú chó nằm trong chiếc giỏ của “chú bé” đánh giày
Những ngày gần đây, hình ảnh chú cún nhỏ nằm ngay ngắn trong chiếc giỏ đánh giày của một "cậu bé" Sài Gòn đã gây xúc động mạnh trong cộng đồng mạng. Hầu hết mọi người đều cảm nhận được mối tình nghĩa đáng trân trọng giữa “cậu chủ” nghèo và chú chó nhỏ, không phân biệt sang hèn được ghi lại trong bức ảnh.
Bức ảnh "gia tài" của "chú bé" đánh giày gây xúc động mạnh trong cộng đồng mạng
Nhưng trên thực thế, chủ nhân của “gia tài” đặc biệt đựng trong chiếc giỏ đó không phải một cậu nhóc mà là một người đàn ông cao lớn sinh năm 1977, có dáng vẻ lấm lem, luộm thuộm. Người đàn ông đánh giày bị câm, còn chú chó nhỏ bị mù, hai “số phận” đặc biệt nương tựa vào nhau "mưu sinh" giữa đất Sài Gòn đầy xa hoa, huyên náo.
Chủ nhân của chiếc giỏ đánh giày và chú chó là một người đàn ông lớn tuổi (Ảnh: Tri thức trẻ)
Khi biết được chủ nhân thực sự của chiếc giỏ đặc biệt trong bức ảnh, cộng đồng mạng càng cảm động hơn. Người đàn ông câm không màng đến sự thiếu thốn, cực khổ của mình, hàng ngày vẫn chăm sóc chú chó đầy đủ. Còn chú chó mù chẳng chê chủ nghèo, sáng, chiều ngoan ngoãn theo chủ rong ruổi khắp các con phố Sài Gòn để mưu sinh. Họ giống như một điểm sáng khiến những người đang mải miết chạy theo nhịp sống tấp nập của Sài Gòn phải bước chậm lại để ngoái nhìn.
Bức ảnh cô dâu, chú rể đỡ xe đồng nát
Hình ảnh cô dâu mặc váy trắng, chú rể mặc áo sơ mi khom mình nâng chiếc xe chở đồng nát giúp người dân cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng mạng. Hầu hết đều dành cho cặp đôi lời khen ngợi về hành động đẹp của mình.
Hình ảnh cô dâu, chú rể khom mình đẩy xe rác bị cư dân mạng nghi ngờ dàn dựng
Tuy vậy, không ít ý kiến cho rằng, đó chỉ là một bức ảnh dàn dựng bởi nhiều người không tin, cô dâu, chú rể lại có thể bất chấp việc buổi chụp hình cưới bị gián đoạn để nâng chiếc xe đồng nát đầy bụi bẩn giúp người dân. Nhưng ngay sau đó, ekip chụp ảnh đã lên tiếng xác nhận, những gì được ghi lại trong ảnh hoàn toàn là sự thật.
Tưới cây ban đêm trong thời tiết mưa kéo dài
Trong những ngày đầu tháng 8, trời mưa tầm tã, một bức ảnh ghi lại cảnh công nhân mặc áo mưa cầm vòi tưới cây xanh vào ban đêm đã thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng mạng.
Nhiều người thắc mắc, không hiểu tại sao công nhân lại miệt mài tưới cây giữa trời mưa. Tuy nhiên, sự thật đằng sau bức ảnh lại không phải vậy.
Hình ảnh công nhân mặc áo mưa tưới cây giữa trời đêm khiến nhiều người thắc mắc
Rất nhiều cư dân mạng khi quan sát kỹ bức ảnh đã nhận ra rằng, chiếc xe trong ảnh có ghi dòng chữ: "Vì môi trường xanh sạch đẹp", đó không phải là xe của công ty cây xanh nên hẳn không có nhiệm vụ tưới cây. Hơn nữa, các công ty cây xanh thường sử dụng xe có hệ thống tưới nước tự động chứ hiếm khi công nhân trực tiếp cầm vòi tưới cây nên rất có thể họ đang thực hiện nhiệm vụ khác.
Trước những thắc mắc của cộng đồng mạng, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) đã có hồi đáp. Đại diện phía công ty khẳng định, không có chuyện công nhân tưới cây dưới trời mưa tầm tã mà khi đó họ đang thực hiện nhiệm vụ rửa đường.
Trường hợp này là minh chứng rõ nét cho việc không phải lúc nào hình ảnh cũng có thể thay lời nói truyền tải thông tin.
Cô gái giết chó ăn mừng sinh nhật
Thời điểm đầu tháng 7/2015, câu chuyện một cô giáo đăng ảnh giết chó mừng sinh nhật cùng dòng chữ: “Chị xin lỗi em, chị sẽ ăn em thật ngon miệng” trên Facebook khiến cư dân mạng “dậy sóng”. Rất nhiều người tỏ ra phẫn nộ vì cho rằng, hành động đó của cô giáo là thiếu nhân văn.
Hình ảnh chú chó bị trói tứ chi trên Facebook khiến cô gái bị cư dân mạng hiểu lầm
Tuy nhiên, ngay sau đó, chủ nhân của Facebook là Triệu Thị Lý (sinh năm 1992, Yên Bái) đã lên tiếng xác nhận mình bị hack nick. Cô gái không hề đăng bức ảnh chú chó bị buộc mõm và trói tứ chi cùng dòng chữ đó. Tuy kịp thời giải thích nhưng cô gái vẫn phải chịu nhiều áp lực từ hình ảnh “trên trời rơi xuống” gây ra hiểu lầm lớn này.
Trong thời buổi mạng xã hội phát triển, rất nhiều thông tin, hình ảnh chưa kiểm chứng vẫn được chia sẻ rộng rãi ,gây ra hiểu lầm và hậu quả không đáng có. Bởi vậy, mỗi cư dân mạng nên cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra bất kỳ lời phán xét nào liên quan đến hình ảnh mình thấy được trên mạng xã hội.