Những bài học "xương máu" cho người lao động
Nhiều người lao động làm việc lâu năm nên ỷ lại vào kinh nghiệm mà bất chấp quy trình kỹ thuật, dẫn đến nhiều sai sót không thể cứu vãn
“Tôi đâu biết chuyện đó lại gây hậu quả to lớn như vậy. Nếu biết, tôi đã không làm. Giờ đây, nếu công ty không thương tình, tôi chỉ còn có nước bán nhà trả nợ”. Anh Lê Văn Hiếu, công nhân Công ty Hải Long (quận Tân Bình, TP HCM), vừa nói vừa khóc trong cuộc họp kỷ luật tổ chức cuối tháng 5 vừa qua.
Sai một li, đi... 456 triệu đồng!
Tổng thiệt hại mà công ty tính đúng, tính đủ của lô hàng anh Hiếu pha sai màu, bị khách hàng đền hợp đồng là 456 triệu đồng. Hôm đó, khi nhận lệnh sản xuất, quản đốc căn dặn phải cẩn thận, tỉ lệ các màu khi phối hợp của lô vải nhuộm phải chính xác để cho ra đúng màu theo đơn đặt hàng. Thế nhưng, anh Hiếu chủ quan, cho rằng quản đốc lo xa, trước nay anh chỉ “áng chừng” chứ ít khi nào cân, đong, đo, đếm. Kết quả là lô hàng đã bị lệch màu.
“Kỷ luật lao động là yếu tố làm nên sức mạnh của một tổ chức. Nếu ai cũng muốn làm theo ý mình thì còn ra thể thống gì? Anh Hiếu đã quá chủ quan, cứ nghĩ mình có thâm niên tay nghề trên 10 năm là không cần tuân thủ nội quy, quy trình. Bây giờ chuyện đã xảy ra rồi, nói gì đi nữa thì cũng có khắc phục được đâu? Nếu công ty không xử lý nghiêm sẽ tiếp tục có lần thứ 2, thứ 3. Thời buổi khó khăn, kiếm được đồng tiền phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt; nếu ai cũng như anh Hiếu thì công ty làm sao mà tồn tại được?”, ông Trần Ngọc Vinh, giám đốc công ty, nghiêm khắc nói như vậy. Kết quả, hội đồng kỷ luật đã thống nhất cách chức tổ trưởng của anh Hiếu, chuyển sang làm nhân viên bảo vệ và phải bồi thường cho công ty 145 triệu đồng. Số tiền này được trừ vào lương trong vòng 10 năm.
Nhà tuyển dụng “soi” rất kỹ hồ sơ của ứng viên để qua đó tìm hiểu tinh thần, thái độ, ý thức lao động của ứng viên thông qua phần tự giới thiệu Ảnh: MAI CHI
Thất bại vì ỷ lại
Tại cuộc hội thảo về “Làm thế nào để khắc phục tính cẩu thả và sức ì của người lao động” do Trung tâm Nhân lực Trẻ tổ chức tại TP HCM mới đây, một số liệu khảo sát đưa ra khiến nhiều người giật mình: Trong số 1.245 công nhân có tay nghề từ bậc 5/7 trở lên được lựa chọn khảo sát thì 87% thích làm theo kinh nghiệm chứ không sử dụng các tiêu chuẩn, quy định khoa học, chính xác. Chẳng hạn, họ thích đánh giá màu sắc bằng mắt; độ dày - mỏng, mịn - thô, láng - nhám... bằng tay chớ không phải bằng thiết bị đo kiểm hiện đại. Nhiều công nhân ngành chế biến thực phẩm bỏ qua quy trình cân - đong gia vị để cho ra liều lượng chính xác, thống nhất mà cứ “nhắm chừng”, do vậy dẫn đến tình trạng cùng sản phẩm chả giò của một đơn vị mà có lô vừa ăn, có lô bị nhạt và có lô bị mặn.
Có mặt tại hội thảo, một khách hàng nước ngoài phàn nàn: “Thị trường của chúng tôi trải rộng từ châu Âu sang châu Mỹ, châu Á... Khi đặt hàng cho các thị trường khác nhau, bao giờ chúng tôi cũng ghi rõ đặc điểm của từng đơn hàng. Thế nhưng, không ít lần khách hàng từ Hàn Quốc đã kêu ca vì quá mặn; còn khách hàng Mỹ thì lại chê quá nhạt... Nguyên nhân vì các bạn công nhân chịu trách nhiệm trong việc này đã không hề đếm xỉa tới các khuyến cáo của chúng tôi”.
Thừa nhận là có tình trạng này, chị Lê Ngọc Huyền Trang, hiện là chủ một cơ sở thực phẩm chế biến ở quận 3, TP HCM, cho biết mình có thâm niên 20 năm làm trong ngành chế biến thực phẩm xuất khẩu và trước đây cũng hay làm theo cảm tính chứ không tuân thủ nội quy, quy trình làm việc. Chị Trang kể: “Lần đó, tôi có bất đồng với một kỹ sư trẻ nên không nghe theo lời cậu ta mà làm theo ý mình. Kết quả là nguyên lô bánh ích trần xuất đi châu Âu bị hỏng vì quá nhão, công ty thiệt thại hơn 20.000 USD. Tôi buồn quá nên xin nghỉ việc luôn. Tuy vậy, đó là kinh nghiệm xương máu mà suốt đời tôi không bao giờ quên. Chỉ có kinh nghiệm mà không có kiến thức, khoa học kỹ thuật thì sẽ không phát triển được”.
Ông Lâm Ngọc Hậu, Giám đốc Công ty Ngọc Việt (quận 11, TP HCM): Phải vượt qua tính chủ quan và sức ì Nhiều bạn trẻ ngày nay được đào tạo trường lớp bài bản nhưng khi va chạm thực tế lại thiếu nhạy bén và không có kỹ năng xử lý tình huống. Ngược lại, cũng có nhiều người trưởng thành do tự học hỏi kinh nghiệm của người đi trước là chính chứ yếu về lý thuyết. Song, tôi thấy nhiều bạn có điểm chung là bảo thủ, cực đoan, giấu dốt, không bao giờ chấp nhận mình thua kém người khác. Từ thực tế xây dựng nguồn nhân lực tại đơn vị, tôi thấy các bạn trẻ phải vượt qua được tính chủ quan và sức ì thì mới có thể phát triển, thành công. |
Xem thêm các bài viết liên quan:
Clip hài hước về 13 tật xấu của dân công sở
Đối phó với tiểu nhân nơi công sở