Những anh chồng được trao 'tay hòm chìa khóa'

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Sau nhiều lần vợ chồng hục hặc, anh Quyên hớn hở khi giành được quyền kiểm soát tài chính, tự quyết định mọi khoản chi tiêu trong nhà.

Trong suy nghĩ của anh Trần Văn Quyên, 34 tuổi, ở Hà Nội, thu nhập 35 triệu đồng mỗi tháng của hai vợ chồng là thoải mái cho mọi khoản, kể cả 3 triệu chu cấp cho bố mẹ chồng và 5 triệu trả nợ mua nhà.

Trước đây, chị Hoài Thi (vợ anh) quản lý tài chính gia đình, mỗi tháng tiết kiệm được 5 triệu đồng. "Như thế là quá ít", anh nói với vợ.

Anh hay thắc mắc về các khoản chi tiêu, trách chị Thi không ghi chép, tính toán nên tiêu tùy hứng. Người vợ nhiều lần suýt khóc khi bị anh chất vấn, vì không thể nhớ hết mọi khoản. Có một thời gian, chị chọn cách chuyển khoản để dễ dàng tra cứu giao dịch, chồng hỏi thì mở cho xem. ''Tôi chẳng làm quỹ đen hay mang về nhà ngoại đâu mà anh hỏi'', chị bực bội.

''Không có quỹ đen càng cho thấy em không biết cách chi tiêu'', anh Quyên nói. Sau câu nói này, Hoài Thi quyết định chuyển giao toàn bộ tài chính cho chồng, kể cả tiền tiết kiệm, chỉ giữ ba triệu đồng đổ xăng, ăn sáng, tiêu vặt. Cần tiêu khoản gì phát sinh, chị đề nghị anh chuyển thêm.

Kể từ hôm đó, anh chồng trở thành người "tay hòm chìa khóa", kiêm luôn việc đi chợ hàng ngày, mua sắm đồ lặt vặt trong nhà để tiện kiểm soát.

Nhưng sự hớn hở của anh Quyên chỉ kéo dài được mấy ngày. Người đàn ông 34 tuổi nhận ra có trăm khoản chi phát sinh, như hộp thuốc cho con, đôi dép đi trong nhà đột nhiên hỏng hay đang ở cơ quan thì vợ gọi bảo chuyển 500 nghìn thay cái lốp xe bị thủng.

Ngân sách đi chợ cũng vượt ngoài tầm kiểm soát của anh Quyên, vì một ngày không chỉ có ngày ba bữa, còn phải tốn thêm tiền quà vặt của con, hiếu, hỉ, thăm người ốm đau. Sau nửa tháng, anh choáng váng khi thấy số tiền chi đã lớn hơn thu nhập một tháng của riêng anh.

''Thôi trả vợ đấy'', anh chồng nói nhưng chị vợ không đồng ý, yêu cầu chồng tiếp tục cho đến hết tháng.

Một nam giới mua đồ ăn cho gia đình tại chợ ở Cầu Giấy, Hà Nội, hôm 22/8. Ảnh: Phạm Nga

Một nam giới mua đồ ăn cho gia đình tại chợ ở Cầu Giấy, Hà Nội, hôm 22/8. Ảnh: Phạm Nga

Trong mắt anh Ngọc Dũng, 42 tuổi, ở Phủ Lý, Hà Nam, vợ là người quá keo kiệt. Tiền lương tháng nào của anh, chị Hạnh cũng thu gần hết nhưng cả tháng chỉ được ăn cơm nhà, buổi tối cả nhà đi dạo phải mang theo nước chứ không được mua. Đặc biệt, du lịch không có trong khái niệm của chị.

''Sống như em chỉ gọi là tồn tại thôi'', anh nhiều lần nói vợ. Trong một lần cãi vã vì anh đi nhậu, Ngọc Dũng lôi chuyện chị Hạnh keo kiệt ra nói. Chị Hạnh chán nản, quăng thẻ ngân hàng, đọc mật khẩu rồi yêu cầu anh lo mọi chi tiêu trong nhà cho đến lúc chị hết ở cữ. Nếu anh lo được, chị để chồng quyết định hết mọi chi tiêu.

Ngay tối đó, anh Dũng ra chợ, xách về lỉnh kỉnh món ngon, ăn xong lại rủ cả nhà đi ăn chè, dạo phố. ''Anh sẽ cho em thấy đàn ông biết tính toán thế nào", anh nói với vợ. Khi cần mua máy giặt chuẩn bị cho khi vợ sinh, anh chọn loại đắt nhất. Con muốn ăn món ngon, anh đưa cả nhà đi nhà hàng, thi thoảng uống bia với bạn.

Hơn nửa tháng, người chồng đã tiêu sạch tiền, thậm chí còn thâm vào tiền chị Hạnh để dành đi đẻ. Chị vợ tá hỏa khi phát hiện anh suýt lấy tiền tiết kiệm của cả nhà mang cho người bạn mới quen vay. ''Giao tiền cho chồng đúng là sẽ có ngày không còn cám mà ăn", chị Hạnh nói.

Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank, thành viên sáng lập Hiệp hội Các nhà quản trị tài chính Việt Nam cho biết, đa số đàn ông không giỏi trong quản lý tài chính gia đình bằng phụ nữ. ''Đàn ông có thể kiếm tiền tốt, xuất sắc trong một lĩnh vực nào đó, nhưng lại không nhiều người tỉ mỉ trong quản lý tài chính gia đình bằng vợ'', ông nói.

Nghiên cứu của tập đoàn đầu tư và quản lý tài chính Vanguard (Pennsylvania, Mỹ) cho thấy, bất chấp chênh lệch về tổng giá trị, tỷ lệ tiết kiệm từ thu nhập cá nhân của phụ nữ vẫn cao hơn nam giới trong cùng khung thu nhập.

Ở Việt Nam, đa số phụ nữ là người giữ "tay hòm chìa khóa", thậm chí thuộc nhóm đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo khảo sát tại 16 quốc gia mới nổi của Liên minh thẻ MasterCard. Hơn 50% phụ nữ Việt Nam là người ra quyết định trong cả bốn yếu tố chính như: quản lý tài chính gia đình hàng tháng, đầu tư và tiết kiệm hàng tháng, những quyết định về mua sắm quan trọng và giáo dục cho con cái.

Chuyên gia tâm lý gia đình Hồng Hương (Hà Nội) cho rằng tài chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định độ bền của hôn nhân. Vì vậy, việc một phụ nữ vừa phải lo làm việc, vừa phải quản lý chi tiêu trong điều kiện kinh tế hạn chế, lại bị chồng kiểm soát hay chê trách như chị Thi, chị Hạnh sẽ rất mệt mỏi.

''Đàn ông như một công tắc, chỉ có bật và tắt, nhưng phụ nữ giống một nút xoay, bị căng thẳng và dồn nén lâu ngày họ mới bộc phát, biến cơn giận thành một cuộc khủng hoảng hôn nhân'', bà nói.

Bà cho rằng ngay khi bắt đầu sống chung, vợ chồng nên trao đổi thẳng thắn và cởi mở, thống nhất các khoản thu, chi. Trong trường hợp cần phải siết chặt chi tiêu vì mục tiêu chung, cần thống nhất với vợ/chồng để không khiến đối phương cảm thấy bị kiểm soát.

Trong trường hợp vợ chồng gặp vấn đề trong quản lý chi tiêu, nên tìm một chuyên gia về lĩnh vực này hoặc người thân có chuyên môn nhờ tư vấn. Cần chia nhỏ các khoản thu thành các loại quỹ khác nhau, thống nhất mức cần rót vào quỹ để hạn chế lạm chi, gây bất đồng.

Gia đình Thúy Vi chụp ảnh lưu niệm tại TP HCM, đầu năm 2024. Ảnh nhân vật cung cấp

Gia đình Thúy Vi chụp ảnh lưu niệm tại TP HCM, đầu năm 2024. Ảnh nhân vật cung cấp

Dù đa phần phụ nữ Việt ''tay hòm chìa khóa'', nhưng chuyên gia Phan Dũng Khánh cho rằng thực tế, không phải tất cả đều giỏi quản lý chi tiêu và nam giới thì tệ. Hiện nay, phụ nữ đi làm, có thu nhập nhưng bận rộn với công việc nên có xu hướng dù không bị thúc ép vẫn có nhiều phụ nữ giao quyền quản lý tài chính cho chồng. ''Có nhiều anh làm việc này rất tốt'', ông Khánh nói.

Vợ chồng Thúy Vi, 32 tuổi, là một ví dụ. Anh Huy, chồng cô có thu nhập tốt hơn, nhưng vẫn được vợ giao quản lý tài chính gia đình. ''Tôi nhận thấy mình là đứa bốc đồng trong mua sắm, trong khi anh rất kỷ luật trong chi tiêu nên để chồng quản lý tài chính'', Thúy Vi, ở TP HCM, nói.

Cô chủ động gộp lương vào tài khoản chung, lập kế hoạch chi tiêu cho mình để chồng đưa khoản đó, mọi thứ còn lại từ chi phí sinh hoạt hàng ngày đến giải trí anh sẽ tự lo. ''Tôi luôn liệt kê các khoản chi riêng cho mình thật rộng rãi'', cô nói. Khi được chủ động chi, chồng cô càng trách nhiệm và nỗ lực kiếm tiền hơn để lo cho gia đình.

Áp dụng cách này, Thúy Vi thấy khi không phải quản lý tài chính, cô có nhiều thời gian hơn, được chồng chăm sóc chu đáo, được tặng quà nhiều, ít căng thẳng và hạnh phúc hơn. ''Quan trọng chồng sẽ thôi càm ràm 'sao tháng này em xài nhiều tiền vậy''', cô nói.

Sau một tháng lo liệu tài chính trong nhà, anh Ngọc Dũng đang tìm thêm công việc bên ngoài để tăng tích lũy gia đình và giúp vợ bớt căng thẳng. Anh cũng thấy mình giống như người ở trọ trong hôn nhân. Những năm qua, gia đình có nhiều mối lo hơn nhưng anh cứ nghĩ các khoản chi vẫn như ngày mới cưới.

Ngọc Dũng đã thôi trách vợ ''sống chỉ để tồn tại". "Nghiệm ra, với khoản thu nhập của mình, chỉ tồn tại cũng là lẽ đương nhiên'', anh chồng nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Lấy nhau với hai bàn tay trắng, vợ chồng chị Minh dần dần có tài sản tích lũy tiền tỷ, xây nhà, mua xe... nhờ có bí quyết chi tiêu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Nga ([Tên nguồn])
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN