Nhóm bạn trẻ tái hiện đám cưới xúc động của năm 80
Cô dâu mặc áo dài, chú rể mặc sơ mi trắng, người tham dự lễ cưới ăn vận trang phục của thập niên 1980.
Không váy cưới lung linh, comple sang trọng, không cỗ bàn linh đình trong nhà hàng lộng lẫy, đám cưới “Sum vầy” diễn ra trong gian phòng nhỏ ấm cúng với trầu cau, bánh kẹo, cô dâu mặc áo dài, chú rể mặc sơ mi trắng, người tham dự vận trang phục của những năm 1980.
Bộ ảnh đã tái hiện lại đám cưới xưa giản dị, đơn sơ nhưng thiêng liêng, chứa chan tình cảm nồng ấm, khiến người xem không khỏi xúc động.
Bộ ảnh cưới độc đáo được tái hiện theo phong cách thập niên 80
Bộ ảnh “Cưới sum vầy” do các bạn trẻ trong nhóm "Bếp sẻ chia" thực hiện, vừa ra mắt đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Hầu hết mọi người đều thích thú với ý tưởng độc, lạ của nhóm. Và càng xúc động hơn khi được biết, nhóm thực hiện bộ ảnh cưới này với mục đích giúp các bà cụ neo đơn trong mái ấm Thiên Ân được một lần tự tay sắp xếp, chuẩn bị đám cưới trọn vẹn cho con cái.
Clip "Cưới sum vầy xúc động"
Cùng trò chuyện với bạn Phạm Tâm Tuấn Khương (sinh năm 1992), trưởng nhóm Bếp sẻ chia cũng là người lên ý tưởng cho bộ ảnh cưới “Sum vầy” để hiểu thêm về quá trình chuẩn bị cũng như thực hiện bộ ảnh của nhóm.
Tại sao bạn lại có ý tưởng tổ chức một đám cưới “tình nguyện” như vậy?
Chúng mình nảy ra ý tưởng tổ chức đám cưới “giả” này sau một lần đến nấu ăn tình nguyện cho các cụ già tại mái ấm Thiên Ân. Lúc tiễn bọn mình về, các cụ nói với theo: “Sau này nhớ đến thăm các mẹ nữa nhé”. Chúng mình nhận ra, các cụ già ở đây rất cô đơn, trống trải và thiếu thốn tình cảm gia đình.
Hơn nữa, mái ấm Thiên Ân còn gặp nhiều khó khăn về trang thiết bị y tế cũng như các vật dụng sinh hoạt khác. Thành lập từ rất lâu rồi nhưng mái ấm lại ít được biết đến nên không có nhiều mạnh thường quân hỗ trợ. Chúng mình đã nảy ra ý tưởng thực hiện bộ ảnh độc đáo này để truyền thông cho mái ấm với hy vọng các cụ sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ hơn.
Nhưng tại sao lại là đám cưới theo phong cách thập niên 80 mà không phải theo phong cách hiện đại?
Có rất nhiều lý do cho việc thực hiện bộ ảnh cưới “xưa” này. Thư nhất, mục đích của bộ ảnh là truyền thông cho mái ấm Thiên Ân nên nhất định phải làm cái gì đó độc, lạ, có thể thu hút sự chú ý của cộng đồng.
Thứ hai, vì hầu hết các cụ ở đây đều đã nhiều tuổi, mình nghĩ việc thực hiện bộ ảnh cưới theo phong cách hiện đại không phù hợp và ý nghĩa bằng tái hiện lại đám cưới của những năm 80 với trang phục giản dị, nghi thức thiêng liêng. Các “mẹ” sẽ cảm thấy gần gũi, thân thuộc hơn rất nhiều, không còn cảm giác ngượng ngùng khi đây là một đám cưới giả nữa.
Vậy chắc hẳn các bạn đã phải tìm hiểu rất kỹ về trang phục, nghi thức cũng như cách tổ chức đám cưới của những năm 80?
Cái đó thì đúng rồi, vì chúng mình toàn những đứa 18 – 20 tuổi, phải hỏi nhiều, đọc nhiều, xem nhiều mới hình dung ra cách tổ chức đám cưới của hơn 40 năm trước.
Chúng mình mất 3 tuần lên ý tưởng và 3 tiếng thực hiện. Trong suốt chuỗi ngày đó, mình gần như mất ngủ vì phải suy nghĩ làm sao để lột tả được đúng “chất” đám cưới của những năm 80 từ cách ăn mặc, nghi thức tổ chức cho đến cách thể hiện cảm xúc.
Cái mình lo lắng nhất là trang phục, vì thời buổi giờ thì tìm đầu ra những áo dài cũ, quần xa - tanh, dép cao xu… Nhưng thật không ngờ, các thành viên nữ của nhóm mình đều được mẹ gửi lại những bộ áo dài cưới từ ngày xưa làm của hồi môn. Nhận được những bộ áo dài đó, mình vừa vui mừng, vừa xúc động.
Tất cả các thành viên của nhóm đều trang điểm nhạt, nữ thì mặc áo dài bím tóc hai bên, nam thì mặc sơ mi trắng với áo gi –lê. Trong khi tổ chức đám cưới còn tỏ ra ngượng ngùng, e thẹn, đúng “chất” nam thanh, nữ tú thời xưa.
Phạm Khương và nhóm đã có rất nhiều hoạt động thiện nguyện
Ngoài trang phục, các bạn còn gặp những khó khăn gì khi thực hiện bộ ảnh?
Sự hiểu biết hạn hẹp về phong tục xưa cũng là một trở ngại lớn. Hơn nữa, chúng mình có đúng 3 triệu trong tay để hoàn thành tất cả mọi việc, phải tính toán sao cho đủ.
Việc thuyết phục các sơ trong mái ấm cũng không dễ lắm, bởi ý tưởng khá mới và lạ. Nhưng các “mẹ” trong mái ấm lại ủng hộ nhiệt tình, tỏ ra hào hứng, chờ mong nên chúng mình càng có động lực làm việc.
Bên cạnh đó, nhiếp ảnh gia Lamtom là người nắm bắt các khoảnh khắc và truyền đạt thông điệp của Bếp sẻ chia. Anh ấy là nhiếp ảnh gia tài năng, khá cầu toàn trong mỗi bức ảnh nên chúng mình phải nỗ lực nhiều để anh ấy cảm thấy có động lực mà không muốn buông máy.
Cảm xúc của các cụ già mái ấm Thiên Ân thế nào khi được tham dự một đám cưới đặc biệt như vậy?
Các cụ già rất vui mừng và xúc động bởi có lẽ đây là lần đầu tiên họ được làm mẹ, được tự tay sắp xếp, chuẩn bị cho “con” một đám cưới trọn vẹn.
Trong khi thực hiện các nghi thức đám cưới, các cụ luôn xưng mẹ - con với hai bạn đóng cô dâu chú rể. Tất cả mọi người có mặt đều tạo và giữ cảm xúc như một đám cưới thật.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của bạn khi thực hiện đám cưới này là gì?
Mình nhớ nhiều điều lắm mà điều gì cũng làm mình xúc động. Như việc hai cụ đóng vai phụ huynh luôn miệng xưng mẹ - con với cô dâu chú rể; việc “mẹ chồng” dắt “con dâu” đi chọn áo dài dù bà có hai bộ; việc một cụ bà bị liệt nhờ các sơ đẩy xe lăn ra xem đám cưới, rồi một cụ mà bị mù đứng ra hát mừng lễ thành hôn… Có cụ còn cất công kết cả cái cổng dừa cho đám cưới.
Đám cưới ấy, giản dị, đơn sơ thôi nhưng chan chứa tình cảm để lại trong lòng mỗi thành viên chúng mình những kỷ niệm khó quên.
Cảm ơn bạn và chúc nhóm Bếp sẻ chia có nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa!
Dưới đây là một số bức ảnh ấn tượng:
Đám cưới diễn ra theo nghi thức của những năm 80
Đón - nhận lễ - nghi thức quan trọng của đám cưới
Cô dâu xinh đẹp trong trang phục áo dài, khăn voan trắng truyền thống
Chú rể trao nhẫn cưới cho cô dâu
Mẹ chồng, mẹ đẻ trao của hồi môn cho cô dâu
Đám cưới "giả" nhưng cảm xúc và niềm vui của các cụ già là thật
Mọi người đều mặc trang phục của 40 năm trước và thể hiện cảm xúc như một đám cưới thật
Nhóm Bếp sẻ chia đã thành lập được ba năm, gồm 20 thành viên có độ tuổi từ 18 – 25. Nhóm từng có nhiều hoạt động thiện nguyện như giúp đỡ trẻ em nhỏ vùng cao, nấu ăn cuối tuần cho các cụ già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn. Đây là lần đầu tiên nhóm làm truyền thông thiện nguyện và gây đã được tiếng vang trong cộng đồng. |