Nhớ về tuổi thơ tôi
Tôi khao khát được quay về tuổi thơ cho dù cuộc sống ngày ấy vô cùng thiếu thốn.
Lúa đã lên đồng, ngô bắt đầu mùa vụ làm tôi nhớ đến một tuổi thơ của đứa trẻ được sinh ra ở làng quê. Chúng tôi sống trong một thung lũng bởi bao quanh nó là những ngọn đồi cao vút. Khí trời dường như không khắc nghiệt mà thoáng trong đó là cái cái gió, cái nắng cứ hòa nhịp quanh năm. Vùng cao nguyên xanh, nơi tôi đã từng ở.
Tuổi thơ tôi gắn liền với ruộng rẫy, gắn liền với cái chiều tà cùng đàn bò thong thả bước về nhà. Và những buổi trưa hè nắng nóng mà vẫn lặn lội đi bắt chuồn chuồn ớt. Cuốn nhật ký của tuổi thơ, thực ra là cuốn tập dày hơn một tí mà trong đó chứa đầy hoa dại khô, cánh bướm nhỏ và được vẻ lên trang giấy trắng những khung hình ngây ngô. Chúng tôi là trẻ vùng quê nên ngày ấy không có khái niệm học thêm. Sáng đến lớp, chiều phụ giúp cha mẹ, tối học bài dưới ngọn đèn dầu hiu hắt. Loanh quanh như thế, cái miền quê chỉ rộn ràng tiếng cưởi trẻ thơ mỗi khi trăng sáng.
Thời lên mười tuổi, tôi có mái tóc dài chấm ngang vai và nước da rám nắng. Ba đã tự tay cắt vải và may cho tôi cái quần đùi màu sắc. Bởi nó được chấp vá từ nhiều mảnh vải khác màu với nhau nên nó mang đậm tính đặc trưng vùng quê. Ba may bằng tay, không cần số đo cụ thể, không cần bàn là nhưng vẫn cho ra cái quần “thời trang”. Hầu hết đứa trẻ nào cũng có được những bộ quần áo như thế khi khái niệm may đồ bằng máy còn xa vời.
Mùa gặt đến và thường là những ngày hè nên bọn con nít chúng tôi luôn bận bịu cả ngày. Nhà tôi chỉ có mẫu đất ruộng, vì thế mà cái gì làm cũng tự túc. Mẹ tôi gặt, tức là sáng tối bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Thậm chí, tranh thủ cái mát và trăng sáng, mọi người trong xóm kéo nhau ra đồng gặt giùm. Tụi nhỏ thích lắm, chúng được hội họp để bắt cua, bắt con cá rô đồng. Và thỏa sức la hét, pha trò cười rồi cùng chơi trò bịt mắt bắt dê, kéo co...
Đôi lúc tôi thấy yếu lòng và chơi vơi (Ảnh minh họa)
Tuổi thơ, lũ nhóc chúng tôi làm gì có được mái tóc đen mượt, chân tay mướt mát. Đứa nào cũng có làn da cháy nắng nhưng được cái là cặp mắt trong veo như hai hòn bi ngọc. Tâm hồn trong sáng, ngây thơ và không biết đâu là sự tính toán, đố kị nhau.
Nhớ những trò chơi tinh nghịch của lũ trẻ. Cái trò cô dâu chú rể mà mỗi khi nhắc đến đứa nào cũng đỏ mặt thẹn thùng. Cô dâu được đội trên đầu vòng hoa dại trắng tinh khôi. Móng tay, chân được sơn màu tím từ những hạt mồng tơi chín. Chú rể phải đi chân đất, mặc quần dài và không được nói lắp.
Tuổi thơ không có tivi, không sách báo nhưng chúng tôi vẫn có được một kho tàng truyện cổ tích. Bà tôi thường kể những câu chuyện mà bao đời vẫn còn lưu giữ. Thậm chí dạy tôi những bài hát hình như không mang tên để tôi ru em ngủ. Hội trung thu, chiếc đèn lồng mẹ mua cho anh chị và năm sau, tôi lại được sở hữu nó để rước đèn cùng bạn bè. Đó là tính biết giữ gìn đồ đạc mà đứa trẻ nào trong xóm tôi đều có sẵn.
Tôi được ba dạy cách đánh cờ tướng, chơi đàn cò và thổi sáo. Bởi những công cụ như vậy, dân quê tôi tự tay làm nên. Chúng tôi được chơi đủ trò dân gian, đọc nhiều bài vè mà không hiểu tại sao chúng tôi biết nó.
Giờ đây, xã hội đã khác xưa. Lũ nhóc và tôi của ngày ấy đã lớn, mỗi đứa một nơi và chọn cho mình một lối đi riêng. Tôi lên thành phố để học. Cuộc sống lúc nào cũng hối hả, bon chen giữa dòng người tấp nập. Đôi lúc tôi thấy yếu lòng và chơi vơi. Những giờ phút đó, tôi nhớ đến quê. Tôi nhớ da diết một cuộc sống yên bình, không hối hả. Tôi khao khát được quay về tuổi thơ cho dù cuộc sống ngày ấy vô cùng thiếu thốn. Tôi yêu và nhớ lắm cái tuổi thơ chân đất.
Nguyễn Thị Vi