Nhớ Tết sum vầy bên gia đình
Tôi yêu sư ấm cúng của tình người, của cái Tết đoàn viên ở Việt Nam.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo Bắc Bộ. Bố mẹ tôi vất vả “một nắng hai sương” nuôi năm người con ăn học. Tôi là chị cả trong gia đình, học hết cấp III, tôi theo một chị hàng xóm lên Hà Nội xin việc. May mắn, tôi được nhận vào một công ty liên doanh với Nhật.
Vốn có chút thông minh, công việc đôi lúc lại có chuyên gia Nhật kiểm tra, tôi đã nhanh chóng học lỏm được ít tiếng Nhật. Nhờ có sự chăm chỉ trong công việc, lại biết một chút tiếng, tôi được một anh chàng kỹ sư Nhật để ý và muốn tôi trở thành bạn gái của anh. Tôi vừa mừng, vừa lo sợ bởi tôi sợ bất đồng ngôn ngữ, sợ anh sẽ chê tôi chỉ là một cô công nhân bình thường. Thế nhưng, anh đã giúp tôi thoát khỏi nỗi sợ hãi bằng việc dạy tôi tiếng Nhật, bù lại tôi cũng giảng giải cho anh hiểu biết sơ cấp về tiếng Việt.
Những buổi học chung, trò chuyện, chúng tôi đã thực sự yêu nhau và anh quyết định cầu hôn tôi bởi thời gian làm việc ở Việt Nam của anh cũng không còn nhiều. Phần vì yêu anh, phần vì gia đình vẫn còn nhiều khó khăn, sau những tháng ngày suy nghĩ, tôi đã chấp nhận làm cô dâu đất nước “mặt trời mọc”.
Tôi nhớ cảm giác hạnh phúc, sum họp bên gia đình (Ảnh minh họa)
Cuộc sống ở bên Nhật thực sự khiến tôi choáng ngợp bởi vẻ hiện đại xen lẫn những khung cảnh yên bình, thơ mộng. Tuy nhiên, người Nhật vô cùng coi trọng nề nếp và lễ nghi nên những ngày đầu mới sang đây, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Tôi còn nhớ lần đầu tiên sang đất Nhật, tôi không thể nào ăn nổi những món ăn với vị rong biển tanh, những miếng sushi làm từ cá sống. Tôi đã sợ đến mức xin gia đình nhà chồng cho ăn mỳ tôm để làm quen dần dần với đồ ăn Nhật.
Thế nhưng, điều mà tôi sợ hãi hơn cả là nỗi cô đơn khi phải xa nhà vào dịp Tết. Tôi sang Nhật làm dâu cận kề những ngày giáp Tết. Mỗi lần trò chuyện với gia đình qua internet, tôi lại khóc vì nhớ mọi người. Tôi nhớ lại những ngày được cùng bố háo hức chẻ củi chuẩn bị lửa nấu bánh chưng. Mẹ dạy dỗ từng li từng tí cách rửa lá dong, gói bánh sao cho vuông vức, rồi cả gia đình quây quần trông nồi bánh chưng Tết trong niềm vui hân hoan.
Sáng sớm, tôi lại cùng bố đi chợ huyện sắm sửa cây quất ngày Tết cho cả gia đình, trang trí đèn màu rực rỡ đón Tết. Tết về cũng là lúc những kí ức trong gia đình tôi ùa về xô những dòng nước mắt lăn dài trên hai má. Tôi lại nghe tiếng mẹ nghẹn ngào động viên: “Cố gắng ngoan ngoãn rồi năm tới về ăn Tết với gia đình con nhé!”. Những lúc nghe mẹ dặn dò, tôi lại nghẹn ngào không nói nên lời.
Đã hai năm tôi không được về ăn Tết với gia đình. Cuộc sống của tôi tuy có sung túc hơn, bố mẹ tôi ở nhà cũng đã bớt vất vả, thế nhưng Tết truyền thống ở quê vẫn gợi lại cho tôi nhiều những cảm xúc nhất.
Tôi yêu những còn đường làng thẳng tắp với những bóng cây râm mát ven đường, yêu mùi khói bếp, yêu bếp lửa mỗi đêm trông bánh chưng, yêu những củ hành, củ kiệu mẹ muối ngày Tết. Tôi yêu sư ấm cúng của tình người, của cái Tết đoàn viên ở Việt Nam.
Sống ở phương trời xa lạ, khác về văn hóa, khác về ẩm thực, tâm hồn tôi luôn hướng về nơi “chôn nhau cắt rốn”, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Để mỗi độ Tết về, tôi lại xao xuyến trong lòng, lại nhớ về bài thơ: “Ông đồ” với những câu thơ đau đáu: “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?”