Nhiều người trẻ rơi vào vòng luẩn quẩn khi “nhảy việc" liên tục
Những tác động của dịch bệnh và sự thay đổi trong xu hướng làm việc khiến cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ thường xuyên thay đổi công việc. Dù vậy, khi "nhảy việc" quá nhiều, không ít người cho biết họ đang rơi vào trạng thái mất phương hướng, luẩn quẩn với những định hướng của mình trong tương lai…
Mới chỉ ở tuổi 26, Nguyễn Trần Mỹ Anh đã có một sơ yếu lý lịch dày đặc dù cô mới chính thức đi làm được hơn 4 năm. Tính từ năm 2018 tới nay, Mỹ Anh đã đổi tới 6 chỗ làm với vị trí lâu nhất chưa đến một năm.
Có nhiều lý do khác nhau khiến cô gái 26 tuổi rời bỏ các công việc cũ. Mỹ Anh cho biết, có một lần, cô tìm được công việc mới với đủ tiêu chí mình mong muốn nên cô quyết định xin nghỉ công việc cũ khi quyết định trong chỉ có một ngày. Những lần khác, cô nghỉ việc vì không thể cân bằng cuộc sống hoặc kiệt sức. Có 3 lần trong số đó đến từ 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Mỹ Anh thừa nhận mình bị cuốn theo làn sóng thay đổi công việc liên tục kể từ khi dịch bệnh xuất hiện
"Sau Tết Nguyên đán, làn sóng bỏ việc bỗng nhiên mạnh mẽ hơn nên mình thấy như được truyền thêm sức mạnh, bởi những người khác cũng đang nghỉ việc. Vì mình cũng từng làm chuyện đó ngày trước nên bây giờ mình có thể lặp lại nó", Mỹ Anh nói
Giống như Mỹ Anh, “nhảy việc” đang trở thành xu hướng của nhiều người trẻ. Theo một nghiên cứu và khảo sát mới đây của Google, số lượng người thay đổi công việc đã tăng tới 40% vào năm 2021 và dự báo sẽ tăng mạnh hơn nữa trong năm 2022. Nhiều người tham gia khảo sát cho biết họ có ý định rời bỏ công việc hiện tại trong vòng 3 tháng tới và Gen Z (thế hệ sinh từ năm 1997 trở về sau) là những người "cuồng chân" nhảy việc nhất.
Trần Ngọc Huyền (26 tuổi, quản lý nhân sự của một công ty về công nghệ) cho rằng dù hiện nay chuyện nhảy việc là đang “dễ” chấp nhận hơn bao giờ hết, nhưng nhảy việc dưới thời hạn một năm vẫn bị cho là quá nhanh.
"Nhảy việc" quá nhanh đang cho thấy nhiều tín hiệu tiêu cực và hình thành một văn hóa công sở độc hại
"Nhảy việc quá nhanh cho thấy khá nhiều tín hiệu tiêu cực. Đó là sự thiếu cam kết và sự thiếu sự kiên trì. Nó cho những người quản lý cũng như các nhà tuyển dụng cảm thấy không tin tưởng vì nếu mọi thứ trở nên khó khăn, những nhân viên như vậy sẽ dễ ra đi.
Theo mình, thời điểm tốt để chuyển đổi công việc là 2 đến 3 năm một lần vì nó cho phép các ứng viên chứng minh họ có thể thực hiện cam kết và tôn trọng điều đó”, Ngọc Huyền bày tỏ.
Cái giá phải trả...
Tốt nghiệp đại học giữa năm 2019, dù có được một cuộc sống ổn định hơn khi nhảy việc liên tục, Phạm Long Hải (25 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai) cho biết thường phải đối diện với nhiều câu hỏi từ nhà tuyển dụng trong các buổi phỏng vấn.
"Mỗi lần mình đi phỏng vấn xin việc, nhiều nhà tuyển dụng cho biết họ quan ngại rằng mình sẽ nhận việc rồi nhanh chóng rời đi và làm hỏng kế hoạch, điều này dễ hiểu vì làm họ tốn tiền. Họ cũng lo lắng rằng mình sẽ làm lãng phí thời gian.
Mình cũng thường xuyên nhận những lời đàm tiếu từ bạn bè và những người khác khi cho rằng mình không kiện định và không chịu được áp lực. Mình vẫn chưa tìm được một môi trường làm việc nào thực sự yêu thích. Nếu không thay đổi khi có cơ hội, mình sợ sẽ bỏ lỡ những nơi tốt hơn”, Long Hải nói.
Long Hải cảm thấy bối rối trước những câu hỏi về việc tại sao thay đổi công việc nhiều lần trong một thời gian ngắn
Cũng thay đổi công việc nhiều lần trong 2 năm vừa qua như Long Hải, nhưng Gia Hân (24 tuổi, nhân viên bán hàng) vẫn luôn gặp khó khăn trong vấn đề tài chính. Cô gái trẻ cho biết, cô thường xuyên thay đổi công việc là do mong muốn kiếm thêm thu nhập nhanh hơn so với việc chờ lên chức trong một công ty. Hiện tại, cô gái trẻ đang loay hoay tìm một công việc mới nhưng vẫn chưa được công ty nào liên hệ dù đã gửi CV đến nhiều nơi.
“Nếu mình tiếp tục nhảy việc trong những năm tới, điều đó thực sự không tốt khi mình sẽ phá hỏng lý lịch của bản thân. Còn hiện tại, mình đang lo lắng và bối rồi khi đã nhiều lần phải giải thích với nhà tuyển dụng vì lý do tại sao mình lại "nhảy việc" tới 5 lần trong chưa đầy 2 năm như thế", Gia Hân chia sẻ.
Chuyên gia tâm lý và tư vấn hướng nghiệp Nguyễn Hoàng Thu Thảo cho rằng, "nhảy việc" sau hai năm hoặc lâu hơn cũng mang lại nhiều điều tích cực như tính nhanh nhẹn và thích nghi với môi trường mới nhanh chóng. Tuy nhiên, cái giá mà người "nhảy việc" nhiều sẽ phải trả trong dài hạn.
Khi nhảy việc quá nhiều lần, bạn trẻ sẽ gặp phải nhiều vấn đề trong dài hạn
"Nhảy việc quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến kiến thức chuyên sâu của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ và giá trị của bạn với các công ty trong tương lai. Lợi ích ngắn hạn không đáng để đánh đổi với rủi ro trong dài hạn. "Nhảy việc" diễn ra quá thường xuyên sẽ góp phần tạo ra một văn hóa công sở “độc hại”.
Nếu bạn chỉ "nhảy việc" sớm 1-2 lần, nhà tuyển dụng sẽ ít nghi ngờ. Khi bạn "nhảy việc" liên tục sẽ làm hư hại danh tiếng của bản thân bạn và không dễ dàng để nó có thể phục hồi lại được.
Tôi nghĩ rằng những người người đang tìm việc trước tiên hãy quyết định xem bạn muốn gì. Bởi vì sau một thời gian, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, luẩn quẩn khi cứ chạy vòng quanh. Tôi hy vọng sau khi "nhảy việc", họ có thể tự hiểu được bản thân mình, cuối cùng ổn định với một công việc họ có thể duy trì nhiều năm", chuyên gia chia sẻ thêm.
Guồng quay cuộc sống bận rộn khiến cho không ít người trẻ phải đối mặt với rất nhiều áp lực, có đôi lúc họ tưởng chừng như không thể cân bằng được... Làm gì khi gặp...
Nguồn: [Link nguồn]