Nhiều người trẻ đang hạnh phúc hơn khi từ bỏ mạng xã hội
Sự độc hại cùng những áp lực tại các nền tảng mạng xã hội khiến nhiều người quyết định xóa bỏ và ngừng sử dụng chúng. Từ bỏ mạng xã hội, không ít bạn trẻ cho biết họ đang thực sự cảm thấy thoải mái, hạnh phúc và tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống.
"Tôi sẽ từ bỏ mạng xã hội" có lẽ đã từng là câu cửa miệng của rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Thế nhưng, chỉ một số ít thực sự làm được điều này khi những nền tảng như Facebook, Instagram hay TikTok… được thiết kế để lôi kéo và giữ chân người dùng.
Dù vậy, khi ngày càng có nhiều người nhận ra rằng mạng xã hội có những ảnh hưởng vô hình tới sức khỏe thể chất và tinh thần của con người, họ đang dần nghĩ đến việc hạn chế thời gian online hoặc rời bỏ chúng.
Nhiều người trẻ đang quyết định từ bỏ mạng xã hội để tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống
Mất một tuần để quen với việc ngừng sử dụng điện thoại để lướt mạng mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, Phác Thúy Ngân (24 tuổi, nhân viên ngân hàng) cho biết cô cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn. Đối với Thúy Ngân, việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều khiến môi trường này từ một nền tảng kết nối với bạn bè dần phát triển và trở thành "diễn đàn" chia sẻ tin tức. Cô gái 24 tuổi cũng từng rơi vào trạng thái “sợ bị bỏ lỡ” nên đã nghĩ rằng bản thân khó có thể tách rời với cuộc sống ảo.
“Mình đã quen dành hàng giờ lướt mạng xã hội, tham gia vào những cuộc tranh cãi nảy lửa vì những chuyện không phải của mình hay “điên cuồng” gửi ảnh meme, “hóng biến” cho bạn bè. Thói quen đó đã trở thành phản xạ tới mức mình vô thức mở ứng dụng khi mới “cai” mạng xã hội", Thúy Ngân nói.
Vì vậy, khi quyết tâm từ bỏ mạng xã hội, cô gái trẻ coi việc này là cơ hội tìm kiếm tin tức từ nhiều nguồn chính xác, đa dạng, mới mẻ hơn. Thúy Ngân quyết định xóa Facebook và TikTok nhưng vẫn sử dụng các app đọc báo, giải trí khác. Cô cũng vẫn giữ liên hệ với người thân, bạn bè qua ứng dụng nhắn tin.
Thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội cũng giúp Phạm Hoàng có thêm thời gian rảnh để làm việc và chăm sóc bản thân
Giống như Thúy Ngân, Phạm Hoàng (25 tuổi, sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng nhận ra mình có nhiều việc cần làm mỗi ngày hơn anh nghĩ kể từ khi giảm thời gian cận kề bên màn hình máy tính, điện thoại. Thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội cũng giúp chàng trai trẻ có thêm thời gian rảnh để làm việc và chăm sóc bản thân.
"Mình cảm thấy ngạc nhiên và khá bất ngờ khi biết mình đã lãng phí bao nhiêu thời gian cho việc lướt mạng xã hội những năm qua. Khi bắt đầu xóa Facebook và Instagram từ đầu năm 2022, mình dành thời gian để đọc sách, ở bên gia đình hoặc nấu ăn mà không cần ôm lấy chiếc điện thoại như trước. Điều đó thực sự đang giúp mình có những khoảng thời gian thoải mái”, Phạm Hoàng chia sẻ.
Sống tích cực hơn
Một trong những lý do khiến càng ngày càng có nhiều người từ bỏ các nền tảng mạng xã hội là do đó là nơi luôn xuất hiện những nội dung tiêu cực, tác động xấu đến sức khỏe tinh thần. Nhờ ranh giới “mong manh” giữa thế giới thực và ảo, nhiều người dùng chẳng ngần ngại tấn công người khác bằng những hành vi thiếu chuẩn mực hay dùng ngôn ngữ thù ghét.
Một trong những lý do khiến càng ngày càng có nhiều người từ bỏ các nền tảng mạng xã hội là do đó là nơi luôn xuất hiện những nội dung tiêu cực, tác động xấu đến sức khỏe tinh thần
"Đáng sợ nhất là mạng xã hội đang cho những kẻ ngồi sau bàn phím một cơ hội để không quá sợ hãi khi đăng những nội dung thù hằn. Nếu đứng trước mặt nhau, có lẽ họ không dám hành động như vậy.
Mình tin rằng chúng ta sẽ thoải mái hơn nếu không đọc những bài viết tiêu cực của họ trên mạng xã hội, thậm chí còn có thể làm bạn với những người đó ngoài đời thực. Đó là lý do mình cân nhắc từ bỏ mạng xã hội mặc dù không hề thấy ghét chúng”, Hoàng Phương (23 tuổi, nhân viên marketing) bày tỏ.
Kể từ khi ngừng sử dụng Facebook, Thái Thu Hằng (26 tuổi, sống tại quận Hà Đông, Hà Nội) bất ngờ khi chẳng một người bạn trên mạng nào để ý đến sự biến mất của cô. Từ bỏ cuộc sống trên mạng xã hội, cô gái trẻ biết rằng mình sẽ không còn nhận được những tin nhắn chúc mừng sinh nhật hay những cuộc “buôn chuyện xuyên màn đêm” cùng bạn bè… Dù vậy, Thu Hằng cảm thấy không còn bận tâm về điều này.
Thu Hằng hạnh phúc hơn khi cảm nhận được những giá trị thực sau khi từ bỏ mạng xã hội
“Mình khá bất ngờ khi không có một ai hỏi về sự biến mất đột ngột của mình trên Facebook. Ngày trước, nếu đến sinh nhật, sẽ có khoảng 200 người nhắn tin chúc mừng sinh nhật mình trên mạng xã hội và mình phải trả lời bình luận của cả người ít quen biết.
Dần dần mình bắt đầu khóa trang cá nhân và không cho phép người khác tag hay đăng bài nếu mình không cho phép rồi sau đó là ngừng hẳn sử dụng mạng xã hội. Giờ đây, chỉ có khoảng 20 người nhắn tin hoặc gọi điện chúc mừng mình vào dịp này và không cần thông qua mạng xã hội. Mình hạnh phúc với những tương tác thực ấy", Thu Hằng chia sẻ.
Bên cạnh niềm vui, sự kết nối và những giá trị vô hình mang tới, mạng xã hội cũng tạo ra những áp lực không nhỏ đến cuộc sống của nhiều người. Ngừng sử dụng mạng xã hội đang là cách mà nhiều người trẻ lựa chọn để cảm thấy nhẹ nhõm và vui vẻ hơn. Nhưng để thực sự từ bỏ hay “cai” nghiện mạng xã hội, người dùng phải cần rất nhiều quyết tâm để có thể thực hiện…
Nguồn: [Link nguồn]
Những tác động của dịch bệnh và sự thay đổi trong xu hướng làm việc khiến cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ thường xuyên thay đổi công việc. Dù vậy, khi "nhảy...