Bạn sẽ đánh mất rất nhiều cơ hội thăng tiến nếu không để sếp thấy được vai trò của mình trong công ty. Vì vậy, dù là “ma mới” hay “ma cũ” trong công ty, bạn cũng cần sớm vạch ra cho mình một lộ trình để nhận được sự chú ý của sếp.
K
iếp “làm công ăn lương” ai mà chẳng mong công việc của mình thăng tiến theo thời gian. Tất nhiên điều này không phải là một nhiệm vụ có thể đạt được dễ dàng, nhưng mức lương tăng hay “giậm chân tại chỗ” là tùy thuộc rất lớn vào sự cố gắng và sự thể hiện năng lực của bản thân trước sếp.
Đối với những nhân viên văn phòng điển hình, nếu thực sự là người quan tâm đến con đường thăng tiến trong sự nghiệp, không chấp nhận mình là kẻ mờ nhạt chỉ ngồi đợi giao việc, ngay lập tức hãy thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực hơn, tốt nhất là lấy 5 điều sau làm “kim chỉ nam” để hướng tới.
1. Can đảm nhận nhiệm vụ quan trọng
Là sếp, ai chẳng mong mình có thể tuyển được một nhân viên có thể đảm nhận được nhiều vị trí cùng một lúc. Trước là có thể giúp công ty tiết kiệm được một khoản chi phí, sau là một người như vậy sẽ có tố chất làm quản lý, đảm đương được nhiều việc cùng lúc trong trường hợp thiếu nhân sự đột ngột.
Tâm lý của những người đi làm là luôn mong kiếm được một công việc nhàn lương cao, chẳng ai dại mà gánh thêm nhiều việc khi đồng lương mỗi tháng vẫn vậy. Trong khi những người khác trốn tránh, nếu bạn đứng ra nhận bớt công việc, chia sẻ phần nào gánh nặng mà sếp đang chịu, chắc chắn sếp sẽ rất coi trọng bạn.
Có một thực tế là hầu hết những người lãnh đạo đều không thích cấp cưới “mặc cả” công việc. Họ đánh giá rất cao những người có thể hiểu cho sếp mình, giúp chia sẻ bớt phần nào trách nhiệm mà họ đang quá tải.
2. Khả năng hoàn thành tốt công việc
Công việc có được thực hiện tốt hay không là một tiêu chí để các nhà lãnh đạo đánh giá cấp dưới của họ. Trong công ty, vị trí của từng công việc có liên quan trực tiếp đến lợi ích chung của cả đoàn thể.
Nếu một người không hoàn thành tốt công việc của mình, chắc chắn điều đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc của một team nói riêng và của công ty nói chung.
Làm tốt công việc được giao là điều kiện tiên quyết để cấp dưới nhận được sự coi trọng của cấp trên. Chẳng có sếp nào lại muốn trả lương cho một người làm việc kém hiệu quả, thậm chí họ sẽ sa thải ngay nếu thấy nhân viên của mình không còn năng lực làm việc.
Thực tế công ty không phải là “nhà”, một nơi quá thoải mái để nhân viên lười biếng, thích thì làm, thích thì mặc kệ. Hiểu được điều này, bạn sẽ biết được sếp sẽ luôn đánh giá cao nhân viên của mình làm việc chăm chỉ và thông minh, luôn biết lấy lợi ích chung của cả công ty đặt lên hàng đầu. Trước hết, bạn cần phải làm tốt công việc của mình, tốt ở đây nghĩa là vượt hơn cả sự kỳ vọng của sếp trong công việc.
3. Biết cách thể hiện tài năng của mình
Khi đi làm công sở, nhiều người e ngại khi nói về thành tích của bản thân, họ sợ mình nói ra sẽ khiến mọi người đánh giá là khoe khoang. Do đó, để tránh sự ghen tỵ, đố kỵ của đồng nghiệp, không ít người muốn giấu đi những sở trường của mình.
Nếu bạn là người có tham vọng lớn trong công việc, đừng lo lắng về việc chia sẻ thành tích của mình cho người khác biết, đặc biệt là cấp trên của mình. Bạn hãy để ý, sếp mà phát hiện ra nhân viên của mình hóa ra là người giỏi giang đến vậy, họ sẽ cực kỳ vui mừng. Trong tương lai bạn chắc chắn sẽ được cân nhắc để nhận thêm nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn.
Điều bạn cần lưu ý là không nên chia sẻ những tài lẻ, sở trường, kinh nghiệm làm việc của mình cho tất cả mọi người, đặc biệt là giữa đồng nghiệp với nhau. Tốt hơn hết là bạn nên lựa một số trường hợp, tự “quảng cáo” chính mình với sếp, chủ động nhận thêm việc trong khả năng. Chắc chắn sếp sẽ không để chôn vùi một tài năng như bạn trong công ty.
4. Học cách nói chuyện với sếp
Là cấp dưới, ngay cả khi bạn là người có tài thì cũng không nên cố tình thể hiện mình giỏi giang như thế nào trước mặt sếp và mọi người. Nếu không khéo léo, sếp sẽ nghĩ bạn là một người kiêu ngạo, thích khoe khoang.
Các sếp cũng muốn biết bản thân như thế nào trong suy nghĩ của cấp dưới. Nếu được khen ngợi, chắc chắn lòng tự trọng của họ sẽ được thỏa mãn. Do đó, khi đang nói chuyện, bạn có thể bày tỏ sự ngưỡng mộ trước những thành tích mà sếp đã đạt được. Bạn cũng cần cố gắng tìm kiếm những chủ đề tự nhiên, làm sinh động cho cuộc nói chuyện. Bằng cách này, sếp sẽ nhận ra bạn là người có hiểu biết, tự khắc sẽ có ấn tượng tốt về bạn nhiều hơn.
Một lưu ý nhỏ là không nên nói chuyện với sếp về những chuyên môn mà sếp không hiểu. Bằng cách này, bạn chẳng khác nào như đang cố tình gây khó khăn với sếp và tạo ra khoảng cách không mong muốn.
5. Trung thành với sếp
Điều quan trọng nhất mà cấp trên đánh giá cao đối với cấp dưới là lòng trung thành. Do đó, để lọt vào “mắt xanh” của sếp, một trong những cách tốt nhất là bạn cần phải thường xuyên sử dụng hành động lẫn lời nói để thể hiện sự tin tưởng, tôn trọng của bản thân dành cho sếp.
Khi sếp phạm sai lầm trong công việc, tốt nhất là không thể có thái độ hả hê, nói xấu, điều này sẽ khiến bạn nhanh chóng trở thành “cái gai” trong mắt sếp. Nếu có thể chịu trách nhiệm cùng, bạn hãy đứng ra gánh chịu bớt phần nào. Trường hợp nếu không thể chịu trách nhiệm, tốt nhất là nên giúp sếp phân tích lý do và bênh vực sếp. Ngoài ra, bạn cũng có thể giúp sếp tổng hợp lại những bài học rút ra từ sai lầm trước.
Trong thực tế có rất nhiều tình huống giúp ích nhiều trong việc khiến sếp chú ý bạn hơn, nhưng nếu làm theo hướng an toàn và tích cực thì bạn có thể tham khảo những cách trên. Trong lúc còn trẻ, còn khỏe, thay vì chọn sự an nhàn trong công việc, bạn có thể tạo nên những sự đột phá nhờ lọt vào “mắt xanh” của sếp.