Nhận học bổng tiến sĩ ở Anh, chàng trai 9x về nước dạy học: Nghĩ về nghiên cứu cả lúc ăn và ngủ
Giải pháp trí tuệ nhân tạo phát hiện bất thường trong dữ liệu chuỗi thời gian là công trình nghiên cứu được ứng dụng thực tiễn và đạt kết quả cao nhất trong các nghiên cứu của TS. Lương Văn Thiện. Hiện đề tài nghiên cứu này đã được chuyển giao và ứng dụng tại Trung tâm Đo kiểm và sửa chữa thiết bị viễn thông Mobifone giúp nhanh chóng phát hiện những trạm viễn thông (BTS), diễn biến bất thường về chất lượng mạng và chất lượng truyền dẫn.
TS Lương Văn Thiện (SN 1992) là giảng viên của khoa Công nghệ thông tin, Trưởng nhóm nghiên cứu AIoT Lab, Trường Đại học Phenikaa. Anh vinh dự trở thành tiến sĩ trẻ nhất trong top 10 nhà khoa học nhận giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng 2022 với "bảng dài" thành tích và các công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao.
Xin chào TS. Thiện, anh có thể giới thiệu cụ thể hơn về giá trị thực tiễn và những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong viễn thông mà anh đã dày công nghiên cứu?
Một trong những đề tài nghiên cứu của tôi được ứng dụng thực tiễn và cho kết quả cao đó là "Giải pháp trí tuệ nhân tạo phát hiện bất thường trong dữ liệu chuỗi thời gian (ADT - Anomaly Detection for Time-series)".
Hiện giải pháp này đã được chuyển giao và ứng dụng tại Trung tâm Đo kiểm và sửa chữa thiết bị viễn thông giúp nhanh chóng phát hiện những trạm viễn thông (BTS), cell di động tế bào có diễn biến bất thường về chất lượng mạng (như suy giảm lưu lượng dowload, upload) và chất lượng truyền dẫn (như tăng Package Loss, Jitter và Delay).
Từ những phát hiện đó để đưa ra cảnh báo kịp thời, kết hợp phân tích tương quan với nguồn dữ liệu kỹ thuật khác, hỗ trợ kỹ sư trong việc xác định ra nguyên nhân gây ra bất thường cũng như đưa ra phương án xử lý. Qua đó giúp nhà mạng nhanh chóng khắc phục sự cố bất thường, đảm bảo cho khách hàng được trải nghiệm chất lượng mạng tốt nhất.
Trước khi giải pháp này ra đời, rất khó để các kỹ sư M. giám sát bất thường cho một số lượng trạm và cell di động rất lớn, tới hơn 30.000 trạm/cell M. trên toàn quốc, chưa kể đến việc tìm nguyên nhân để khắc phục cũng mất rất nhiều thời gian và công sức. Giải pháp ADT không những hiệu quả hơn nhờ việc khai thác triệt để dữ liệu viễn thông mà còn giảm đáng kể áp lực lên đội ngũ kỹ sư.
Những nỗ lực tìm ra cơ sở để anh phát triển nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao này là gì?
Mỗi ngày, có hàng trăm công trình nghiên cứu trong lĩnh vực Công nghệ thông tin được công khai trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế nên việc nắm bắt được hết thông tin đó sẽ rất khó khăn.
Tôi phải đọc rất nhiều sách trắng công khai ở các diễn đàn công nghệ để phát triển ý tưởng, tìm ra được một hướng đúng để theo, để biết nó là tương lai. Hơn nữa, cơ sở quan trọng nhất đó là cần có một nhãn quan chính xác và kiến thức nền đủ rộng, bám sát thực tế của đất nước, tránh làm ra cái xã hội không cần. Vì thế, tôi luôn quan niệm: "Sự lựa chọn quan trọng hơn sự nỗ lực” để cận trọng trước mỗi sự lựa chọn về ý tưởng nghiên cứu.
Khi nghiên cứu về "Giải pháp trí tuệ nhân tạo phát hiện bất thường trong dữ liệu chuỗi thời gian", có nhiều thời điểm, tôi chỉ nghĩ về hai chữ "nghiên cứu", kể cả khi đi bus, đi ăn hay đi ngủ. Tôi cũng dành thời gian tham khảo bạn bè, chuyên gia trong lĩnh vực của mình, hỏi những người trong cuộc, đọc xem thế giới đã làm gì… để phát triển ý tưởng nghiên cứu của bản thân.
Các sản phẩm công nghệ khác góp phần làm nên tên tuổi của anh là gì?
Ngoài "Giải pháp trí tuệ nhân tạo phát hiện bất thường trong tín hiệu chuỗi thời gian", tôi muốn kể đến hệ thống chấm công, điểm danh bằng nhận diện khuôn mặt FaceRA. Sản phẩm đã được triển khai để điểm danh sinh viên ra vào tại AIoT Lab, Đại học Phenikaa với độ chính xác cao (>99%), và độ trễ thấp (~ 1s), có khả năng chống giả mạo (anti-spoofing) như dùng ảnh hoặc video có khuôn mặt để điểm danh.
Tôi cũng kỳ công nghiên cứu giải pháp phân tích dữ liệu y tế về hệ miễn dịch người Việt (data analytics for Vietnamese immue systems).
Nhờ số ít những chỉ số quan trọng này mà bác sĩ có thể nhanh chóng chẩn đoán chính xác tình trạng của bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị hợp lý nhất, tránh mất thời gian và nguồn lực khi phải xét nghiệm quá nhiều chỉ số.
Trước đó, nhờ đâu mà anh được nhận học bổng toàn phần nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở Anh mà không cần qua đào tạo bậc Thạc sĩ?
Đó là lần đầu tiên tôi tập tành nghiên cứu khoa học vào năm cuối đại học (2015) dưới sự dẫn dắt của TS. Ngô Vũ Đức, ĐH Bách khoa Hà Nội. Thầy giao cho tôi một bài toán rất khó, trong khi kiến thức nền của tôi cho chủ đề chưa có. Tôi phải tìm đọc rất nhiều tài liệu, sách báo bằng tiếng Anh để hiểu hơn về cái mình sẽ làm.
Nhưng nhờ sự cố gắng, bền bỉ, không bỏ cuộc, qua việc tìm tòi trong cuốn sách hiếm, khó tìm như “Digital Transmission of Information”, tôi đã giải quyết được bài toán hóc búa ban đầu. Và thành quả là 2 bài báo được chấp nhận tại 2 Hội nghị khoa học quốc tế uy tín là IEEE PIMRC 2015 và IEEE ATC 2015.
Nhờ vậy, năng lực nghiên cứu khoa học của tôi đã được chứng minh qua 2 công trình này, tiến tới dành học bổng Tiến sĩ toàn phần tại Queen’s University Belfast, Vương Quốc Anh năm 2016 mà không cần qua đào tạo bậc Thạc sĩ.
Qua kỷ niệm này, tôi luôn tin rằng, nếu bạn kiên trì theo đuổi mục tiêu đúng đắn với một cái tâm trong sáng, sớm muộn gì bạn cũng sẽ đạt được mục tiêu của mình.
Có nhiều cơ hội làm kỹ sư IT với mức lương hấp dẫn ở Anh, tại sao TS. Thiện lại chọn trở về Việt Nam làm giảng viên?
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, học trường làng của tỉnh Ninh Bình, bố mẹ làm nông dân, cứ đến mùa vụ phải đi cấy thuê để có tiền nuôi 2 anh em ăn học.
Ngày ấy không có tiền đi học thêm, gia đình lại không có truyền thống về học vấn, tôi tự tìm và xin lại sách Toán nâng cao cũ để luyện bài tập. Có hôm vừa đi chăn bò, tôi tranh thủ lôi sách ra học, vì thế, khi mới học xong lớp 6, tôi đã làm hết các bài tập trong sách cho năm học tiếp theo.
Tôi chia sẻ hoàn cảnh của mình không phải để "kể khổ" bởi tôi chắc rằng, nhiều bạn sinh viên khác cũng có hoàn cảnh tương tự và đều có khát vọng vươn lên "thoát nghèo" khi chứng kiến những giọt mồ hôi, sự vất vả của bố mẹ.
Chính vì vậy, khi nhận được cơ hội nghiên cứu sinh ở nước ngoài, tôi chỉ xác định sang học rồi về luôn. Tôi muốn trở về để truyền lửa, định hướng trực tiếp cho các bạn sinh viên bởi tôi nhìn thấy "chính mình" khi xưa, đôi lúc mông lung, mơ hồ về về con đường học tập để phát triển bản thân. Thông qua mỗi giờ dạy trên giảng đường, tôi chia sẻ với sinh viên về tầm quan trọng, trách nhiệm của việc học với chính người thân, bạn bè của các em để đem lại giá trị cho bản thân và xã hội.
"Xuất phát điểm bình thường, từ cậu bé chăn bò, mò cua đến nỗ lực dấn thân vào nghiên cứu khoa học đã cho tôi thành quả nho nhỏ ở hiện tại.
Tôi hy vọng các bạn trẻ cũng đừng sợ bất kỳ mục tiêu gì, dám nghĩ lớn, dành thời gian vào những điều bổ ích, giúp nâng cao thái độ, chuyên môn của mình, đừng ngại mình không đủ nền tảng mà hãy mạnh mẽ tham gia nhóm nghiên cứu ở trường để làm việc, học được những tính cách, kỹ năng tốt ở bạn bè, thầy cô", giảng viên trẻ Lương Văn Thiện, ĐH Phenika truyền tải thông điệp.
Trân trọng cảm ơn TS. Lương Văn Thiện về những chia sẻ ý nghĩa trong hành trình nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Chúc anh sức khỏe và ngày càng có nhiều thành tựu hơn nữa!
Thành tích nổi bật của TS. Lương Văn Thiện: - 19 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế. Trong đó: 18 bài báo thuộc danh mục Q1 (10 bài là tác giả chính), tác giả chính 1 bài báo thuộc danh mục Q2; - Tác giả chính 10 bài báo khoa học đã đăng toàn văn trong kỷ yếu hội thảo/hội nghị quốc tế; - Có 1 sản phẩm được ứng dụng phạm vị địa phương/đơn vị; - Chủ trì 1 đề tài cấp Cơ sở đã nghiệm thu đạt yêu cầu; - Tác giả của 01 sách giáo trình được NXB uy tín phát hành; - Chỉ số trích dẫn Google scholar: 266 Citations, h-index 10. |
Nguồn: [Link nguồn]
TS.BS Trần Đình Minh Huy là một trong số rất ít bác sĩ tại Việt Nam có bằng tiến sĩ nhãn khoa của một trường đại học danh giá ở Úc là ĐH New South Wales. Để đạt được thành...